Lật lại vụ án Shell vi phạm nhân quyền ở Nigeria

Góa phụ của một nhà hoạt động nhân quyền người Nigeria đã kiện hãng xăng dầu Shell về vụ hành quyết chồng bà, nói cái chết của ông đã khiến bà 'đau thương' và 'lâm cảnh nghèo khổ'.

Esther Kiobel đã ra làm chứng trước tòa tại The Hague, yêu cầu bồi thường từ công ty có trụ sở tại Hà Lan. Bà nằm trong số 4 người phụ nữ cáo buộc Shell đồng lõa trong việc treo cổ chồng của họ bởi quân đội Nigeria năm 1995. Shell đã phủ nhận cáo buộc này.

Bà quả phụ Esther Kiobel.

Bà quả phụ Esther Kiobel.

Các nhà hoạt động nhân quyền đã dẫn đầu các cuộc biểu tình rầm rộ chống ô nhiễm dầu ở Ogoniland của Nigeria. Các cuộc biểu tình được coi là mối đe dọa lớn đối với nhà cai trị quân sự lúc đó là Gen Sani Abacha và Shell. Họ được lãnh đạo bởi Ken Saro-Wiwa, một trong số 9 nhà hoạt động nhân quyền bị treo cổ bởi chính quyền quân phiệt.

Các vụ hành quyết của họ đã gây ra sự phẫn nộ toàn cầu, và dẫn đến việc Nigeria bị loại khỏi Khối thịnh vượng chung trong hơn 3 năm. Hai trong số các góa phụ đã ra tòa, nhưng 2 người khác đã bị từ chối visa để tham dự.

Bà Esther Kiobel nói gì?

Hơn 20 năm sau, những ký ức về các vụ hành quyết vẫn khiến các góa phụ rơi nước mắt, phóng viên Anna Holligan của Đài BBC tường thuật từ tòa án. Bà Kiobel lau nước mắt, và trong giọng nói run rẩy mô tả chồng bà, ông Barinem Kiobel, là "người tốt bụng".

Trong một tuyên bố bằng văn bản, bà Kiobel nói bà đã mất một "người chồng tuyệt vời" và một "người bạn tốt nhất". Bà nói: "Shell bước vào cuộc đời tôi để giành lấy vương miện tốt nhất tôi từng đeo trên đầu. Shell bước vào cuộc đời tôi để biến tôi thành một góa phụ nghèo khổ với tất cả các công việc kinh doanh của tôi bị đóng cửa. Shell bước vào cuộc đời tôi để biến tôi thành người tị nạn sống trong điều kiện khắc nghiệt trước khi tôi đến Mỹ thông qua chương trình tị nạn.

Nhà hoạt động Ken Saro-Wiwa đã bị hành quyết.

"Những đau khổ mà tôi và gia đình tôi đã trải qua là một trải nghiệm tồi tệ đến mức khiến chúng tôi bị tổn thương cho đến nay mà không có gì bù đắp. Tất cả chúng tôi đã sống với quá nhiều đau đớn, nhưng thay vì từ bỏ, suy nghĩ về việc chồng tôi bị giết một cách tàn nhẫn... đã thúc đẩy tôi kiên cường đấu tranh cho công lý”.

"Nigeria và Shell đã giết chồng của tôi: Tiến sĩ Barinem Kiobel và đồng bào Kenule Tua Saro Wiwa, John Kpuinen, Baribor Bera, Paul Levula, Nordu Eawo và phần còn lại [của] những linh hồn vô tội. Chồng tôi và những người còn lại đã bị giết ... Ký ức về sự tra tấn thể xác mà gia đình tôi đã trải qua vẫn còn trong tâm trí tôi, và bất cứ khi nào tôi nhìn vào vết sẹo của vết thương tôi phải chịu đựng trong suốt vụ việc, trái tim tôi càng đòi hỏi công lý hơn tất cả".

Phản ứng của Shell

Trong một tuyên bố, hãng này cho biết các vụ hành quyết là "những sự kiện bi thảm khiến chúng tôi bị sốc sâu sắc". "Tập đoàn Shell, cùng với các tổ chức và cá nhân khác, đã kêu gọi sự khoan hồng đối với chính quyền quân sự ở Nigeria vào thời điểm đó. Chúng tôi rất tiếc, những lời kêu gọi đó không được nghe thấy. Chúng tôi luôn phủ nhận, theo các điều khoản mạnh nhất có thể, các cáo buộc trong vụ án bi thảm này.

SPDC (Công ty Phát triển Dầu mỏ Shell) đã không thông đồng với chính quyền để đàn áp cộng đồng bất ổn, không hề khuyến khích hay ủng hộ bất kỳ hành vi bạo lực nào ở Nigeria, và nó không có vai trò gì trong việc bắt giữ, xét xử và xử tử những người này. Chúng tôi tin rằng bằng chứng cho thấy rõ ràng Shell không chịu trách nhiệm cho những sự kiện đau khổ này".

Tại sao các nhà hoạt động bị treo cổ?

Saro-Wiwa và 8 nhà hoạt động khác đã bị xử tử sau một phiên tòa bí mật, trong đó họ bị kết tội giết 4 nhà lãnh đạo truyền thống của Ogoni. Họ phủ nhận cáo buộc và nói rằng họ đã bị ép cung.

Sau đó, Thủ tướng Anh John Major đã mô tả phiên tòa là "một vụ lừa đảo" và nói rằng nó đã dẫn đến "án mạng tư pháp". Tại phiên tòa, Saro-Wiwa cho biết vụ án được thiết kế để ngăn chặn người dân Ogoni đấu tranh chống ô nhiễm dầu đã tàn phá môi trường của khu vực và gây ra nghèo đói cùng bệnh tật.

Saro-Wiwa đồng sáng lập Phong trào vì sự sống còn của người dân Ogoni (Mosop) vào năm 1990, phát động các chiến dịch lớn để giành tiền bồi thường thiệt hại về môi trường và yêu cầu khu vực này được chia sẻ lợi nhuận từ dầu mỏ.

Trước tòa, bà Victoria Bera cho biết bà đang mang thai đứa con đầu lòng khi chồng bà, ông Baribor Bera, bị quân đội bắt giữ.

Bà nói: "Việc giam giữ và xử tử chồng tôi sau đó đã khiến mọi việc trở nên rất khó khăn đối với cả gia đình, kể cả những người thân khác phụ thuộc vào hỗ trợ tài chính của anh ấy. Nỗi đau tôi đã sống trong những năm này dường như không biến mất, bất kể tôi làm gì, đặc biệt là khi tôi nhìn con trai tôi, người phải lớn lên mà không có cha...”, "Tôi cần công lý. Tôi cần công lý cho người dân của mình".

Trọng Nhân

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/ho-so-interpol-cstc/lat-lai-vu-an-shell-vi-pham-nhan-quyen-o-nigeria-535295/