Lật lại những thảm kịch xảy ra cùng ngày vụ cháy Nhà thờ Đức Bà Paris

Ngọn lửa dữ dội bao trùm lên Nhà thờ Đức Bà Paris đã khiến cả thế giới bàng hoàng. Nhưng ít ai biết ngày 15/4 còn là ngày đánh dấu của những bi kịch lớn khác của thế giới.

Thảm kịch Titanic

Thảm kịch tàu Titanic đã cướp đi sinh mạng của hơn 1.500 người. Ảnh: Getty

Thảm kịch tàu Titanic đã cướp đi sinh mạng của hơn 1.500 người. Ảnh: Getty

Vụ đắm tàu RMS Titanic là một trong những thảm họa hàng hải nghiêm trọng nhất mọi thời đại. Ngày 10/4/1912, tàu rời cảng Southampton, Anh, hướng đến thành phố New York, Mỹ. Titanic chở 2.224 hành khách và thủy thủ nhưng chỉ mang theo 20 thuyền cứu hộ đủ chỗ cho 1.178 người.

Theo thiết kế, Titanic phải mang theo 32 thuyền nhưng chủ của nó, công ty White Star Line, cho rằng việc mang nhiều thuyền sẽ làm mất mỹ quan và RMS Titanic "tàu không thể đắm". 23h40 ngày 14/4, Titanic va phải băng trôi trên Đại Tây Dương, cách đảo Newfoundland, Canada, khoảng 600 km về phía nam. Đến 2h20 ngày 15/4, tàu chìm, khiến hơn 1.500 người thiệt mạng.

Thảm họa Hillsborough

Cảnh hoảng loạn vào ngày 15/4/1989 trên Sân vận động Hillsborough, Sheffield. Ảnh: P.A

Một cuộc chen lấn dẫn đến chết người xảy ra vào ngày 15/4/1989, tại Hillsborough, sân bóng đá và là sân nhà của Sheffield Wednesday ở Sheffield (Anh). 96 cổ động viên Liverpool đã đến đây để cổ vũ cho The Reds trong trận bán kết cúp FA với Nottingham Forest, và họ không bao giờ trở về nhà.

Hillsborough được coi là thảm họa tồi tệ nhất lịch sử bóng đá hiện đại, nó cướp đi sinh mạng của 94 người ngay trong ngày 15/4, cùng với 766 người bị thương và khoảng 300 người phải nhập viện. 4 ngày sau, số người thiệt mạng tăng lên 95 khi cậu bé 14 tuổi Lee Nicol qua đời. Cuối cùng, vào tháng 3/1993, Tony Bland trở thành nạn nhân thứ 96 khi anh không thể tỉnh khỏi cơn hôn mê suốt 4 năm.

Thảm sát Bentiu

Binh lính tại Bentiu. Ảnh: Getty

Ngày 15/4/2014 các lực lượng chống chính phủ đã xông vào nhà thờ Hồi giáo Kali-Ballee ở Bentiu, tách riêng các nhóm quốc tịch và dân tộc và giết hại hơn 200 dân thường, làm hơn 400 người khác bị thương.

Tại Bệnh viên Bentiu, một số nam giới, phụ nữ và trẻ em thuộc nhóm dân tộc Nuer cũng đã bị hành quyết vì đã từ chối không cùng với những người Nuer khác ra hoan nghênh lực lượng phiến quân khi họ chiếm thị trấn. Nhiều cá nhân từ các cộng đồng khác, cũng như một số thương nhân Sudan đến từ Darfur, cũng đã bị giết chết tại bệnh viên.

Trong lúc đó, nhiều người khác cũng đã bị phiến quân hành quyết tại một nhà thờ Thiên Chúa giáo và một khu nhà của Chương trình Lượng thực Thế giới của LHQ sau khi tra hỏi về nhóm dân tộc và quốc tịch của họ.

Bom nổ tại cuộc đua Marathon Boston

Khoảnh khắc phát nổ của hai quả bom. Ảnh: Agency.co.uk

Vụ tấn công ngày 15/4/2015 tại giải marathon Boston là vụ đánh bom tồi tệ nhất ở Mỹ kể từ sau sự kiện khủng bố ngày 11/9/2001. Hai quả bom đã phát nổ khi hàng chục ngàn khán giả đổ xuống chật kín đường phố để chứng kiến cuộc đua marathon nổi tiếng thế giới này.

Nghi can được xác định trong vụ khủng bố này là 2 anh em người Mỹ gốc Chechnya, đã sử dụng bom tự chế từ nồi áp suất để thực hiện hành vi khủng bố. Tamerlan Tsarnaev - một trong 2 thủ phạm đã chết trong cuộc đấu súng với cảnh sát khi đang trên đường chạy trốn vài ngày sau vụ tấn công. Thủ phạm còn lại là Dzhokhar Tsarnaev bị xét xử với những tội danh có thể dẫn đến án tử hình.

Vụ đánh bom khủng bố khi đó đã đặt ra nhiều câu hỏi về khả năng đảm bảo an ninh của Mỹ cho những sự kiện thể thao thu hút đông đảo người dân tham dự.

Mộc Miên (T/h)

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/tin-the-gioi/lat-lai-nhung-tham-kich-xay-ra-cung-ngay-vu-chay-nha-tho-duc-ba-paris-a271318.html