Lật lại hồ sơ 2 bệnh nhân tử vong 'bất thường'

Đó là một trong những nội dung kết luận của Hội đồng chuyên môn (HĐCM) Sở Y tế TP Hồ Chí Minh xung quanh việc làm rõ qui trình tiếp nhận, điều trị 2 trường hợp bệnh nhân tử vong gây nhiều thắc mắc trong dư luận trong tháng 4-2018 vừa qua.

Trưa 14-5, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã thông tin về kết luận của HĐCM Sở Y tế thành phố xung quanh vụ việc nữ bệnh nhân tên: Bùi Hồng Sương (66 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) bị tai biến, tử vong sau khi được một bác sĩ của Bệnh viện (BV) Bình Dân đưa sang BV Đa khoa Bưu Điện phẫu thuật. HĐCM đã kết luận: Đã có sai sót chuyên môn; BV Bưu Điện cần rút kinh nghiệm sâu sắc về việc này.

Một nguồn tin cho biết, nữ bệnh nhân Bùi Hồng Sương sau khi đến khám tại BV Bình Dân đã “được” bác sĩ S., (BV Bình Dân) là người “có quen biết” với bệnh nhân đưa sang BV Đa khoa Bưu Điện để thực hiện phẫu thuật vào ngày 14-4.

Bệnh viện Bình Dân.

Theo thông tin từ thân nhân người bệnh, sau cuộc phẫu thuật nội soi (tại BV Bưu Điện) xử lý tình trạng "lồng ruột" do bác sĩ S., và ê kíp các bác sĩ của BV Bưu Điện thực hiện, bệnh nhân này bị tai biến: “xuất huyết ổ bụng, nhiễm trùng vết mổ do quá trình mổ thiết bị gặp sự cố, may sót mũi, dẫn đến vết thương hở".

Để cứu bệnh nhân, BV Bưu Điện đã mổ lại lần 2; đồng thời tiếp tục chuyển bệnh nhân qua BV Chợ Rẫy. Dù các bác sĩ BV Chợ Rẫy rất nỗ lực nhưng việc điều trị vẫn không mang lại kết quả. Ngày 17-4, bệnh nhân Sương tử vong.

Sau khi vụ việc xảy ra, Sở Y tế đã yêu cầu các bên liên quan báo cáo và thành lập HĐCM cấp Sở tìm hiểu nguyên nhân tử vong. Theo kết luận của HĐCM Sở Y tế, nguyên nhân tử vong của bệnh nhân Sương là do: “Sốc nhiễm khuẩn, suy đa cơ quan không hồi phục; viêm phúc mạc do bục miệng nối trực tràng sau "phẫu thuật STARR" có thể là do lỗi kim bấm siết không đủ chặt nên phẫu thuật viên phải khâu tăng cường (1 mũi); tiền sử bệnh nhân đã được mổ u xơ tử cung có thể tạo sẹo co kéo làm thay đổi cấu trúc giải phẫu vùng chậu; miệng nối căng có thể do thoát vị túi và lồng trong chưa nhiều; đây là một biến chứng có khả năng xảy ra theo tổng kết y văn thế giới 2008, 2011, 2017 và nguyên nhân chưa xác định được. Diễn tiến nhanh dẫn đến sốc nhiễm khuẩn, nhiễm độc sau bục miệng nối trực tràng vì đây là vùng nhiều vi khuẩn, có nguy cơ cao dẫn đến nhiễm khuẩn nặng”.

Theo bà Huỳnh Mai, bác sĩ S., là phẫu thuật viên của BV Bình Dân, đã từng thực hiện được 97 ca phẫu thuật trong BV. Giữa bác sĩ này cũng có hợp đồng phẫu thuật ngoài giờ với BV Đa khoa Bưu Điện. Cùng với những phân tích về mặt chuyên môn, HĐCM khẳng định: BV Đa khoa Bưu Điện phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về sai sót chuyên môn…

Cũng trong ngày 14-5, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã có công văn gửi tới Cục Quản lý khám, chữa bệnh Bộ Y tế báo cáo cụ thể về qui trình xử lý, điều trị cho bệnh nhân Lê Ngọc Trâm - trường hợp tử vong khi tới BV An Sinh chữa trị bệnh dị ứng dựa trên kết quả của HĐCM (Báo CAND đã thông tin).

Theo kết luận của HĐCM, bệnh nhân Trâm bị phản vệ độ 4 do dị ứng thức ăn. Nguyên nhân tử vong do tổn thương đa cơ quan tim phổi do sốc phản vệ. Theo đó, quá trình nhập viện, BV An sinh chẩn đoán lúc đầu là dị ứng thức ăn và điều trị, xử trí theo phác đồ hướng dẫn của Thông tư 51/2017/TT-BYT...

Tuy nhiên, theo HĐCM, BV An Sinh cho rút nội khí quản và ngưng thở máy với bệnh nhân vào lúc 23h30 phút ngày 18-4 "là sớm khi người bệnh chống máy". Việc xử trí phù phổi cấp là phù hợp, nhưng "nếu có điều kiện nên chụp X-quang phổi tại giường kèm siêu âm tim đánh giá chức năng co bóp cơ tim và thể tích máu để tìm và xử trí nguyên nhân phù phổi"...

Trong phần "rút kinh nghiệm chuyên môn", HĐCM ghi: "Xử trí sốc phản vệ bằng tiêm bắp Adrenalin thay vì tiêm dưới da theo Thông tư 51/2017/TT-Bộ Y tế".

Xoay quanh vấn đề rút kinh nghiệm chuyên môn trên, PV Báo CAND cũng trực tiếp trao đổi với một chuyên gia về lĩnh vực hồi sức cấp cứu. Vị này cho biết, về góc độ chuyên môn, trước hết cần tìm hiểu lý do tại sao phải ra một Thông tư của ngành về cấp cứu với các trường hợp sốc phản vệ? Trong phần "hướng dẫn xử trí cấp cứu phản vệ - ban hành kèm theo Thông tư 51", tại Điều 3 - phần "nguyên tắc chung" chỉ rõ: "Adrenalin là thuốc thiết yếu, quan trọng hàng đầu cứu sống người bệnh bị phản vệ, phải được tiêm bắp ngay khi chẩn đoán phản vệ từ độ II trở lên".

Chuyên gia này cho rằng, cần phải hiểu thông tư đưa ra có nghĩa là có hiệu lực của pháp luật; được đưa ra dựa theo khuyến cáo, góp ý của các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực hồi sức cấp cứu.

Được biết, các đơn vị y tế trên toàn địa bàn TP Hồ Chí Minh cũng đã được hướng dẫn, tập huấn ngay khi Thông tư 51 có hiệu lực (từ tháng 1-2018). “Trước khi Thông tư 51 ra đời có hướng dẫn tiêm cấp cứu sốc phản vệ là áp dụng kỹ thuật tiêm ở dưới da. Thông tư 51 ra đời với khuyến cáo mới nhất, đó là tiêm bắp thay vì tiêm dưới da. Khi đã là thông tư cũng có nghĩa là một văn bản mang tính pháp luật. Mà đã là pháp luật thì phải tuân thủ trong y lệnh điều trị...”, vị chuyên gia này khẳng định.

“Sau khi có kết luận của HĐCM Sở Y tế, hồ sơ 2 vụ việc trên tiếp tục được chuyển lại Phòng Thanh tra Sở Y tế để xem xét các căn cứ, xử lý với các sai sót chuyên môn”, bà Huỳnh Mai cho biết thêm.

Nhóm PV

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/lat-lai-ho-so-2-benh-nhan-tu-vong-bat-thuong-491161/