Lập siêu căn cứ Jordan-Syria-Iraq: Chiến lược Trung Đông mới của Mỹ

Truyền thông Iran đưa tin tình báo cho biết Mỹ đang chuẩn bị lập một căn cứ siêu tối tân ở trung tâm tam giác Jordan-Syria-Iraq.

Hãng thông tấn Fars của Iran dẫn nguồn tin tình báo hôm 13/2 cho biết quân đội Mỹ đang có những bước chuẩn bị rõ ràng cho việc xây dựng một căn cứ quân sự siêu lớn nằm giữa ngã ba với 3 nước Iraq, Syria, Jordan.

Căn cứ này sẽ được xây dựng trên đất Iraq. Nguồn tin này cho biết đã có những sự tập kết vật liệu xây dựng cho các công trình kiên cố được chuyển đến liên tục, ngoài ra, lượng binh lính Mỹ xuất hiện ở đây cũng tăng đột biến trong vài ngày qua.

Những đoàn xe vận chuyển nhu yếu phẩm và vũ khí tối tân của Mỹ cũng qua lại liên tục khu vực này. Nguồn tin tình báo của Fars cho rằng Washington đã ngấm ngầm xây dựng một căn cứ quy mô rất lớn nếu dựa vào những thông tin họ thu thập được trên thực địa.

Theo đó, rất có thể đây sẽ là căn cứ không quân quy mô lớn thứ 2 trên đất Iraq và tương đương với các căn cứ quân sự ở Qatar hay Arab Saudi. Nguồn tin này cũng khẳng định Mỹ không cần xin ý kiến của chính quyền Baghdad để xây dựng căn cứ này.

Vị trí nghi vấn Mỹ xây dựng căn cứ lớn ở ba nước Jordan-Syria-Iraq

Vị trí nghi vấn Mỹ xây dựng căn cứ lớn ở ba nước Jordan-Syria-Iraq

Với tiến độ đang thể hiện, thông tin của Fars cho rằng căn cứ này áng chừng sẽ hoàn thành cơ bản và đi vào hoạt động thời điểm cuối tháng tư 2019. Đây cũng là thời điểm mà chậm nhất các binh sỹ Mỹ phải rút khỏi Syria theo tuyên bố gần nhất của ông Donald Trump.

Truyền thông Trung Đông đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về việc Mỹ không hề rút 2.000 quân của họ về nước mà chỉ kéo lực lượng này từ Syria sang đồn trú tại Iraq. Trong khi đó, hãng thông tấn tiếng Arab là al-Ma'aloumeh cho rằng căn cứ sắp hình thành này là để chứa chỗ quân lính Mỹ vừa rút khỏi Syria.

Nếu các nguồn tin này là xác thực, thực sự Mỹ đang có một bước đi rất táo bạo ở khu vực này để phục vụ cái gọi là "chiến lược Trung Đông mới" mà ông Trump đang theo đuổi.

Kể từ khi Tổng thống Trump tuyên bố "chiến lược Trung Đông với nòng cốt là các cuộc chiến chống khủng bố" đã lạc hậu và cần thay đổi hồi cuối tháng 12/2018, ông Trump dù không đưa ra một học thuyết cụ thể nào, nhưng những bước đi liên tiếp đã cho chúng ta có thể hình dung ra những khái niệm đầu tiên về chiến lược này.

Thứ nhất, Mỹ gia tăng hiện diện quân sự mang tính tập trung, không dàn trải. Chấp nhận rút quân ở các vũng lầy như Syria, Afghanistan nhưng Washington sẽ tăng quân tại những điểm nóng mang tính chất lợi ích cốt lõi.

Trong đó đáng kể nhất là Iraq - trung tâm của Trung Đông. Từ cuối tháng 12/2018 đến nay, Mỹ đã xây dựng thêm 4 căn cứ quân sự quy mô vừa và nhỏ, nâng tổng số căn cứ ở Iraq lên 11 (chưa tính căn cứ quy mô lớn nêu trên).

Mỹ hiện diện ở Iraq 7.400 quân và nhân viên quân sự, hàng trăm xe tăng, xe vận tải bọc thép, xe đa dụng, hàng chục chiến đấu cơ và nhiều máy bay vận tải, trinh sát, nhiều hệ thống radar hỗ trợ tác chiến điện tử... Chưa kể việc Tổng thống Trump đã nhiều lần bóng gió về việc sẽ tăng hiện diện quân sự ở Iraq.

Tiếp đến, tại Qatar, hồi giữa tháng 1/2019, Mỹ và chính quyền Doha có thảo thuận mở rộng căn cứ quân sự Al-Uleid với quy mô gần gấp đôi, cho phép thường trú đến gần 20.000 quân cùng hàng trăm máy bay chiến đấu. Cảng Al-Uleid cũng được mở rộng để có thể phục vụ hàng không mẫu hạm và các hạm đội của Mỹ.

Một căn cứ của quân đội Mỹ ở Iraq

Thứ hai, Mỹ đang muốn quy hoạch lại các cuộc chiến mà họ tham gia. Việc thỏa thuận ngừng bắn với Taliban, rút quân khỏi Syria, ngừng hỗ trợ liên quân Arab trong cuộc chiến với Yemen... cho thấy Mỹ đang muốn đóng lại tất cả những cuộc binh đao không còn hiệu quả.

Điều này không phải vì ông Trump yêu chuộng hòa bình, vị Tổng thống này chỉ nhận ra rằng đây là các cuộc làm ăn không có lãi, ông buộc phải cắt lỗ và tìm ra một hệ thống vận hành khác hiệu quả hơn.

Ngoài ra, Tổng thống Mỹ đã nhìn thấy việc vị thế Mỹ ở khu vực này đã có nhiều thay đổi. Đầu tiên là việc chính quyền các nước mà Mỹ can thiệp chán ghét, người dân căm thù, cho đến việc quyền lực Mỹ áp đặt lên đồng minh ngày càng bị lơi lỏng, đặc biệt sau khi có sự xuất hiện của Nga.

Donald Trump chỉ đơn thuần đang sàng lọc và quy hoạch lại lòng tin của đồng minh. Trước khi bắt đầu cái mới, ông chủ Nhà Trắng dường như đang muốn rà soát lại lực lượng. Việc thành lập căn cứ mới, các hợp đồng vũ khí vừa được ký kết với Arab Saudi, Lebanon, tổ chức hội thảo chống Iran... đều cho thấy nội dung bước đi này của Mỹ.

Thứ ba, khoanh vùng đối thủ. Trong cụm từ "một kỷ nguyên hợp tác mới" mà Mỹ đưa ra tại hội nghị chống Iran tổ chức ở Warsaw (Ba Lan), Mỹ đã cho thấy một phần của học thuyết tiếp theo ở Trung Đông của mình. Giữa tập thể các đồng minh, Ngoại trưởng Mỹ nói về hợp tác, không ai là ngoại lệ, không ai đứng ngoài chiến lược này.

Điều này đồng nghĩa với việc những người không tham gia vào liên minh của Mỹ, không thể hiện quan điểm rõ ràng được liệt vào danh sách đối thủ. Khi tiến hành bước khoanh vùng này, các công trình sư như John Bolton hay Mike Pompeo cũng đồng thời lên các phương án cho cách can thiệp mới.

Như vậy, có thể mường tượng được chiến lược Trung Đông mới của Mỹ sẽ gồm bước đi đầu tiên là củng cố các địa bàn bằng quân sự, tiếp đến chắc chân trong đội ngũ đồng minh và thứ ba, tiến hành tiêu diệt các mục tiêu thù địch.

Đỗ Tú

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/lap-sieu-can-cu-jordan-syria-iraq-chien-luoc-trung-dong-moi-cua-my-3374630/