Lập quỹ nâng cao sức khỏe là trái nghị quyết Chính phủ

Giới chuyên gia cho rằng, khi ban hành Luật Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia, vấn đề trọng tâm là phải làm sao kiểm soát được rượu bia lậu, kém chất lượng, bất hợp pháp, tuy nhiên vấn đề này lại hoàn toàn mờ nhạt trong dự thảo.

Trái nghị quyết Chính phủ

Ngày 20/8, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức hội nghị cho ý kiến ban đầu về dự án Luật Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia do Bộ Y tế chủ trì soạn thảo. Liên quan đến việc thành lập quỹ nâng cao sức khỏe, ban soạn thảo đưa ra hai phương án lập hoặc không thành lập. Tuy nhiên vẫn phải chờ ý kiến cuối cùng từ Thủ tướng Chính phủ, lúc đó sẽ trình ra Quốc hội.

Theo TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia rượu nước giải khát, đến nay doanh nghiệp ngành đồ uống đang chịu tác động của 12 loại thuế, phí, như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế môi trường, thuế thu nhập cá nhân, cùng các loại phí khác. Chính vì vậy, theo ông Việt, ngoài các loại thuế bắt buộc hiện hành ra, doanh nghiệp không thể bị bắt buộc đóng cho khoản quỹ đó. Mặt khác, các doanh nghiệp, cá nhân cũng đều phải tuân thủ nghiêm túc Luật Ngân sách Nhà nước, mọi khoản thu, chi phải qua ngân sách chứ không nên mỗi bộ, mỗi luật lại đề xuất lập một quỹ ngoài ngân sách. Ông đề nghị phải thực hiện theo luật pháp hiện hành về ngân sách Nhà nước.

Về việc này, TS Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, Nghị quyết 104 của Chính phủ đã nói rõ là không thành lập quỹ rồi. Chính vì vậy, Bộ Y tế có đưa ra cũng không được, vì như vậy là trái với nghị quyết của Chính phủ. Con số ban soạn thảo đưa ra cũng không có căn cứ gì, nếu trình ra Quốc hội, các đại biểu sẽ không đồng tình. “Thu vào ngân sách là việc của Chính phủ và chi như thế nào cũng là do Chính phủ. Chính phủ ra nghị quyết rồi thì bàn làm gì nữa. Tôi vừa sang Pháp khảo sát thì thấy họ có luật này nhưng người ta không có quỹ như đề xuất của Bộ Y tế”, ông Lợi cho hay.

Cùng quan điểm, ông Trần Quang Chiểu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho biết, nếu ban soạn thảo có trình quỹ này ra thì Ủy ban Tài chính Ngân sách cơ bản là không đồng tình. Luật lại bắt buộc các doanh nghiệp đóng góp quỹ là thiếu tính pháp lý.

Quảng cáo đi kèm cảnh báo?

Tại hội nghị, các đại biểu lo ngại, nếu đưa ra quy định cấm doanh nghiệp rượu bia tham gia tài trợ các hoạt động trong nước, doanh nghiệp sẽ mang tiền tài trợ ra nước ngoài. Câu chuyện Bia Sài Gòn tài trợ cho một đội tuyển tại Giải Ngoại hạng Anh là một ví dụ. Đồng tình với quy định không tài trợ cho các chương trình liên quan đến giáo dục, trẻ em, học sinh, sinh viên, nhưng đại diện doanh nghiệp sản xuất rượu bia trong nước kiến nghị vẫn được tài trợ cho các chương trình thể thao, văn hóa, giải trí. Hay đối với nội dung cấm bán rượu bia trên internet, trong thời đại 4.0, với quy định như vậy sẽ mất đi kênh bán hàng quan trọng.

Trước những băn khoăn này, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, vấn đề quảng cáo cũng cần phải tính toán, không tùy tiện được. “Quảng cáo nhưng kèm theo cảnh báo tác hại của rượu bia cũng tốt”, ông Lợi nói.

Theo chuyên gia tài chính Ngô Trí Long, vấn đề trọng tâm phải làm sao kiểm soát được rượu bia lậu, kém chất lượng, bất hợp pháp, trong khi vấn đề này lại hoàn toàn mờ nhạt trong dự thảo. Cũng theo ông Long, điều quan trọng là sự tác động của luật tới cộng đồng, tới ngân sách nhà nước trong việc thu thuế ra sao, ảnh hưởng tới doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm với người lao động thế nào. “Ngoài biện pháp thông dụng, nên gắn với biện pháp quyết liệt liệt hơn là vấn đề hình sự, làm sao để tránh lạm dụng và kiểm soát được rượu bia kém chất lượng”, ông Long nói.

Thành Nam

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/lap-quy-nang-cao-suc-khoe-la-trai-nghi-quyet-chinh-phu-1315146.tpo