Lập quy hoạch phân khu các đô thị vệ tinh Hà Nội: Không để chậm thêm

TP Hà Nội đang khẩn trương lập các quy hoạch phân khu (QHPK) đô thị cấp độ 2 nhằm triển khai cụ thể hóa quy hoạch chung các đô thị vệ tinh.

Trong tổng số 31 QHPK thuộc 5 đô thị vệ tinh đang được tổ chức lập quy hoạch (phủ kín 100% diện tích nghiên cứu), 6 QHPK tại hai đô thị vệ tinh Phú Xuyên và Xuân Mai có khả năng hoàn thành sớm nhất, hiện đã trình UBND TP xem xét phê duyệt trong năm nay.

Một góc khu đô thị vệ tinh Hòa Lạc. Ảnh: Vũ Hạ

Một góc khu đô thị vệ tinh Hòa Lạc. Ảnh: Vũ Hạ

Giảm áp lực cho nội đô

Theo định hướng tại Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, Thủ đô Hà Nội có 5 đô thị vệ tinh là Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn. Trong đó, 4 đô thị vệ tinh gồm Phú Xuyên, Xuân Mai, Sóc Sơn, Sơn Tây được TP Hà Nội phê duyệt quy hoạch chung từ năm 2015 với tổng diện tích khoảng 20.388,3ha.

Riêng đô thị Hòa Lạc có diện tích 17.274ha được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung vào tháng 5/2020. Các đô thị vệ tinh được định hướng phát triển hoàn chỉnh, đồng bộ từ hạ tầng kỹ thuật đến hạ tầng xã hội một cách độc lập và hỗ trợ, giảm tải nhiều chức năng cho đô thị trung tâm.

Trong những năm gần đây việc gia tăng dân số cơ học mạnh mẽ đã tạo áp lực không nhỏ lên hệ thống cơ sở hạ tầng tại khu vực đô thị trung tâm Thủ đô. Do đó, nhiều chuyên gia quy hoạch đô thị cho rằng TP Hà Nội cần đẩy nhanh và sớm hoàn thành 5 đô thị vệ tinh để kéo giãn mật độ dân cư trong nội thành.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm cho biết, khi Hà Nội triển khai xây dựng đồng bộ 5 đô thị vệ tinh sẽ có khả năng dung nạp khoảng gần 1,4 triệu người, giảm áp lực dân số và hạ tầng kỹ thuật vào đô thị trung tâm, nhất là nội đô lịch sử. Quỹ đất có khả năng khai thác gần 25.000ha (xấp xỉ 70% diện tích tự nhiên nội đô lịch sử), tạo điều kiện thuận lợi cho khởi nghiệp, sáng tạo.

Hơn thế nữa, khi thực hiện các đô thị vệ tinh còn góp phần thúc đẩy vai trò liên kết của Hà Nội với các tỉnh trong vùng, khu vực, tạo thuận lợi cho thực hiện chức năng đô thị đặc biệt là Thủ đô, là động lực phát triển vùng. Do đó, TP cần chỉ đạo quyết liệt, bứt phá, không để chậm thêm thời hạn hoàn thành các QHPK đô thị vệ tinh.

Là địa phương có tới 14 đồ án QHPK, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Nguyễn Viết Đạt cho hay, với QHPK đô thị được UBND TP Hà Nội giao nhiệm vụ, thị xã đang phối hợp cùng các sở, ngành triển khai nhanh nhất có thể. UBND thị xã Sơn Tây cũng đề nghị TP tập trung nguồn lực, đầu tư hạ tầng khung để kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh. Đồng thời tiếp tục áp dụng các cơ chế, chính sách phát triển đô thị vệ tinh nhằm giảm tải cho đô thị trung tâm theo đúng định hướng.

Sơ đồ các đô thị vệ tinh trong Quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch

Thông tin về tiến độ lập quy hoạch 31 đồ án QHPK tại các đô thị vệ tinh, thạc sĩ, KTS Lã Hồng Sơn - Phó trưởng Phòng Quản lý quy hoạch phát triển các đô thị vệ tinh và nông thôn (Sở QH - KT Hà Nội) cho hay, hiện 6 đồ án gồm 3 QHPK đô thị Xuân Mai (khu 1, khu 2, khu 3) và 3 QHPK đô thị Phú Xuyên (khu 1, khu 2, khu 3) đã được Sở QH - KT thẩm định, trình UBND TP xem xét phê duyệt trong thời gian cuối năm 2022.

“Việc hoàn thiện những đồ án QHPK tại hai đô thị vệ tinh này sẽ tạo động lực để các địa phương, đơn vị tích cực vào cuộc tháo gỡ khó khăn, hoàn thành sớm những QHPK còn lại” - KTS Lã Hồng Sơn nêu.

Đối với 14 đồ án QHPK trong khu vực đô thị vệ tinh Sơn Tây, trong đó 9 đồ án thuộc khu vực ST1, Sở QH -KT đã có báo cáo UBND TP xin ý kiến Ban Thường trực, Thường vụ Thành ủy, dự kiến hoàn chỉnh, trình UBND TP phê duyệt trong năm 2022.

Còn lại 5 QHPK đô thị tại các khu vực ST2, ST3, ST4; Quy hoạch phân khu xây dựng khu vực phía Đông Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam; Quy hoạch phân khu xây dựng khu vực hồ Xuân Khanh, UBND TP đã ủy quyền, giao UBND thị xã Sơn Tây và Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng & công nghiệp TP là cơ quan tổ chức nghiên cứu lập. Hiện các đơn vị này đang tổ chức nghiên cứu lập nhiệm vụ quy hoạch; dự kiến, trình UBND TP xem xét, xin ý kiến Ban Thường trực, Thường vụ Thành ủy về nhiệm vụ quy hoạch trong năm 2022.

Về 4 đồ án QHPK đô thị Hòa Lạc (HL3, HL4, HL5, HL6), tỷ lệ 1/2000, ngày 20/7/2022, Văn phòng UBND TP có Công văn số 7103/VP-ĐT truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn giao Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội tiếp tục khẩn trương tổ chức lập các đồ án QHPK đô thị Hòa Lạc theo các nhiệm vụ quy hoạch đã được duyệt, đảm bảo tiến độ, báo cáo UBND TP trong tháng 12/2022.

Mới đây nhất (ngày 5/8), UBND TP Hà Nội đã có các quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch 5 phân khu đô thị Sóc Sơn khu 1, 2, 4, 5 và 6, tỷ lệ 1/2.000. UBND TP đã giao UBND huyện Sóc Sơn là đơn vị lập quy hoạch các QHPK này, đồng thời phối hợp với các sở, ngành và các đơn vị liên quan để xác định dự án đầu tư trong khu vực, nghiên cứu, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi về nội dung các đồ án QHPK.

Theo thạc sĩ, KTS Lã Hồng Sơn, thời gian qua công tác phát triển các đô thị vệ tinh đã được TP quan tâm và đến nay đã đạt kết quả nhất định. Tuy nhiên, tiến độ lập QHPK các đô thị vệ tinh nhìn chung vẫn còn chậm, chưa đáp ứng được tiến độ do còn nhiều khó khăn, vướng mắc. “Cụ thể, quy trình triển khai còn vướng do quy hoạch cấp trên đang được nghiên cứu lập, điều chỉnh (Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô), một số đô thị vệ tinh cần bổ sung rà soát, đánh giá lại về quy mô, tính chất, chức năng theo các Nghị quyết mới của Bộ Chính trị đối với Thủ đô”.

Bên cạnh đó, nguồn vốn cho công tác quy hoạch, quy trình thực hiện các thủ tục dự toán, bố trí vốn quy hoạch theo Luật Quy hoạch còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, năng lực triển khai theo phân cấp (lập, thẩm định, trình phê duyệt quy hoạch) còn nhiều tồn tại, hạn chế ở cả cấp huyện và cấp TP.

Nhằm đẩy nhanh việc hoàn thiện các QHPK tại 5 đô thị vệ tinh, TP đã giao rõ người, rõ việc, rõ tiến độ cho các địa phương, sở, ngành của TP. Vấn đề hiện nay là cần tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành và địa phương trong việc tổ chức lập, thẩm định quy hoạch, đảm bảo chất lượng, tiến độ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ngoài ra, TP cũng cần xây dựng cơ chế giám sát, thi đua, khen thưởng, chế tài trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

Phó trưởng Phòng Quản lý quy hoạch phát triển các đô thị vệ tinh và nông thôn (Sở QH – KT Hà Nội) Lã Hồng Sơn

Vũ Lê

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/lap-quy-hoach-phan-khu-cac-do-thi-ve-tinh-ha-noi-khong-de-cham-them.html