Lắp pin mặt trời, xài điện miễn phí cả ngày

Ai cũng muốn tiết kiệm điện. Chính vì vậy trào lưu sử dụng pin mặt trời từ cuối năm 2017 đến nay ngày càng lan rộng. Nhưng lắp loại nào và chi phí ra sao thì người tiêu dùng cần phải xem xét kỹ.

Giảm 95% tiền điện sau khi lắp pin mặt trời

Định hướng phát triển năng lượng mặt trời nói riêng và năng lượng tái tạo nói chung đã có từ lâu. Thế nhưng từ tháng 10 năm 2017, khi Bộ Công thương đã ban hành Thông tư 16 (có hiệu lực từ ngày 26/10/2017) quy định cụ thể giá mua bán điện mặt trời, thì người dân mới mạnh dạn sử dụng pin mặt trời.

Gia đình ông Thọ (P.7, TP. Vũng Tàu) lắp bộ pin mặt trời công suất 3 kW từ cuối tháng 5/2018. Sinh hoạt gia đình 3 người nhà ông ngoài nấu ăn, xem tivi thì còn có tủ lạnh và máy lạnh. Tiền điện mỗi tháng ông phải trả gần 1,4 triệu đồng/tháng. Đến cuối tháng 6/2018, hóa đơn tiền điện nhà ông chỉ còn chưa đến 80.000 đồng. Tính ra, gia đình ông đã tiết kiệm được 95% tiền điện mỗi tháng nhờ pin mặt trời. Ông dự tính lắp thêm một bộ pin mặt trời nữa cho gia đình ba mẹ ruột ở gần đó trong thời gian tới.

Bộ pin mặt trời Mono 3 kW tại nhà ông Thọ, P7, TP.Vũng Tàu.

Cơ chế tạo ra điện mặt trời không quá phức tạp. Các tấm pin mặt trời lắp trên mái nhà sẽ hấp thu ánh sáng và tạo ra dòng điện một chiều. Bộ biến tần (inverter) gắn với tấm pin sẽ chuyển dòng điện một chiều thành điện xoay chiều. Dòng điện này đi qua điện kế hai chiều trước khi kết nối với điện lưới quốc gia. Nếu lượng điện phát ra từ các tấm pin nhiều hơn nhu cầu hộ gia đình sử dụng, lượng điện dư sẽ tự động phát ngược lên điện lưới quốc gia. Ngược lại nếu thiếu, hệ thống sẽ bổ sung điện từ lưới điện.

Lượng điện dư sẽ được Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) mua lại với giá 2.086 đồng/kWh (đối với dự án phát điện trước ngày 30/6/2019) theo quy định của Thông tư 16. Thời gian bù trừ lượng điện chênh lệch thường được tính vào cuối năm. Người dân sử dụng pin mặt trời còn được đơn vị điện lực địa phương lắp điện kế hai chiều miễn phí tận nhà. Như vậy, trước khi hy vọng sẽ bán lại điện dư được chút ít, thì người dân sẽ được dùng điện miễn phí cả ngày. Ban đêm có thể xài điện lưới như cũ hoặc dùng bộ ắc quy trữ điện mặt trời.

Quy trình hòa lưới của điện mặt trời mái nhà khá đơn giản. Người dân có thể bán lại lượng điện dư từ hệ thống cho EVN.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng Công ty Điện lực TP.HCM, đến cuối tháng 7/2018, số hộ dân sử dụng điện mặt trời đã tăng hơn 2,7 lần từ tháng 10/2017. Ngoài con số hơn 500 hộ gia đình, còn có hơn 50 doanh nghiệp, 20 khách sạn tư nhân (2-3 sao) cũng lắp hệ thống điện mặt trời trên mái nhà.

Chọn pin mặt trời thế nào?

Việt Nam là một trong số những quốc gia có số giờ nắng hàng ngày cao nhất trên thế giới, trung bình 4-5 giờ/ngày. Mỗi bộ pin mặt trời có công suất 3 kW sẽ cho ra ít nhất 12 kWh điện mỗi ngày và dao động 360-400 kWh mỗi tháng.

Các tấm pin mặt trời hiện chủ yếu được nhập từ nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Đức, Canada, Nhật, Trung Quốc. Trong nước cũng có nhiều đơn vị sản xuất. Để đảm bảo chất lượng và tiết kiệm chi phí, người tiêu dùng cần đánh giá kỹ trên nhiều tiêu chí.

Trước hết, cần phân biệt hai loại pin chính hiện nay là Mono (đơn tinh thể) và Poly (đa tinh thể). Pin mặt trời được sản xuất từ Silic (cát). Pin Mono có hàm lượng Silic cao (trên tấm pin có nhiều ô vuông nhỏ), nên hấp thu ánh sáng và tạo ra điện với hiệu suất cao nhất. Pin Poly (thân pin có các đường sọc ngang dọc) có hàm lượng Silic thấp hơn nên hấp thụ ánh sáng yếu hơn.

Phân biệt pin Mono (bên trái – có ô vuông) và pin Poly (phải – có đường ngang dọc).

Vì có hiệu suất cao, pin Mono có số giờ phát điện dài hơn, chiếm ít diện tích khi lắp đặt. Với nhu cầu mỗi kW điện, pin Mono chỉ chiếm 5,5 m2 còn pin Poly chiếm đến 8 m2. Nhưng pin Mono đắt hơn Poly đến 15% giá bán. Vì vậy, ông Đức Anh cho rằng, với những gia đình có diện tích mái nhà hạn chế, nên sử dụng pin Mono. Còn nếu nhà có mái nhà hay sân thượng rộng rãi, sử dụng pin Poly sẽ giúp chủ nhà tiết kiệm chi phí lắp đặt. Bộ pin mặt trời công suất 3 kW dùng pin Mono hiện có giá lắp đặt trọn bộ trên dưới 60 triệu đồng.

Khu vực TP.HCM đang có hàng chục công ty nhận lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà. Tuy nhiên, để yên tâm sử dụng lâu dài, ông Đức Anh cho rằng người dân nên dựa theo tiêu chí TIER 1 để đánh giá đơn vị lắp đặt.

TIER 1 là bộ tiêu chí đánh giá năng lực các công ty sản xuất tấm pin mặt trời của Tập đoàn Bloomberg (Mỹ). Chỉ những công ty có sản phẩm chất lượng, năng lực tài chính mạnh, chế độ bảo hành chu đáo mới được xếp vào đây. Danh sách này có đến 30 công ty và được công bố hàng quý, người dùng phải trả phí mới xem được.

Do đó, theo ông Đức Anh, nếu không tiếp cận được danh sách này thì người dân có thể dựa vào danh sách đối tác uy tín của Tổng Công ty Điện lực TP.HCM công bố trên website. Hoặc cũng có thể hỏi trực tiếp đơn vị thi công có sử dụng pin của nhà sản xuất nằm trong nhóm TIER 1 không. Đã có trường hợp doanh nghiệp tại Việt Nam mua nhầm pin của nhà sản xuất đã phá sản (Solar World của Đức) và không được bảo hành.

Bài và ảnh: Dương Nguyễn

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/lap-pin-mat-troi-xai-dien-mien-phi-ca-ngay-d69373.html