Lấp 'lỗ hổng' trong hệ thống định mức đơn giá xây dựng

Xây dựng khung chuẩn cho hệ thống định mức đơn giá đang được Bộ Xây dựng thực hiện thông qua Đề án hoàn thiện hệ thống định mức và đơn giá xây dựng.

Đây được xem như một công cụ quản lý hiệu quả các dự án đầu tư tại Việt Nam, nhất là dự án đầu tư công hay hợp tác đầu tư công - tư (PPP)… theo hướng bảo đảm lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam xung quanh vấn đề này.

- Có nhiều ý kiến cho rằng, hệ thống định mức, đơn giá xây dựng hiện hành được áp dụng sau rất nhiều năm đã quá lạc hậu. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Nguyễn Quốc Hiệp: Với tốc độ phát triển đô thị của Việt Nam hiện nay, ngành xây dựng đang có trọng trách rất lớn.

Một số doanh nghiệp hàng đầu của ngành xây dựng đã có tên trong tốp đầu của Đông Nam Á.

Bằng chứng là đợt vừa rồi, Coteccons Group của Việt Nam đã đủ khả năng xây dựng tòa nhà Landmark 81 cao thứ 10 thế giới.

Thành công của các doanh nghiệp xây lắp chính là làm chủ công nghệ cao. Vậy thì việc đổi mới hệ thống đơn giá định mức là tất yếu nếu không sẽ trở thành rào cản.

Rõ ràng công nghệ thay đổi rất nhanh, trong khi định mức không theo kịp, thể hiện sự lạc hậu. Ví dụ có những cái ban hành quá cao, trong khi ngoài thị trường thì lại thấp hoặc ngược lại. Điều này gây khó khăn cho các nhà thầu trong nước khi vận dụng định mức đơn giá này trong tính toán.

Đơn cử như đơn giá quy định nhân công làm bê tông từ 600.000-900.000 đồng/m3, nhưng thực tế nhân công doanh nghiệp thuê ngoài thì chỉ có 250.000 đồng/m3. Tức là đơn giá này đang rất cao.

Hay như hạng mục trần thạch cao, giá nhân công đang là từ 170.000-200.000 đồng/m2, nhưng thực tế thì cả công lẫn vật liệu để ra thành phẩm cũng chỉ khoảng 200.000 đồng/m2.

Đấy là những đơn giá đang cao hơn so với thực tế, nhưng ngược lại có cái lại thấp hơn thực tế rất nhiều. Điển hình như phần ốp lát.

Theo đơn giá nhà nước chỉ có từ 25.000-40.000 đồng/m2 cho nhân công và ốp là khoảng 70.000 - 120.000 đồng/m2.

Nhưng thực tế, thợ có tay nghề cao thì công lát đã là 90.000 đồng/m2. Hay ví dụ như láng sàn, quy định chỉ có 16.000 đồng/m2, nhưng nhân công thực tế đang phải trả gấp 3 lần, khoảng 50.000 đồng/m2.

Các dẫn chứng này phần nào cho thấy những lạc hậu trong đơn giá định mức so với thực tế. Mặc dù hàng năm đơn giá vật tư vẫn được cập nhật nhưng công nghệ thì không. Do đó, hệ thống định mức đơn giá cho công nghệ còn bị tụt hậu xa hơn nữa.

- Vậy có thể hiểu những bất cập này một mặt gây khó khăn cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực đầu tư xây dựng đồng thời cũng tạo ra lỗ hổng dẫn đến thất thoát lãng phí. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

Ông Nguyễn Quốc Hiệp: Thực ra, mục tiêu của đơn giá định mức là quản lý xây dựng cơ bản để tránh các thất thoát, tham nhũng. Nhưng quan điểm của Hiệp hội Nhà thầu là để quản lý chặt chẽ vấn đề này, Nhà nước cần tập trung vào 2 mức đơn giá cụ thể.

Thứ nhất, khi lập dự án, nhất là các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, dự án TPP thì cần phải khái toán suất đầu tư để có thể quản lý, làm rõ phần tỷ lệ vốn của Nhà nước và chủ đầu tư phải chuẩn bị là bao nhiêu tiền.

Cái thứ hai là quản lý đơn giá tổng hợp. Khi lập dự án sẽ có thiết kế đi kèm theo đơn giá tổng hợp. Từ đơn giá tổng hợp sẽ thể hiện được mức chi phí trần cho dự án là bao nhiêu tiền.

Đây chính là công cụ để Nhà nước quản lý tránh thất thoát, nhất là với các dự án TPP tức là công tư phối hợp. Nhưng nếu Nhà nước lại đi vào quản lý đơn giá chi tiết (thuộc bước thiết kế thi công) thì không hợp lý.

Quan điểm của Hiệp hội Nhà thầu thì Nhà nước phải quản lý vĩ mô, còn đơn giá chi tiết thì theo tôi để các nhà thầu tự vận hành, phải tự sáng tạo để xây dựng đơn giá chi tiết gắn thị trường và cạnh tranh.

Những công nghệ không cải tiến thì không thể nào hạ đơn giá xuống nên các nhà thầu phải tự thân vận động và phải tự phấn đấu để áp dụng công nghệ hiện đại hơn.

Tất nhiên, vấn đề này sẽ còn phải tranh luận. Về đơn giá định mức, Hiệp hội Nhà thầu muốn kiến nghị, cơ quan xây dựng đơn giá định mức và những cơ quan duyệt phải chú ý đến những khoản không nằm trong cái mà chúng ta tính đến.

Ví dụ, trong đơn giá Nhà nước đang đưa ra gồm có đơn giá vật liệu, đơn giá nhân công, đơn giá máy, phí quản lý…

Nhưng thực tế, trong chi phí quản lý có rất nhiều khoản vô hình mà chưa lường hết được nếu chỉ dừng lại ở góc nhìn của cơ quan quản lý.

Ví dụ, bây giờ tiến độ một công trình kéo dài thì tất cả những chi phí như nhà container làm nhà chỉ huy công trường, chi phí thu hồi nợ, chi phí lãi vay... cũng sẽ phát sinh theo.

Hiệp hội Nhà thầu kiến nghị rất nhiều lần là chủ đầu tư phải có bảo lãnh thanh toán cho nhà thầu cũng như bớt một số công đoạn không cần thiết để giảm bớt thời gian thanh toán.

Nhà thầu phải đi vay để có vốn triển khai, chi phí đi vay rất lớn, nhưng trong đơn giá định mức không ai tính đến.

- Để tránh tình trạng đội vốn ở các dự án đầu tư công, ở góc độ quản lý chi phí đầu tư, ông có thể đưa ra quan điểm gì về vấn đề này?

Ông Nguyễn Quốc Hiệp: Tôi cho rằng nguyên nhân đội vốn của các dự án là do mặt bằng chung của thị trường. Hệ thống đơn giá định mức không được cập nhật.

Một số công trình BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) hay PPP được xác định từ năm 2005 nhưng quyết toán phải đến năm 2015. Từ năm 2005 đến 2015 là khoảng thời gian 10 năm nên định mức đơn giá đã thay đổi rất nhiều.

Cùng đó, định mức thay đổi, nhưng không cập nhật kịp. Thế nên, vấn đề còn liên quan đến thời điểm quyết toán thì mới có thể xác định được số vốn tăng lên có thực sự là “đội vốn” hay không.

Nếu nguyên nhân “đội vốn” là do thay đổi thiết kế, thay đổi nội dung... thì đó là việc bình thường, nhưng cũng có những cái thay đổi là do đơn giá định mức.

Đơn giá định mức khi được ban hành sẽ thu hút sự quan tâm không chỉ của các nhà đầu tư, các nhà thầu mà còn của toàn xã hội.

Tôi cũng không dám khẳng định là hiện nay không có những “kẽ hở” mà các nhà đầu tư hay nhà thầu lợi dụng để đem lại lợi ích cho họ.

Chắc chắn là đâu đó vẫn có những chủ đầu tư, những nhà thầu nghiêm túc, nhưng do hoàn cảnh lại bị bắt buộc phải lợi dụng những “kẽ hở” đó.

Tuy nhiên, có những vấn đề phải nhìn nhận là do cách làm, do đơn giá định mức và có những người sẽ lợi dụng những sự chênh lệch đó để đưa vào quyền lợi riêng của mình. Điều này chắc chắn sẽ có.

Nhưng nếu chúng ta thay đổi hệ thống đơn giá, định mức theo sát với thị trường thì những kẽ hở sẽ bé lại. Không bao giờ có thể nói là tuyệt đối, nhưng chắc chắn sẽ hạn chế rất nhiều.

Hiện tại việc thanh quyết toán các dự án sử dụng vốn Nhà nước kéo dài từ 5-7 năm mới thanh toán được.

Còn làm với nước ngoài, đơn giá rất chặt chẽ nhưng khâu thanh toán ký xong đến đúng ngày, đúng tháng là nhận được tiền.

Vì vậy dù đơn giá rất chặt chẽ nhưng các doanh nghiệp vẫn muốn làm bởi kế hoạch tài chính rất chính xác, lường được những khó khăn sẽ xảy ra…

Khi thực hiện các dự án sử dụng nguồn vốn Nhà nước, Hiệp hội Nhà thầu cũng đã kiến nghị Nhà nước bảo lãnh thanh toán, kể cả vốn Nhà nước. Nếu không thu xếp được vốn thì không giao cho dự án đó triển khai.

Thực hiện được bảo lãnh thanh toán sẽ là một trong những khâu làm cho định mức đơn giá của các công trình sử dụng vốn Nhà nước khách quan và chính xác hơn.

- Trân trọng cảm ơn ông!

TTXVN

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/bat-dong-san/lap-lo-hong-trong-he-thong-dinh-muc-don-gia-xay-dung-61897.html