Lập lờ con chữ

Chủ nhật Phục sinh là một ngày tuyệt vời đối với những người theo Kitô giáo. Sân nhà thờ là hoa cỏ, trẻ em và người lớn đều đến đó để ăn mừng. Những đau khổ và tuyệt vọng của ngày thứ Sáu tuần Thánh đều bị đẩy lùi.

Ngay cả với những người không tin vào đạo Chúa, thì lễ Phục sinh vẫn là dịp để hân hoan, hòa theo niềm vui của người Thiên Chúa giáo.

Nhưng năm nay, lễ Phục sinh lại là nối tiếp những tin buồn. Một số người lau nước mắt khi họ hát. Tin tức đã được loan truyền. Ở Sri Lanka, địa ngục đã ập đến. Những kẻ khủng bố Hồi giáo, với những quả bom đeo trên lưng, đã đi vào nhà thờ vào ngày linh thiêng nhất trong lịch Kitô giáo với mục đích rõ ràng là giết càng nhiều người vô tội càng tốt. Ngoài ra, họ còn tàn sát tại các khách sạn phổ biến với khách du lịch phương Tây.

Các vụ đánh bom khủng bố liên hoàn nhắm vào các nhà thờ và khách sạn ở Sri Lanka ngay ngày Chủ nhật Phục sinh đã khiến hơn 300 người chết và hơn 500 người bị thương, trong đó nạn nhân chủ yếu là Kitô hữu (Christian). Tuy nhiên, điều kỳ lạ là các chính trị gia sừng sỏ như cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, cũng như Thủ tướng Anh Theresa May và các hãng truyền thông dòng chính như AP… đều tránh dùng từ Kitô hữu để chỉ các nạn nhân.

Thay vào đó, trong các bài đăng Twitter bày tỏ sự thương cảm, bà Clinton và ông Obama đã gọi một cách tránh né các nạn nhân là "những người thờ phượng Phục sinh" (Easter worshippers). Trong khi đó, bà May thì viết: "Những hành vi bạo lực đối với các nhà thờ và khách sạn ở Sri Lanka thực sự kinh khủng, và sự cảm thông của tôi dành cho tất cả những người bị ảnh hưởng tại thời điểm bi thảm này".

Ngay lập tức, "Easter workshippers" trở thành đề tài đàm tiếu xen lẫn phẫn nộ trên Twitter. Nhiều người cảm thấy kinh ngạc vì lần đầu tiên họ nghe nói đến cụm từ xa lạ đó. Jack Montgomery, bình luận gia chính trị nổi tiếng bày tỏ ngạc nhiên và tự hỏi "Tại sao bà Clinton và ông Obama dường như cảm thấy vô cùng khó khăn khi chỉ ra và nói rằng các nạn nhân là 'Kitô hữu'? Tại sao hai nhà chính trị nổi bật của đảng Dân chủ lại e ngại định danh các nạn nhân vụ khủng bố dã man này là người Kitô giáo"?

Trong khi đó, nhà báo Allison Pearson của tờ Guardian đặt câu hỏi với bà May: "Họ đâu phải có hành vi bạo lực đối với các tòa nhà, phải không, thưa Thủ tướng? Nếu họ kích nổ một quả bom bên trong một nhà thờ vào Chủ nhật Phục sinh, kết quả có xu hướng là họ giết rất nhiều tín đồ của Kitô giáo". Và ông nói thêm, "khi một cô con gái của mục sư lại quyết định rằng nó khôn ngoan hơn khi không đề cập đến từ Kitô, bà phải biết rằng nỗi sợ hãi đó sẽ lớn hơn đức tin".

Có phải họ sợ khơi gợi một vấn đề nhức nhối lâu nay là các Kitô hữu đã và đang là cộng đồng bị bách hại khốc liệt nhất trên thế giới, gây ra bởi các tín đồ Hồi giáo? Có phải vì họ biết các cuộc tấn công lần này, nhắm mục tiêu vào các khách sạn sang trọng và 3 nhà thờ ở quận Negombo, Batticaloa và Colombo Muff Kochchikade ngày Chủ nhật Phục sinh, có nhiều khả năng được thực hiện bởi một nhóm Hồi giáo địa phương với sự hỗ trợ của mạng lưới khủng bố Hồi giáo quốc tế, trong đó một tên đánh bom tự sát đã được xác định danh tính là Zahran Hashim, một giáo sĩ kiêm nhà truyền giáo Hồi giáo cực đoan từng nhiều lần kêu gọi thánh chiến trên mạng?

Điều này trái ngược hoàn toàn với phản ứng của chính ông Obama và bà Clinton đối với vụ tấn công nhà thờ Hồi giáo New Zealand vào tháng trước. Ông Barack Obama đã phản ứng với vụ khủng bố ở Sri Lanka bằng cách đăng Twitter: "Các cuộc tấn công vào khách du lịch và những người thờ phượng Phục sinh ở Sri Lanka là một cuộc tấn công vào nhân loại". Ở đây ông dùng từ "nhân loại", tức nói chung chung, khác hẳn với chính ông vào tháng 3, khi ông chỉ rõ "cộng đồng Hồi giáo" (Muslim community) là nạn nhân đáng thương của tên khủng bố ở New Zealand.

Bà Hillary Clinton cũng vậy, bà đã gọi đích danh "cộng đồng Hồi giáo toàn cầu" (global Muslim community) trong một trạng thái Twitter đăng sau vụ thảm sát nhà thờ Hồi giáo ở Chirstchurch: "Trái tim tôi tan vỡ vì New Zealand và cộng đồng Hồi giáo toàn cầu". Bà cũng cảnh báo sự sợ hãi và kỳ thị thái quá về Hồi giáo (islamophobia). Nhưng giờ đây, cũng như ông Obama, bà tránh né gọi đúng tên các nạn nhân khủng bố Sri Lanka là "Kitô hữu".

Xu hướng dùng từ kỳ lạ này, bằng một cách nào đó, cũng được sự hưởng ứng của truyền thông dòng chính. Hãng tin Associated Press (AP) cũng đã gọi các Kitô hữu là "Easter workshippers" trong bài tường thuật về nhà thờ Đức Bà Paris (Pháp).

Cho đến nay, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã lên tiếng nhận trách nhiệm về các vụ tấn công đẫm máu ở Sri Lanka. Sự tránh né của các chính trị gia như ông Obama, bà Clinton và bà May đối với việc gọi đích danh nạn nhân và kẻ thủ ác khiến người ta càng hoang mang hơn. Họ cảm thấy e ngại khi thừa nhận rằng phiến quân Hồi giáo đang có chiến tranh với Kitô giáo và văn minh phương Tây, rằng sự phá hoại của các nhà thờ đang lan tràn khắp châu Âu và theo báo cáo của Pew, Kitô giáo là tôn giáo bị đàn áp nhất thế giới.

Trong khi đó, không hoa mỹ sáo rỗng, không ngụy ngôn xảo ngữ, không vòng vo né tránh, không phải đạo chính trị, Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ đích danh hung thủ là "phiến quân Hồi giáo" (Islamic militant) và chỉ rõ nạn nhân là các "Kitô hữu" (Christians) và thường dân vô tội khác. Ông Trump viết: "Vụ tấn công ở Sri Lanka, thực hiện bởi một nhóm phiến quân Hồi giáo cực đoan, là khủng khiếp. Đó là một cuộc tấn công vào các Kitô hữu và những thường dân vô tội khác. Mọi người đều có quyền tự do tôn giáo!".

Cũng phải nói thêm về ẩn ý của ông Trump qua status này. Bằng cách nói thẳng không tránh né về hung thủ và nạn nhân, ông Trump cho thấy ông sẵn sàng đối đầu với thực tế. Việc chọn hình ảnh Phật giáo trong bài đăng Twitter cùng lời kết "mọi người đều có quyền tự do tôn giáo" là một thông điệp sâu sắc và mạnh mẽ: cộng đồng Kitô hữu nhỏ bé ở một quốc gia đa phần là Phật giáo như Sri Lanka có toàn quyền thực hành đức tin như mọi tín đồ của các tôn giáo khác, và phải được bảo vệ quyền hiển nhiên đó!

Vĩnh Đông

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/ho-so-interpol-cstc/lap-lo-con-chu-544379/