Lấp lánh miền cát trắng

6 đứa con lần lượt lên học cấp 3 trường tỉnh, trong đó có 3 đứa đậu trường chuyên, gia đình vợ chồng anh lợi-chị Nhớ trở thành tấm gương hiếu học, hiếu thảo nức tiếng vùng bãi ngang Gio Hải (H.Gio Linh, Quảng Trị).

6 đứa con lần lượt lên học cấp 3 trường tỉnh, trong đó có 3 đứa đậu trường chuyên, gia đình vợ chồng anh lợi-chị Nhớ trở thành tấm gương hiếu học, hiếu thảo nức tiếng vùng bãi ngang Gio Hải (H.Gio Linh, Quảng Trị).

Về miền cát trắng xã Gio Hải, nhắc đến chuyện hiếu học của bọn trẻ vùng bãi ngang nghèo, chúng tôi được bà con ngư dân cho địa chỉ gia đình anh Lợi ở thôn Hà Lợi Tây. Quả thực, khi chúng tôi gặp gỡ họ, càng hiểu sự trầm trồ và nể phục của mọi người dành tặng lâu nay. Tạm gác việc ở xưởng sản xuất nước mắm truyền thống của gia đình, vợ chồng anh vui vẻ chia sẻ về chuyện học của các con lẫn chính bản thân mình...

Năm 1973, sau khi Quảng Trị giải phóng, anh Phan Tấn Lợi mới bắt đầu vào học lớp 1. Lúc đó anh đã 15 tuổi. Ham học lại sáng dạ, anh bám trường bám lớp được đến lớp 9 rồi tiếp tục nghề biển, sức trẻ theo cánh sóng, mũi thuyền không nề hà gian nan. Còn chị Phạm Thị Nhớ cũng học đến lớp 9 rồi nghỉ do hoàn cảnh gia đình. Là người cùng xóm, hiểu hoàn cảnh và nghị lực của nhau, anh chị đã thương yêu chân thành và nên duyên chồng vợ. Đến năm 1985, vợ chồng anh chị có con trai đầu lòng, đặt tên là Phan Xuân Diệu. Chỉ trong vòng 10 năm, Diệu có thêm 5 đứa em. Đông con, cái đói, cái nghèo cứ thế quẩn quanh, bám riết gia đình. Ngày ngày, anh ra khơi, quăng quật trên biển, chị tần tảo trên bờ vẫn không đủ cái ăn cho cả nhà. Những tưởng khốn khó sẽ khiến việc học của các con đứt đoạn như nhiều gia đình khác, nhưng bằng tình thương yêu và nghị lực của bản thân làm gương cho các con, sống nề nếp, vợ chồng anh chị đã giáo dục các con sống biết yêu thương, sẻ chia và phấn đấu. Chính vì thế, không để cha mẹ lo lắng, anh em Diệu cứ đứa trước noi gương, dạy bảo đứa sau, nhất là chuyện học, khiến ai cũng thán phục. Cả 6 đứa con của anh chị đều quyết tâm lên TP Đông Hà thi vào trường tỉnh khi bước vào cấp 3 dù biết xa nhà, vất vả bội phần. Diệu sau khi học trường cấp 3 Lê Lợi (tại TP Đông Hà) đã đỗ ngành Kiến trúc, hiện đang làm việc tại TP Huế.

Em gái Hà Sương (1987) là cựu học sinh chuyên Hóa Trường chuyên Lê Quý Đôn. Sương sau đó đỗ Học viện Tài chính tại Hà Nội và hiện là giảng viên Trường Trung cấp Nông nghiệp tỉnh Quảng Trị. Đứa con trai thứ 3 là Phan Văn Ân (1989) cũng nối gót anh trai thi vào trường THPT Lê Lợi và tiếp tục trở thành sinh viên trường CĐ Kinh tế Đà Nẵng. Em trai của Ân là Phan Cao Bằng (1991), cựu học sinh chuyên Toán Trường chuyên Lê Quý Đôn, cựu sinh viên ĐH Xây dựng Hà Nội, hiện Bằng đang làm việc tại TPHCM. Em Phan Văn Tuấn (1993) đỗ vào trường THPT Đông Hà, thuộc lớp A1, sau đó đỗ Đại học ngành Xây dựng tại Đà Nẵng. Không thua kém các anh chị, em út Phan Đức Luyện (1995), cựu học sinh chuyên Toán trường Chuyên Lê Quý Đôn hiện đang là sinh viên năm cuối Học viện Quân y.

Chị Nhớ cho biết, riêng Ân tốt nghiệp Cao đẳng đã đăng ký đi nghĩa vụ quân sự, khi xuất ngũ quyết định về làng cùng cha mẹ ổn định cơ sở chế biến nước mắm truyền thống với thương hiệu Lợi Nhớ. Sau hơn 10 năm xây dựng, đăng ký nhãn hiệu, nước mắm Lợi Nhớ đến nay đã có chỗ đứng vững vàng trong thị trường và người tiêu dùng. Chia sẻ về bước ngoặt chuyển nghề, anh Lợi cho biết sau khi sức khỏe không còn đảm bảo để ra khơi, vốn liếng đầu tư tàu lớn không đủ, trong khi con lại học hành một lúc 6 đứa nên vợ chồng chuyển sang buôn bán tạp hóa cũng như bàn tính chế biến nước mắm truyền thống.

"Gọi "lên bờ" cho hay nhưng vẫn bám biển, không thể xa biển được", anh Lợi hướng đôi mắt đong đầy ân tình ra phía biển. Để ra những giọt nước mắm sóng sánh được anh chị ví như giọt ngọc biển khơi, họ phải cần mẫn "chăm bẵm" 8 tháng ủ mắm đối với cá cơm và 1 năm đối với cá nục. Không ngừng học hỏi, bổ sung kinh nghiệm cùng với niềm đam mê lớn lên từng ngày, vợ chồng anh chị đã cho sản phẩm nước mắm đặc biệt thơm ngon và duy trì hoạt động ổn định. Hiện mỗi ngày cơ sở cho ra khoảng 150 lít nước mắm, quy mô xưởng cũng có thể chứa lên đến 200 tấn mắm, tạo việc làm thường xuyên cho 5 người-10 người, so với nhiều cơ sở khác chưa lớn nhưng đã góp phần quan trọng để anh chị nuôi các con học hành, vươn đến những chân trời tri thức mới. Và trên hết, anh chị đã truyền cảm hứng cho nhiều gia đình khác về nghị lực vượt khó, dẫu giản dị bình thường mà lấp lánh trên miền cát trắng Gio Hải hôm nay.

Bảo Hà

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_204992_lap-lanh-mien-cat-trang.aspx