Lập lại trật tự cho vùng nuôi trồng thủy sản

Với lợi thế có diện tích khá lớn vùng mặt nước biển kín gió, phù hợp cho nghề nuôi trồng thủy sản (NTTS), những năm qua, nhiều ngư dân xã An Hòa, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên đã tích cực đầu tư tiền bạc, công sức nuôi tôm hùm, đem lại nguồn thu đáng kể, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình. Tuy nhiên, vấn đề quản lý an ninh trật tự trên biển cũng như đảm bảo an toàn môi trường vùng NTTS là những thách thức không nhỏ, đòi hỏi chính quyền địa phương, ngành chức năng và BĐBP phải nỗ lực tìm những giải pháp phù hợp và hữu hiệu.

Đồn Biên phòng An Hải cùng chính quyền xã An Hòa họp với người dân nuôi trồng thủy sản để cùng bàn giải pháp lập lại an ninh trật tự cho vùng nuôi tôm địa phương. Ảnh: Hồng Chiên

Trước cơn bão số 12, gia đình chị Trần Thị Kim Phấn, thôn Nhơn Hội, xã An Hòa thả xuống đầm 20 lồng ươm tôm hùm giống, trị giá hơn 30 triệu đồng. Chị Phấn dự tính, với số tôm này, cuối năm bán ra sẽ thanh toán xong món nợ ngân hàng, phần còn dư đầu tư tiếp, bắt đầu tự chủ nguồn vốn không phải vay mượn. Tuy nhiên, sau cơn bão số 12, chị đã mất tất cả. Đồng cảnh với chị, hơn 30 hộ nuôi tôm hùm trong thôn với hàng trăm lồng ươm tôm giống, trị giá hàng trăm triệu đồng cũng đã tan theo bọt nước biển.

Điều đáng nói, bên cạnh những lồng bè bị sóng gió đập rách lưới làm tôm thoát ra ngoài, một số hộ phát hiện dấu hiệu lồng nuôi của mình bị rạch lưới. Đặc biệt, nhiều vật dụng ở bè như mỏ neo, dây neo, thùng phuy gắn với bè cũng có dấu bị ai đó cắt, lấy trộm mất. "Nghe đài báo tâm bão vào mạn trong, nghĩ ngoài này yên ổn, tụi tui lo chạy vào Đầm Môn trông coi mấy bè tôm nuôi thương phẩm. Bão dập tơi tả khiến lồng bè trong đó tan tành, mất hết, nhưng nghĩ còn tôm ươm ngoài này, quay về tiếp tục đầu tư để gỡ bớt nợ nần, nào ngờ ở đây cũng chẳng còn”.

Song, điều khiến chị Phấn bức xúc là những vật dụng trên bè của mình cũng bị biến mất. Mặt khác, trong khi gia đình đang tập trung khắc phục, tìm cách trục vớt các vật dụng để phục hồi lại lồng bè nuôi thì một số người đưa bè ra trước giành lấy vị trí mặt nước đắc địa, nơi mà chị đã từng đặt bè hàng chục năm. “Tui mong chính quyền can thiệp và sắp xếp lại cho bà con nuôi trồng để có tiền trả nợ cho Nhà nước. Cứ để tình trạng tranh giành lộn xộn như thế, không thể yên tâm làm ăn” - Chị Phấn nói.

Phó Chủ tịch UBND xã An Hòa Trần Chí Hoàng cho biết, theo diện tích quy hoạch tạm thời đã được UBND huyện phê duyệt giai đoạn 2004-2015, xã An Hòa có khoảng 16ha diện tích mặt nước NTTS, đến năm 2020, có thể mở rộng lên đến 75ha, tập trung tại thôn Nhơn Hội. Song, nghề NTTS của An Hòa phát triển chậm so với nhiều địa phương khác nên diện tích mặt nước nuôi trồng còn khá lớn, hiện tại mới chỉ sử dụng khoảng 32ha, tiềm năng còn rất lớn. Tuy nhiên, xu hướng chung là bà con vẫn muốn tìm kiếm cho mình vùng NTTS gần để thuận lợi trong việc ra vào bè và dễ quản lý.

Về những bất cập trong nghề, ông Phạm Ngọc Năm, ngư dân thôn Nhơn Hội bộc bạch: “Bao lâu nay, ai muốn nuôi thì cứ đưa lồng bè ra biển thả xuống mà nuôi. Mỗi hộ có bao nhiêu ô, bao nhiều bè lồng thì chỉ mỗi gia đình mình mới biết. Nhìn thấy bè trên biển là vậy, nhưng bao nhiêu lồng chìm bên dưới, trong mỗi lồng có bao nhiêu con tôm thì không thể biết hết. Những ngày trời động, mưa bão, một số người lo sợ nguy hiểm, rời bè vào bờ tránh gió luôn phập phồng sợ tôm thất thoát”.

Cũng theo ông Năm, cùng với mối lo về mất an toàn, an ninh tại vùng nuôi, tình trạng nuôi tôm tự phát lan tràn khiến cho môi trường biển bị ô nhiễm nặng, dịch bệnh bùng phát cũng là nguy cơ thường trực.

Để lập lại trật tự vùng NTTS, giúp người dân an tâm làm ăn trên biển, Đồn Biên phòng An Hải, BĐBP Phú Yên đã tham mưu cho UBND xã An Hòa tổ chức gặp gỡ, trao đổi tình hình với bà con nuôi tôm hùm tại địa phương.

Tại cuộc họp mới đây, sau khi nắm bắt tình hình, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của ngư dân, cán bộ địa phương và chỉ huy Đồn Biên phòng An Hải đã chỉ ra hệ lụy của tình trạng mạnh ai nấy làm, tâm lý hơn thua khi làm ăn trên biển. “Nhà này cố nới rộng bè, thả thêm nhiều tôm, nhà khác thì chen chúc tìm chỗ nuôi gần cho thuận lợi. Khi môi trường ô nhiễm, dịch bệnh lan tràn không kiểm soát được thì cũng bằng con số không” - Đại úy Trần Đặng Quốc Cường, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng An Hải phân tích.

Cùng với việc kêu gọi, vận động ngư dân nâng cao tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau khi làm ăn và tôn trọng pháp luật, công tác phân chia lại mặt nước vùng nuôi cho ngư dân là công việc được chính quyền xã An Hòa và Đồn Biên phòng An Hải đặt ra với nhiều quyết tâm. “Những ngày tới, xã sẽ triển khai đặt phao bù làm mốc, phân chia mặt nước giao cho các hộ dân quản lý, sử dụng để giúp bà con sớm ổn định làm ăn” - Ông Trần Chí Hoàng nói.

Theo Đại úy Trần Đặng Quốc Cường, đã đến lúc cần phải phát huy vai trò của Tổ nuôi trồng thủy sản an toàn trên biển khi mà chính quyền và BĐBP không phải lúc nào cũng có mặt ngay tại vùng nuôi để phân giải chuyện làm ăn. Mặt khác, hơn ai hết, chính những ngư dân là thành viên trong tổ NTTS là người thấu hiểu rất rõ chuyện làm ăn nên sẽ tổ chức giám sát, phân công trông giữ và hỗ trợ nhau tốt nhất. “Khi kết nối nhau trong một tổ, trên cơ sở những quy định, cam kết đặt ra, bà con sẽ hỗ trợ, chia sẻ, giúp nhau kinh nghiệm làm ăn, tránh được tâm lý hơn thua. Mặt khác, mọi người sẽ nhắc nhở nhau chung tay gìn giữ môi trường nuôi an toàn” - Đại úy Trần Đặng Quốc Cường khẳng định.

Bày tỏ niềm phấn khởi với những giải pháp của chính quyền và BĐBP, ông Phạm Ngọc Năm thổ lộ: “Bà con chúng tôi rất hoan nghênh việc phân chia mặt nước theo vùng quy hoạch và ban hành quy chế hoạt động của Tổ NTTS. Tôi hy vọng qua đây giúp cho việc nuôi trồng của ngư dân được ổn thỏa, không còn tình trạng chen lấn, phiền hà”.

Ông Trần Chí Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã An Hòa, huyện Tuy Hòa cho biết, để duy trì hoạt động của Tổ NTTS một cách hiệu quả, Đồn Biên phòng An Hải đã tham mưu cho UBND xã An Hòa ban hành bản Quy chế hoạt động của tổ này. Trong quy chế quy định rõ các hoạt động được phép và không được phép trong vùng NTTS và bến bãi neo đậu của tàu thuyền địa phương; quyền lợi và nghĩa vụ của các thành viên trong việc tham gia phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm, qua đó giúp cho ngư dân làm ăn theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời tham gia đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật.

Hồng Chiên - Phương Oanh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/lap-lai-trat-tu-cho-vung-nuoi-trong-thuy-san/