Lập khu nhà dã chiến, di dời 115 người dân Kho Vàng xuống nơi an toàn
Lực lượng chức năng của tỉnh Lào Cai đã lập khu nhà dã chiến, dự kiến đưa 115 người dân thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu xuống núi để tái ổn định cuộc sống.
Trưa 15/9, trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Văn Tuấn – Chủ tịch UBND xã Cốc Lầu (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) cho biết, trong ngày 14/9, Công an tỉnh Lào Cai phối hợp với UBND huyện Bắc Hà, UBND xã Cốc Lầu trực tiếp tới khảo sát địa hình một số khu vực trên địa bàn thôn Kho Vàng.
Các đơn vị chức năng đang phối hợp tổ chức dựng nhà bạt tạm thời, hỗ trợ đưa người dân xuống núi an toàn.
"Khu nhà dã chiến này sẽ để cho người dân ở tạm thời để tránh sạt lở", ông Tuấn nói. Đồng thời, Chủ tịch xã Cốc Lầu thông tin không cho người dân thôn Kho Vàng quay lại nơi ở cũ để ở.
Theo đó, người dân sẽ ở khu nhà dã chiến này đến khi đầu tư, xây dựng được khu tái định cư mới thì sẽ về khu tái định cư.
"Nơi ở cũ không ở được nữa vì nguy cơ sạt lở rất cao", ông Tuấn nói và cho biết "khu tái định cư" theo kế hoạch của các cơ quan chuyên môn là xong trước Tết âm lịch 2024.
"Khu tái định cư sẽ có 42 hộ trong đó có 17 hộ đang tạm thời lánh nạn trên đồi", ông Tuấn thông tin.
Theo Chủ tịch UBND xã Cốc Lầu, với khu nhà ở dã chiến này thì khoảng 3 ngày tới 115 nhân khẩu thôn Kho Vàng đang dựng lều trú trên đồi sẽ được chuyển xuống.
"Hôm nay, chúng tôi mời trưởng thôn Kho Vàng xuống để xem khu nhà dã chiến có còn thiếu gì không để tiếp tục đầu tư, tái thiết. Khi đảm bảo được nhu cầu thiết yếu thì mới chuyển cả hộ gia đình xuống. Vì ở lâu dài nên không thể tạm bợ được", ông Tuấn cho hay.
Trước đó, ngày 12/9, thông tin với Người Đưa Tin Chủ tịch UBND xã Cốc Lầu cho biết, chính quyền địa phương đã tiếp cận được 17 hộ dân thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu gồm 115 nhân khẩu dựng lán trại tránh lũ và sạt lở đất.
Lãnh đạo xã Cốc Lầu cho hay, thôn Kho Vàng là thôn rất xa trung tâm, có 17 hộ. Khi biết nguy cơ ảnh hưởng của cơn bão số 3 có thể gây nguy hiểm và sạt lở, đã vận động người dân chủ động tránh nạn.
Khi thấy trời mưa nhiều, nguy hiểm nên đã vận động 17 hộ dân di chuyển lên trên chỗ an toàn cách nhà khoảng 1km tìm chỗ an toàn, dựng bạt để ở tạm.
Đêm 10/9 mưa to thì trước đó ngày 9/9 người dân trong thôn đã chủ động lánh nạn trên đồi. Do thông tin mất liên lạc, đường đi vào khó khăn. Đến sáng 11/9, cán bộ công an xã, dân quân phải đi bộ mới tiếp cận được nơi người dân lánh nạn, mang thức ăn, nước uống lên.
Chỉ sau 1 ngày chính quyền địa phương đã tìm cách liên lạc, vì giao thông bê tông bị gãy, đi lại khó khăn từ xã đến nơi các hộ dân tránh lũ và sạt lở khoảng 15km và phải đi bộ đường rừng mất 2-3 giờ đồng hồ.
Khi đến nơi, lực lượng chức năng thấy người dân chủ động cắm bạt để ở cho an toàn và thấy bà con tâm lý rất ổn định, trong 17 hộ có trưởng thôn cùng ở, các cháu nhỏ cũng tâm lý ổn định, vui vẻ.