Lập hồ sơ khống để thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế

Một số cơ sở khám chữa bệnh lập hồ sơ khống để thanh toán chi phí KCB với cơ quan BHXH như Bệnh viện ACA (Thanh Hóa), Bệnh viện YHCT và Bệnh viện PHCN (Sơn La), Bệnh viện Tâm Trí (Thành phố Hồ Chí Minh).

Đó là thông tin vừa được Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết về bất cập trong thực hiện chính sách BHYT 8 tháng đầu năm.

Qua phân tích dữ liệu khám chữa bệnh (KCB) BHYT trên Hệ thống thông tin giám định BHYT (tính đến hết tháng 7-2019) và báo cáo của BHXH một số tỉnh, thành cho thấy, nhiều tỉnh có số chi KCB BHYT tăng cao so với dự toán được giao.

Trong đó, một số nhóm chi phí KCB bình quân/1 lượt KCB tăng mạnh so với năm 2018 như xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, tiền ngày giường… Cụ thể là tình trạng thanh toán trùng giữa hai cơ sở KCB: giờ khám bệnh tại cơ sở KCB sau chỉ sau giờ kết thúc đợt KCB tại cở KCB trước ít phút.

Thậm chí giờ khám bệnh tại cơ sở KCB sau xảy ra trước giờ kết thúc đợt KCB tại cơ sở KCB trước (TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Đồng Tháp, Kiên Giang, Vĩnh Long…).

Người dân làm thủ tục khám chữa bệnh

Người dân làm thủ tục khám chữa bệnh

Đó còn là tình trạng thống kê đề nghị thanh toán tiền Hội chẩn đối với trường hợp người bệnh được giới thiệu chuyển tuyến nhưng không thực hiện Hội chẩn theo quy định hoặc một bác sĩ chủ trì hội chẩn/1 ngày đối với quá nhiều người bệnh. Tại Đồng Tháp, một ngày một bác sĩ chủ trì hội chẩn trên 365 lượt người bệnh!

Bên cạnh đó là tình trạng gia tăng chi phí KCB BHYT bình quân/1 lượt KCB tăng cao so với cùng kỳ năm 2018; tỷ lệ người bệnh vào điều trị nội trú tăng cao hơn so với cùng kỳ. Đặc biệt tại một số tỉnh phía Bắc trong 7 tháng đầu năm 2019 có tỷ lệ người bệnh vào điều trị nội trú rất cao như: Phú Thọ 17,70%, Sơn La 17,61%; Vĩnh Phúc 15,95%...

Việc quản lý và thanh toán đối với các bệnh mãn tính không đúng quy định như tách đợt KCB hàng tháng từ 30 ngày thành 3-4 đợt (chỉ cấp thuốc từ 7-10 ngày/1 đợt); người bệnh phải quản lý từ 2 bệnh mạn tính trở lên tại cơ sở KCB nhưng phải đi khám nhiều lần các ngày khác nhau tại các chuyên khoa khác nhau để được cấp thuốc cho từng bệnh, gây phiền hà cho người bệnh và gia tăng chi phí KCB BHYT không cần thiết.

Đáng nói, một số cơ sở còn lập hồ sơ khống để thanh toán chi phí KCB với cơ quan BHXH như Bệnh viện ACA (Thanh Hóa), Bệnh viện YHCT và Bệnh viện PHCN (Sơn La), Bệnh viện Tâm Trí (Thành phố Hồ Chí Minh).

Đồng thời, một số cơ sở lợi dụng chính sách thông tuyến khám chữa bệnh BHYT để thu gom người bệnh dưới danh nghĩa khám chữa bệnh từ thiện, nhân đạo (Bắc Giang, Gia Lai, Đắc Lắc, Thành phố Hồ Chí Minh…).

Một số cơ sở khám chữa bệnh tại các địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Bắc Giang, Hưng Yên, Lai Châu, Nghệ An... còn đấu thầu, mua sắm, lựa chọn sử dụng thuốc, vật tư y tế giá cao so với giá bình quân của các tỉnh lân cận dẫn đến sự gia tăng chi phí khám chữa bệnh BHYT bất hợp lý, đây chính là một trong những nguyên nhân gây vượt nguồn dự toán của Chính phủ giao.

H.L

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/lap-ho-so-khong-de-thanh-toan-chi-phi-kham-chua-benh-bao-hiem-y-te-160906.html