Lập hồ sơ công nhận lễ hội Nguyễn Trung Trực là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Tỉnh Kiên Giang vừa ban hành kế hoạch về việc lập hồ sơ khoa học đề nghị công nhận Lễ hội truyền thống kỷ niệm ngày hy sinh Anh hùng dân tộc (AHDT) Nguyễn Trung Trực là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Lễ dâng hương tại tượng đài Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Ảnh: Báo Văn Hóa.

Lễ dâng hương tại tượng đài Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Ảnh: Báo Văn Hóa.

Ngày 28/7, tại Sở Văn hóa và Thể thao Kiên Giang diễn ra cuộc họp thông qua dự thảo kế hoạch tổ chức lễ hội truyền thống kỷ niệm 152 năm ngày Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh.

Thông tin tại cuộc họp cho biết, ngày 24/7/2020, UBND tỉnh Kiên Giang ban hành kế hoạch số 107/KH-UBND về việc lập hồ sơ khoa học đề nghị công nhận Lễ hội truyền thống kỷ niệm ngày hy sinh AHDT Nguyễn Trung Trực là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Nhằm nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư trong việc quản lý và tổ chức lễ hội; đáp ứng nhu cầu ngày càng mở rộng và nâng cấp lễ hội truyền thống AHDT Nguyễn Trung Trực trở thành lễ hội quốc gia. Từ đó, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị và quảng bá du lịch thông qua lễ hội lớn nhất của tỉnh Kiên Giang. Thời gian thực hiện từ tháng 8/2020 đến tháng 4/2021.

Di tích lịch sử văn hóa quốc gia mộ và đình Nguyễn Trung Trực, thành phố Rạch Giá tỉnh Kiên Giang và lễ hội truyền thống kỷ niệm ngày hy sinh của AHDT Nguyễn Trung Trực đã có lịch sử hình thành hơn 100 năm, trở thành di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, có sức ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của người dân Kiên Giang, đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung, được các thế hệ nhân dân Kiên Giang gìn giữ, lưu truyền và cho đến ngày nay.

Năm 1988, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp bằng công nhận là di tích lịch sử văn hóa mộ và đình Nguyễn Trung Trực cấp quốc gia.

Hàng năm, di tích đón có từ 2 -3 triệu lượt khách đến viếng, là một điểm du lịch văn hóa tâm linh đặc biệt của tỉnh; riêng lễ hội thu hút gần hai triệu lượt khách đến tham quan, bày tỏ lòng tri ân, ngưỡng mộ vị Anh hùng của dân tộc. Nét văn hóa độc đáo của lễ hội, những ngày trước khi diễn ra lễ hội, người dân khắp nơi về đây để làm công quả, chung tay sửa sang đình thờ, dựng trại, nấu nước, nấu cơm, gói bánh, làm đậu hủ, làm tương...

Kiên Giang cũng đang triển khai lập hồ sơ khoa học đề nghị công nhận Nghề truyền thống chế biến nước mắm Phú Quốc là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Đề nghị công nhận Nghề truyền thống chế biến nước mắm Phú Quốc là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia

Trước đó ngày 23/7, UBND tỉnh Kiên Giang cũng ban hành Kế hoạch số 106/KH-UBND về việc lập hồ sơ khoa học đề nghị công nhận Nghề truyền thống chế biến nước mắm Phú Quốc là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Nhằm nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghề truyền thống chế biến nước mắm Phú Quốc; động viên tinh thần và tạo điều kiện thuận lợi để người dân trên đảo Phú Quốc phát triển nghề truyền thống, thúc đẩy xuất khẩu nước mắm để gia tăng hiệu quả kinh tế.

Đã từ lâu, Nghề chế biến nước mắm cá cơm Phú Quốc đã cung cấp một loại thực phẩm thiết yếu trong bữa ăn hàng ngày của người dân địa phương, nó gắn liền với lịch sử phát triển văn hóa - xã hội của huyện đảo.

Khách di lịch tham quan nhà thùng nước mắm ở huyện đảo Phú Quốc.

Nước mắm Phú Quốc được chế biến từ nguyên liệu cá cơm, khai thác từ vùng biển Kiên Giang và Cà Mau. Cá cơm sau khi khai thác được muối ngay trên biển, nên cá đảm bảo tươi, độ đạm cao. Với quy trình kỹ thuật truyền thống của địa phương cộng với bí quyết gia truyền của các cơ sở sản xuất tạo nên màu sắc, hương vị độc đáo riêng biệt được người tiêu dùng trong nước và thế giới ưa chuộng.

Năm 2008, tỉnh Kiên Giang đã có quyết định về ban hành quy định về quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý Phú Quốc cho sản phẩm nước mắm, trong quyết định này UBND tỉnh đã quy định rõ đối với sản phẩm nước mắm được ghi chỉ dẫn địa lý Phú Quốc phải đảm bảo điều kiện về: Vùng sản xuất, nguyên liệu, dụng cụ chế biến, vật liệu chế biến, phương pháp chế biến, yêu cầu chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường, ghi nhãn, bảo quản.

Nước mắm Phú Quốc có trên 200 năm hình thành và phát triển. Nước mắm Phú Quốc không những có giá trị về văn hóa, mà còn là sản phẩm du lịch của biển đảo quê hương. Việc công nhận làng nghề truyền thống nước mắm Phú Quốc có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của người Việt Nam.

Cơ sở trưng bày sản phấm nước mắm Phú Quốc.

Tháng 8/2017, nước mắm Phú Quốc được công nhận nghề truyền thống và làng nghề truyền thống chế biến nước mắm Phú Quốc. Được biết, nước mắm Phú Quốc có hơn 200 năm hình thành và phát triển. Hiện tại trên đảo Phú Quốc có hơn 50 doanh nghiệp sản xuất nước mắm, hàng năm cung cấp ra thị trường 30 triệu lít nước nắm từ 20 đến 43 độ đạm, mang lại doanh thu hơn 600 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương./.

Thế Thanh – Minh Anh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tin-tuc-tinh-thanh/lap-ho-so-cong-nhan-le-hoi-nguyen-trung-truc-la-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-532328.html