Lắp điện mặt trời trên mái nhà được hỗ trợ đến 9 triệu đồng

Sáng 25/7, Bộ Công thương vừa chính thức khởi động 'Chương trình thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam'.

Sáng nay ngày 25/7, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo phối hợp với các nhà tài trợ tổ chức Hội thảo khởi động “Chương trình thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam”.

Bộ Công Thương khởi động chương trình điện áp mái với hi vọng có thêm 100.000 hộ gia đình. (Ảnh: Tư Giang/Vietnamnet)

Bộ Công Thương khởi động chương trình điện áp mái với hi vọng có thêm 100.000 hộ gia đình. (Ảnh: Tư Giang/Vietnamnet)

Tại hội thảo khởi động “Chương trình thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam”ngày 25/7, ông Phương Hoàng Kim, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương nói: “Chúng tôi hi vọng sẽ có 100 nghìn hệ thống điện mặt trời sẽ được lắp đặt và vận hành vào cuối năm 2025”.

Theo ông Kim, tiềm năng điện mặt trời của Việt Nam còn rất lớn, khoảng 13.300 MW một năm, trong đó riêng TP.HCM có công suất ước tính khoảng 6.000 MW.

Ông cho biết, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 2023/QĐ-BCT ngày 5/7/2019 về Chương trình thúc đẩy phát triển điện mặt trời áp mái tại Việt Nam nhằm khuyến khích các tổ chức cá nhân đầu tư vào lĩnh vực này.

“Thời gian qua đã có sự bùng nổ về số lượng các dự án điện mặt trời quy mô lớn, tuy nhiên số lượng các dự án điện mặt trời áp mái còn khá hạn chế, chưa phản ánh được tiềm năng của loại hình điện sạch này”, ông nói.

Lắp các tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà.

Bà Phạm Thùy Dung, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết : Mục tiêu là đến cuối năm 2025 có 100.000 hệ thống điện mặt trời mái nhà, tương đương 1.000 MWp sẽ được lắp đặt và vận hành trên toàn quốc.

Theo ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban kinh doanh (Tập đoàn Điện lực Việt Nam): Việt Nam nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ các nhà tài trợ quốc tế, trong đó đặc biệt có dự án GET-FIT - "Chương trình phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam: Hỗ trợ phát triển điện mặt trời mái nhà" do Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) tài trợ với tổng mức nguồn vốn viện trợ không hoàn lại là 14,5 triệu euro. Đối tượng được tài trợ là các hộ gia đình có đủ điều kiện lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái.

Cụ thể, các hộ gia đình lắp điện mặt trời áp mái sẽ được hỗ trợ khoảng 3 triệu đồng/1 kWp. Theo khảo sát, trung bình mỗi hộ có đủ điều kiện lắp đặt khoảng 2 - tối đa 3 kWp, do đó mức hỗ trợ dự kiến cho mỗi hộ khoảng từ 6 - 9 triệu đồng, tương ứng khoảng khoảng 15% chi phí lắp đặt. Chương trình kéo dài từ 2019 - 2021.

Về cách thức hỗ trợ, Bộ Công thương sẽ triển khai tương tự chương trình hỗ trợcác hộ lắp đặt bình nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời đã triển khai trước đây. Theo đó, các đơn vị điện lực sẽ giám sát cụ thể. EVN sẽ thiết lập một hệ thống phần mềm, đảm bảo tất cả người dân, khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời, ký kết xong hợp đồng mua bán điện sẽ được xuất hóa đơn, thông qua đó nhận tiền hỗ trợ. Tất cả sẽ được công khai, minh bạch và áp dụng đối với tất cả các hộ dân, hộ gia đình lắp đặt điện mặt trời áp mái" - ông Dũng thông tin.

Ngoài ra, các tổ chức, nhà tài trợ như Ngân hàng Thế giới, USAID, Liên minh châu Âu cũng sẽ hỗ trợ Việt Nam về các hoạt động kỹ thuật, nghiên cứu xây dựng chính sách và tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn tài trợ... để khuyến khích phát triển năng lượng sạch hiệu quả.

(Nguồn tổng hợp: Thanh niên, vietnamnet)

(Nguồn tổng hợp: Thanh niên, vietnamnet)

Hà Vy (tổng hợp)

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/kinh-te-cong-nghe/lap-dien-mat-troi-tren-mai-nha-duoc-ho-tro-den-9-trieu-dong-d102989.html