Lắp đèn chiếu sáng tự chế dễ gây tai nạn thảm khốc, bị phạt nặng

Nhiều người sử dụng đèn chiếu sáng tự chế cho xe máy, ô tô để hy vọng sẽ sáng hơn nhưng việc làm này lại tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn đáng tiếc.

Đèn chiếu sáng trên ô tô là một phần cực kỳ quan trọng, vừa đảm bảo di chuyển an toàn, vừa tránh cho bản thân không bị vi phạm luật giao thông. Thông thường trên mỗi loại xe đều được trang bị ba loại đèn cơ bản, gồm: đèn pha (còn gọi đèn chiếu xa), đèn cốt (đèn chiếu gần) và đèn sương mù. Mỗi loại đều có những tính năng hỗ trợ khác nhau.

Trong đó, đèn pha ô tô là loại được đặt trên đầu xe, giúp chiếu sáng với cường độ ánh sáng lớn, nhằm mục đích giúp người lái bao quát những chướng ngại vật từ xa, ngay cả khi di chuyển với tốc độ cao, đặc biệt để nhìn thấy các biển báo giao thông điều chỉnh tốc độ và cách đi. Tuy nhiên, một hình ảnh khá quen thuộc là nhiều phương tiện, nhất là ô tô bật đèn pha không đúng quy định. Trong đó, một số xe còn “độ” cả đèn led, đèn xenon với ánh sáng gấp nhiều lần so với đèn xe nguyên bản thiết kế nên các xe chạy ngược chiều rất khó chịu vì bị lóa mắt, rất khó quan sát, mất phương hướng, dẫn đến nguy cơ tai nạn giao thông.

 Tự ý lắp đèn chiếu sáng tự chế cho ô tô, xe máy rất dễ gây tai nạn.

Tự ý lắp đèn chiếu sáng tự chế cho ô tô, xe máy rất dễ gây tai nạn.

Để sở hữu các loại đèn này chủ phương tiện có thể mua rất dễ dàng. Dạo qua khu vực phố Huế (Hà Nội), có thể thấy rất nhiều loại đèn led, đèn pha gắn thêm vào ô tô, xe máy.

Theo khảo sát, chủng loại đèn này rất phong phú, đa dạng; giá cả tùy vào chất lượng, độ sáng của sản phẩm. Đèn ôtô có kiểu độ hình vuông, hình tròn, dài, ngắn, có thể chiếu gần, chiếu xa, cho tia sáng trắng, ánh sáng xanh, tia sáng hội tụ… Giá cả các loại đèn cũng khá đa dạng, dao động từ 200.000 - 300.000 đồng/chiếc; với một số loại đèn chuyên dụng, chất lượng cao giá có thể lên tới 3 – 4 triệu đồng/chiếc.

Chia sẻ về vấn đề sử dụng đèn tự chế trên các phương tiện giao thông, anh Hoàng Văn Phong, chủ một garage chuyên về bảo dưỡng ô tô ở quận Hà Đông (Hà Nội) nhìn nhận: Mỗi chiếc ô tô, xe máy được nhà sản xuất tính toán kỹ thuật an toàn về vận hành hệ thống điện. Nếu muốn “độ” đèn buộc phải thay đổi một vài bộ phận, kết cấu bên trong xe, đấu nối thêm đường điện... Khi tự ý thay đổi, nguồn điện trong xe không tương thích rất dễ dẫn đến chạm, chập gây cháy. Khi đó, chính chủ nhân chiếc xe cũng có thể bị nguy hiểm do việc "độ" đèn, sử dụng đèn tự chế.

Tình trạng chủ phương tiện sử dụng các loại đèn tự chế, “độ” đèn luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi tham gia giao thông. Hành vi này xảy ra khá phổ biến từ xe con tới xe khách, xe tải… Nhiều lái xe “né luật” bằng cách trước khi đi đăng kiểm tháo đèn “độ” ra, chỉ để lại đèn nguyên bản nhằm “qua mặt” cơ quan đăng kiểm vì khi đó xe không có thay đổi so với thiết kế nguyên bản. Sau khi kiểm định, chủ xe lại lắp các loại đèn tự chế và lưu thông bình thường.

Liên quan tới vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho hay, thời gian qua, tình trạng phương tiện giao thông đường bộ, đặc biệt là xe tải, xe khách, xe container tự ý gắn thêm đèn chiếu sáng phía trước có cường độ lớn không đúng quy định đã uy hiếp nghiêm trọng an toàn giao thông của người và phương tiện lưu thông theo chiều ngược lại. Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã đề nghị Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) yêu cầu lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc thực hiện nghiêm, tập trung xử lý các vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông, vi phạm điều kiện an toàn kỹ thuật phương tiện khi tham gia giao thông, kiên quyết xử lý phương tiện sử dụng và tự ý "độ", gắn thêm đèn chiếu sáng có cường độ lớn sai quy định.

Có thể thấy, việc "độ” đèn, lắp thêm các loại đèn tự chế với nguồn sáng lớn không chỉ gây ảnh hưởng đến các phương tiện ngược chiều, tạo nguy cơ tai nạn giao thông cao mà còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ đối với chính phương tiện được “độ” đèn. Đây là mối nguy hiểm thường trực đối với người tham gia giao thông, cần phải xử lý nghiêm khắc để hạn chế những trường hợp tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra do nguyên nhân từ việc lắp các loại đèn tự chế.

Lỗi sử dụng đèn sai quy định

Theo đó, Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ về lỗi sử dụng đèn sai quy định:

Đối với xe ô tô, các loại xe tương tự ô tô

- Phạt tiền từ 600-800 ngàn đồng khi: Không sử dụng hoặc sử dụng không đủ đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19 giờ ngày hôm trước đến 05 giờ ngày hôm sau, khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn; sử dụng đèn chiếu xa khi tránh xe đi ngược chiều (điểm g khoản 3 Điều 5).

- Phạt tiền từ 800-1,2 triệu đồng khi: Chạy trong hầm đường bộ không sử dụng đèn chiếu sáng gần; lùi xe, quay đầu xe trong hầm đường bộ; vượt xe trong hầm đường bộ không đúng nơi quy định (điểm a khoản 4 Điều 5).

Đối với xe máy, các loại xe tương tự xe máy, xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện)

- Phạt tiền 80-100 ngàn đồng đối với hành vi: Không sử dụng đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19 giờ ngày hôm trước đến 05 giờ ngày hôm sau hoặc khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn (điểm c khoản 1 Điều 6).

- Phạt tiền 200-400 ngàn đồng đối với hành vi: Không sử dụng hoặc sử dụng không đủ đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19 giờ ngày hôm trước đến 05 giờ ngày hôm sau, khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn; sử dụng đèn chiếu xa khi tránh xe đi ngược chiều (điểm e khoản 3 Điều 6).

- Phạt tiền 500-1 triệu đồng đối với hành vi: Chạy trong hầm đường bộ không sử dụng đèn chiếu sáng gần; vượt xe trong hầm đường bộ không đúng nơi quy định; quay đầu xe trong hầm đường bộ (điểm d khoản 5 Điều 6).

An Dương (T/h)

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/tu-y-lap-den-chieu-sang-tu-che-co-the-gay-tai-nan-tham-khoc-bi-phat-tien-d163267.html