Lấp đầy khoảng trống

Luật Phòng cháy và chữa cháy có hiệu lực đã gần 18 năm. Một chặng đường đủ để các điều luật cơ bản đi vào cuộc sống. Vậy nhưng, soi chiếu vào thực tế, chúng ta không khỏi giật mình bởi những khoảng trống còn quá lớn so với những quy định của pháp luật.

Phòng cháy, chữa cháy tại chung cư, nhà cao tầng: Nâng cao hiệu quả quản lý

Trong đó, hiện có không ít trường học cũng rơi vào khoảng trống đáng lo ngại này!

Lo ngại vì trường học là môi trường đặc biệt, mang tính đặc thù cao. Tuy nhiên, tính đến giữa tháng 4-2019, trên địa bàn thành phố Hà Nội có đến 231 lượt trường học, cơ sở giáo dục không bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy. Chưa kể, còn 356 trường học, cơ sở giáo dục trong số 1.317 cơ sở không bảo đảm về phòng cháy, chữa cháy thuộc diện được đưa vào sử dụng trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001 có hiệu lực...

Nguy cơ ”bà hỏa” ghé thăm hiện diện ở nhiều trường, lớp học, từ vùng lõi đô thị đến khu vực ngoại thành. Nguyên nhân căn bản của thực trạng này là cơ sở hạ tầng không đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy; nhiều trường, lớp học thuê địa điểm, sử dụng không đúng công năng do hoán cải từ các công trình khác thành cơ sở giáo dục... Những bếp ăn bán trú trường học cũng chưa thực hiện đúng yêu cầu của luật định. Và thêm một trở ngại lớn khác là nhận thức của một bộ phận lãnh đạo nhà trường, cơ sở giáo dục chưa thấy hết được tầm quan trọng của công tác phòng cháy, chữa cháy nên chưa sâu sát, quan tâm thỏa đáng...

Giải pháp để trị “giặc lửa” có nhiều, nhưng cơ bản và bao trùm nhất vẫn phải là tuân thủ quy định về phòng cháy, chữa cháy. Việc này không phải chỉ là trách nhiệm của riêng các trường học khi phải thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các yêu cầu thiết kế theo quy định về phòng cháy, chữa cháy, mà còn là nhiệm vụ của rất nhiều cơ quan, đơn vị liên quan. Ví như, đó là trách nhiệm của đơn vị cấp phép hoạt động cho các cơ sở giáo dục; là trách nhiệm của cấp thẩm quyền khi thẩm định, cho phép các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao hoạt động gần trường học; là việc kiên quyết di dời các cửa hàng xăng dầu, cơ sở sang chiết gas khỏi khu dân cư... để bảo đảm an toàn cho trường học.

Đặc biệt, mỗi cơ sở giáo dục cần phát huy tính chủ động trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Với những trường học đã được đầu tư hoàn thiện hệ thống phòng cháy, chữa cháy, cần thường xuyên bảo dưỡng, duy trì, bảo đảm hoạt động hiệu quả mọi thời điểm. Với những cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu như luật định, trước mắt cần tính các giải pháp ứng phó linh hoạt thay thế để phù hợp với hạ tầng hiện có. Các cơ sở cũng cần đẩy mạnh công tác tự kiểm tra, khắc phục tại chỗ các tồn tại, thiếu sót để tăng tính phòng ngừa.

Việc đầu tư hệ thống phòng cháy, chữa cháy bảo đảm bài bản còn tùy thuộc nhiều vấn đề, điều kiện khác nhau. Nhưng việc trang bị kiến thức, kỹ năng để mỗi tập thể, cá nhân trong cơ sở giáo dục có nhận thức đúng, biết cách phòng tránh và chống cháy nổ là yếu tố quan trọng hàng đầu. Tuyên truyền để mỗi giáo viên, học sinh... có ý thức từ những việc đơn giản như ngắt nguồn nhiệt, thiết bị điện khi không sử dụng; không để vật dụng dễ cháy gần nguồn nhiệt... Với các cơ sở giáo dục tập trung, việc tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng “giặc lửa” là không quá khó, nhưng phụ thuộc rất lớn vào nhận thức của người đứng đầu. Để việc này đi vào nền nếp, lãnh đạo các nhà trường cần coi tuyên truyền, thực hành kỹ năng phòng hỏa hoạn là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên...

Chỉ khi những khoảng trống trong phòng, chống cháy nổ được lấp đầy thì mối lo về hỏa hoạn mới vơi đi. Đây là công việc không xong trong một sớm một chiều, nhưng cũng không thể trễ nải thêm!

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/934606/-lap-day-khoang-trong