Lập công ty 'ma' để rửa tiền có thể bị phạt tù tới 15 năm
Liên quan đến vụ lập hơn 300 công ty 'ma' để lừa đảo, rửa tiền, nhiều người đặt câu hỏi, theo quy định, đối tượng thực hiện hành vi này sẽ bị xử lý ra sao?
Theo Công an TP.HCM, kết quả mở rộng điều tra tiếp theo của vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Rửa tiền” và “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”, mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP.HCM tiếp tục khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam 2 đối tượng về hành vi Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.
Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố Đỗ Viết Đại, 53 tuổi, ở Phường 5, quận Tân Bình; Nguyễn Thị Kim Ngân, 47 tuổi ở Đắk Lắk là chủ tiệm vàng Đức Long, về hành vi tổ chức, điều hành hoạt động chuyển tiền trái phép từ Campuchia về Việt Nam và ngược lại.
Kết quả điều tra cho thấy, từ tháng 8/2023-tháng 4/2024, các đối tượng đã thực hiện chuyển tiền từ Campuchia về Việt Nam với tổng cộng gần 11 triệu USD, 2.048 tỷ đồng; chuyển từ Việt Nam sang Campuchia khoảng 8,2 triệu USD, hơn 35 tỷ đồng. Nhóm các đối tượng đã thành lập hơn 300 công ty “ma” để mở tài khoản ngân hàng của công ty nhằm phục vụ hoạt động phạm tội.
Đến nay, cơ quan công an đã khởi tố 15 đối tượng về các tội “Rửa tiền”, “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.
Về hành vi rửa tiền, khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 quy định, rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có.
Tài sản do phạm tội mà có là tài sản có được trực tiếp hoặc gián tiếp từ hành vi phạm tội; phần thu nhập, hoa lợi, lợi tức, lợi nhuận sinh ra từ tài sản có được từ hành vi phạm tội.
Như vậy, rửa tiền là hành vi của cá nhân hoặc tổ chức nhằm hợp pháp hóa dòng tiền có nguồn gốc có được do phạm tội mà có nhằm mục đích biến tiền có được từ những hoạt động bất hợp pháp thành tiền có được hợp pháp - luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.
Về chế tài xử lý đối với hành vi trên, theo Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, người nào thực hiện một trong các hành vi sau thì bị phạt tù từ 1-5 năm:
Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có;
Sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác;
Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó;
Thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản này đối với tiền, tài sản biết là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; 2 lần trở lên; Có tính chất chuyên nghiệp; Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; Tiền, tài sản phạm tội trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng…thì bị phạt tù từ 5-10 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Tiền, tài sản phạm tội trị giá 500.000.000 đồng trở lên; Thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên; Gây ảnh hưởng xấu đến an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia thì bị phạt tù từ 10-15 năm - luật sư Thu nhấn mạnh.