Lập chuyên án điều tra vụ rừng Tà Kóu bị đầu độc bằng hóa chất

Rừng Tà Kóu là một trong 221 vùng sinh thái quan trọng trên thế giới cần bảo tồn khẩn cấp, nhưng thời gian qua bị đầu độc, xà xẻo nghiêm trọng.

Ngày 8-6, tin từ UBND tỉnh Bình Thuận cho biết ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh vừa ký văn bản gửi Sở NN&PTNT, Công an Bình Thuận và UBND huyện Hàm Thuận Nam yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan ngăn chặn có hiệu quả, không để tình hình chặt phá, hủy hoại cây rừng bằng hóa chất để chiếm đất rừng trồng thanh long tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu tái diễn.

Một vụ phá rừng ở Tà Kóu trước đây PLO đã phản ảnh. Ảnh: PN

Một vụ phá rừng ở Tà Kóu trước đây PLO đã phản ảnh. Ảnh: PN

Ông Nguyễn Ngọc Hai yêu cầu Công an tỉnh, UBND huyện Hàm Thuận Nam chỉ đạo Công an huyện lập chuyên án đấu tranh phòng, chống tình trạng phá rừng, hủy hoại cây rừng bằng hóa chất tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu.

Việc lập chuyên án nhằm điều tra, xử lý nghiêm những người vi phạm; đưa ra xét xử những vụ án điểm tại khu vực có tình hình phức tạp để răn đe, ngăn ngừa chung.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao UBND huyện Hàm Thuận Nam tiếp tục chỉ đạo lực lượng chức năng và UBND các xã giáp ranh khu bảo tồn tăng cường phối hợp trong kiểm tra, xác định, phân loại rõ từng đối tượng để quản lý, giám sát chặt chẽ.

UBND huyện Hàm Thuận Nam cần yêu cầu các hộ dân đang canh tác ven rừng ký cam kết không phá rừng, không lấn chiếm đất lâm nghiệp và không được chuyển đổi cây trồng trên đất lâm nghiệp trái phép, nếu phát hiện phải xử lý nghiêm theo quy định.

Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT chỉ đạo lực lượng kiểm lâm, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu thực hiện nghiêm túc công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn.

Sở NN&PTNT cũng cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng để người dân nắm bắt, chấp hành; chủ động rà soát, bố trí lực lượng kiểm lâm về cơ sở; có phương án tổ chức lực lượng tuần tra, mai phục ban đêm tại khu vực có nguy cơ xảy ra phá rừng hoặc đã xảy ra phá rừng nhưng chưa xác định đối tượng.

Sở NN&PTNT phối hợp với các sở, ngành, UBND huyện Hàm Thuận Nam nghiên cứu các quy định về cơ chế, chính sách quản lý, sử dụng rừng đặc dụng để tham mưu UBND tỉnh đề xuất cấp thẩm quyền có giải pháp quản lý diện tích rừng và đất lâm nghiệp tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu.

Gần đây tình trạng triệt hạ, khoan lỗ, bỏ hóa chất đầu độc cho cây rừng chết dần tại xã Tân Thuận (Hàm Thuận Nam), trên lâm phần quản lý của Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu để chiếm đất trồng thanh long liên tục xảy ra.

Khi lấy mẫu cây rừng bị chết, ngành kiểm lâm xác định tất cả các mẫu đều có tồn dư hợp chất glyphosate, một hợp chất cực độc có trong thuốc diệt cỏ. Được biết, gần đây, rừng Tà Kóu liên tục phá rừng chiếm đất, nhiều vụ việc đã được khởi tố nhưng đến nay tình trạng phá rừng vẫn không giảm.

Năm 1997, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định xác lập Tà Kóu là khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia với diện tích trên 11.000 ha. Trong đó có hơn 3.500 ha thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và hơn 7.700 ha thuộc phân khu phục hồi sinh thái.

Theo Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên nhiên thế giới (WWF), Tà Kóu thuộc vùng sinh thái Trường Sơn, là một trong 221 vùng sinh thái quan trọng trên thế giới. Đặc biệt, Khu bảo tồn thiên nhiên này nằm trong tiểu vùng sinh thái quan trọng cần bảo tồn khẩn cấp (SA7, WWF, 2001).

Tà Kóu là vùng đa dạng hệ sinh thái. Hệ thực vật có 751 loài và có ít nhất 15 loài thực vật quý hiếm. Hệ động vật có xương sống ở cạn có 178 loài, trong đó có những loài động vật quý hiếm mới phát hiện như gà gô, diều núi, voọc bạc Trường Sơn, chà vá chân đen...

Vai trò cơ bản của Khu bảo tồn này là điều hòa khí hậu, nguồn nước, bảo vệ đất chống cát bay, tạo cảnh quan phát triển du lịch sinh thái, di tích văn hóa cấp quốc gia, cung cấp nước ngọt sinh hoạt và nông nghiệp, bảo vệ môi trường cho vùng kinh tế biển Bình Thuận.

Đặc biệt đây chính là rừng đầu nguồn cung cấp nguồn nước cho các con suối và giếng nước, là nguồn nước duy nhất cho sinh hoạt và các hoạt động canh tác.

Trong khu bảo tồn và vùng đệm không có sông lớn. Do đó việc bảo tồn rừng, thảm thực vật núi Tà Kóu và vùng xung quanh núi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự bền vững về sinh kế của người dân địa phương vì nó bảo đảm nguồn nước cho sinh hoạt và canh tác.

PHƯƠNG NAM

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/lap-chuyen-an-dieu-tra-vu-rung-ta-kou-bi-dau-doc-bang-hoa-chat-917348.html