Lập chiến lược cuộc đời

'Mục đích trong 2 năm tới của bạn là gì, 5 năm đến của bạn là gì và cả cuộc đời của bạn là gì?' - Ông Giản Tư Trung - Giám đốc Công ty Pace đặt câu hỏi trong một buổi nói chuyện với gần 100 nhân viên Công ty quảng cáo Golden Communication Group. Nhiều người trong chúng ta, hằng ngày đang sống, làm việc đôi khi như quán tính, thói quen và vì các mục tiêu trước mắt, mà rất ít khi dừng lại xác định 'mình là ai', 'mình thực sự muốn gì' và 'mình phải làm gì'. Bạn có bao giờ nghĩ rằng sẽ phải lập một 'chiến lược' cho chính cuộc đời mình?

Hành trình của cuộc đời.

Khi được hỏi rằng, bạn nghĩ cụm từ "Lập chiến lược cho cuộc đời" có quá to tát hay không?", bạn Nguyễn Công Chính, sinh năm 1980, từng là du học sinh học bổng AusAID của Chính phủ Úc, người xây dựng website dịch tiếng Anh, Pháp vdict.com và website raovat123.com tâm sự "Có thể ngôn từ làm nó trở nên to tát, nhưng tôi nghĩ đó là điều mà ai cũng phải làm. Tôi đã có những chiến lược cho cuộc đời mình từ rất lâu. Đó là các định hướng, phương châm sống, cách bạn tự đặt mục tiêu và cách bạn thực hiện để hoàn thành những mục tiêu đó. Đối với tôi, cuộc hành trình của cuộc đời không phải cứ đi lang thang mà phải có những đích đến, ngắn hạn cũng như dài hạn".

Nguyễn Công Chính cũng cho biết thêm mục tiêu trong 10 năm tới là điều hành một công ty thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam với mục đích giúp mọi người Việt Nam có thể tiếp cận được các tiện nghi của thương mại điện tử và sự phát triển của công nghệ trên thế giới. Hiện nay, Nguyễn Công Chính đang xây dựng và đưa vào hoạt động website www.vdict.com để có thể giúp người sử dụng internet Việt Nam tiếp cận thông tin trên internet dễ dàng hơn, tiếp theo sau đó là các công cụ giúp giao lưu văn hóa và các cầu nối về công nghệ và thương mại.

Không những đặt ra kế hoạch 10 năm, Chính còn bảo "Còn trong 30 năm tới, tôi muốn có được những ý tưởng và ứng dụng giúp thay đổi thói quen và nâng cao chất lượng sống của hàng triệu người trên thế giới, giống như công nghệ thông tin đã làm trong 30 năm nay. Đây là một mục tiêu không dễ dàng và đòi hỏi một sự nỗ lực và học hỏi liên tục, nhưng đó là một đích đến mà tôi muốn đạt tới. Chiến lược cuộc đời của tôi là làm từ những việc nhỏ, nhưng luôn phải hướng tới một mục đích lớn. Hãy làm tốt những gì mà mình làm tốt trước, nhưng phải dám chấp nhận mạo hiểm, thử thách và không ngừng học hỏi".

Chiến lược vì một cộng đồng.

Harry Nguyễn - Project Manager của FPT:
Lập kế hoạch để không trật "đường ray" cuộc đời.

Theo tôi, lập chiến lược cho cuộc đời là một việc cần và buộc phải làm - đặc biệt đối với lớp trẻ. Bởi vì sống có mục đích sẽ giúp chúng ta không bị trật "đường ray" trong lúc vận chuyển trên đường đời. Tôi nghĩ rằng ai không có tham vọng trong công việc mình đang làm thì không nên làm công việc đó nữa. Có tham vọng sẽ làm hết mình và đi đến tận cùng trong công việc - có thế mới vỡ ra được nhiều bài học quý giá trong công việc chứ - bạn nhỉ? Trước đây, tôi không làm plan cho cuộc đời gì cả - sống rất thoải mái - nhưng bây giờ khi trưởng thành thêm - đi nhiều biết nhiều tôi thấy một cuộc đời bắt buộc phải có một kế hoạch. Các nước tiên tiến các em bé đã biết lập rõ ràng kế hoạch từ cấp 1, cấp 2 rồi. Có kế hoạch thì chúng ta sẽ biết mình ở đâu trong 5 năm nữa, 10 năm tới và không bị mù mờ về ngày mai của mình.
Vì thế lập chiến lược cho cuộc đời là yêu cầu cấp thiết cho giới trẻ như bạn và tôi.

Trong khi đó, bạn Ngô Tuấn, cũng một thanh niên trẻ thế hệ 8X, hiện đang là Assistant Brand Manager của nhãn hàng Lipton - tập đoàn Unilever thì tâm sự về một "chiến lược" của mình: "Ý tưởng về một quán cà phê "bán lợi nhuận" và "vì cộng đồng" cũng đã nung nấu trong tôi hơn 2 năm nay, từ lúc thấm dần dần bài hát Imagine của John Lennon và xem những hình ảnh tư liệu của anh lúc còn hoạt động cho hòa bình ở Amsterdam. Và cả chuỗi cửa hàng Oxfam ở Anh nữa, nơi mà người ta hoạt động vì người nghèo, lợi nhuận được tạo ra là để đóng góp cho cộng đồng. Ý tưởng đó khiến tôi nghĩ về một chuỗi quán cà phê mang phong cách của những nhà phản chiến hiện đại, đậm chất nhân bản.

Không khí của quán sẽ là hơi da diết nhưng không bi lụy, nơi mà mọi người đều có thể trải lòng mình ra mà hướng tới một chút "Chân - Thiện - Mỹ". Và có lẽ cái quán đó sẽ mang tên "Humanist Kafé". Và đương nhiên, lợi nhuận tạo ra từ quán sẽ được dành 50% cho cộng đồng người nghèo địa phương nơi quán hoạt động, đặc biệt là Hội trẻ em mồ côi và khuyết tật".

Ý tưởng đó của Tuấn trong thời gian qua cũng chỉ mới dừng lại ở ý tưởng vì Tuấn đang bận khá nhiều việc tại tập đoàn Unilever. Cái kế hoạch cũng đang dở dang, công cuộc huy động vốn và kiếm nguồn vốn cũng chỉ mới dừng lại ở một mảnh đất nhỏ 100m2 của bố mẹ. Nhưng những ngày gần đây, ý tưởng đó lại trở nên sôi sục hơn vì Tuấn đang cảm nhận sự ngắn ngủi của cuộc đời và tự cảm thấy hãy hành động ngay thay vì cứ sống ảo vọng trong ước mơ của mình. Chính vì vậy mà trên địa chỉ blog của cá nhân mình, Tuấn đang rủ rê mọi người cùng mối quan tâm bắt tay xây dựng chuỗi cà phê Humanist này.

Hãy bắt đầu trước khi quá muộn.

Có thể nói, trong giới trẻ, bên cạnh những bạn có những chiến lược cuộc đời bình thường, như có một công việc ổn định, thu nhập từ vài triệu đến vài chục triệu một tháng, trong vòng 2 năm đến phải có chồng, có vợ, ba năm mua được nhà, 5 năm có con... hay là những kế hoạch như mua được xe hơi, nuôi được bố mẹ già ở quê... thì cũng có khá nhiều bạn trẻ có những ước mơ lớn lao và táo bạo. Vì vậy, bạn đừng ngạc nhiên khi đọc đâu đó trên báo có một bạn trẻ từ bỏ vị trí một quản lý cấp cao với mức lương hàng ngàn USD để đi lập một công ty mà ban đầu chỉ có từ lỗ đến lỗ..., hay một bạn trẻ tốt nghiệp đại học loại khá, giỏi, không dưng lại chui về xứ "khỉ ho cò gáy" để làm nhân viên trong một khu cai nghiện. Đó là vì mỗi người đã chọn cho mình một chiến lược cuộc đời khác nhau. Xác định được mình muốn gì, mình là ai, mình đang như thế nào... sẽ là một bước đầu tiên thành công để bạn có thể lập cho mình một "chiến lược cuộc đời" phù hợp.

Thế nhưng, cho dù muốn trở thành ai và làm được gì đi nữa, mỗi người trong chúng ta cần có những bước chuẩn bị căn bản, nói như ông Giản Tư Trung, Giám đốc PACE: "Trái đất này là của chúng mình, thế giới phẳng đã gióng lên hồi chuông toàn cầu về sự vận động của thế giới, mọi người cần ý thức sâu sắc về nơi mình đang sống, vị trí mình đang đứng. Khoa học, công nghệ đang thu nhỏ thế giới lại, cơ hội đang đến với mỗi cá nhân chúng ta và chỉ còn phải nắm bắt lấy nó. Mỗi người phải chuẩn bị cho mình một nền tảng vững chắc như vốn ngoại ngữ, khả năng sử dụng công nghệ thông tin, trình độ tư duy tốt. Hãy bắt đầu ngay trước khi quá muộn".

Trâm Anh Ken

Nguồn Thanh Niên: https://thanhnien.vn/gioi-tre/lap-chien-luoc-cuoc-doi-328085.html