Lập căn cứ quân sự tại Châu Á, Anh muốn răn đe Trung Quốc?

Kế hoạch xây dựng căn cứ quân sự của Anh tại Châu Á có nguy cơ gây leo thang căng thẳng trong quan hệ giữa Anh và Trung Quốc.

Chiến lược về quân sự

Khi tiết lộ rằng nước này đang xem xét xây dựng các căn cứ quân sự mới tại Châu Á, nhiều người đã đặt câu hỏi liệu Anh có đủ tài chính hoặc tầm nhìn chiến lược để tiến hành một kế hoạch như vậy không.

Thời gian gần đây Hải quân Hoàng gia Anh đã tăng cường hoạt động tự do hàng hải trên Biển Đông. Ảnh: Reuters.

Thời gian gần đây Hải quân Hoàng gia Anh đã tăng cường hoạt động tự do hàng hải trên Biển Đông. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, bản đánh giá các sáng kiến quốc phòng của Anh thời gian gần đây chỉ ra rằng, việc lập căn cứ tại Châu Á sẽ là sự mở rộng một cách lôgic các động thái quân sự Anh đã thực hiện trong vài năm qua, chứ không phải là một sáng kiến ngẫu nhiên, chưa có sự chuẩn bị trước. Trả lời phỏng vấn tờ Điện tín Chủ nhật (Sunday Telegraph), Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson cho biết, ông đã ấp ủ những ý tưởng cho quân đội Anh thời kỳ hậu Brexit.

“Đây là thời khắc quan trọng nhất của chúng tôi kể từ khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Đây là thời điểm chúng tôi có thể định hình lại chính mình theo một cách hoàn toàn khác. Chúng tôi có thể thực sự đóng vai trò trên trường quốc tế như cách thế giới vẫn kỳ vọng vào chúng tôi”, ông Williamson nhấn mạnh.

Mặc dù ông Williamson nói các căn cứ quân sự mới của Anh có thể được đặt ở khu vực “Viễn Đông”, song tờ Telegraph dẫn một số nguồn tin quốc phòng cho biết, các địa điểm tiềm năng là Singapore và Brunei. Theo quan điểm của Anh, việc lựa chọn hai địa điểm này là hợp lý bởi cả Singapore và Brunei đều đang có một lực lượng nhỏ quân đội Anh đồn trú. Hai nước này từng là thuộc địa cũ của Anh và nằm cạnh Biển Đông, nơi Trung Quốc đang mở rộng tầm ảnh hưởng.

Mở ra cơ hội lớn cho Anh

Việc xây dựng căn cứ quân sự tại Châu Á không chỉ đóng vai trò quan trọng chiến lược về mặt quân sự mà còn mở ra các cơ hội kinh tế cho Anh.

Theo báo cáo của Viện nghiên cứu hòa bình Stockholm (SIPPRI), Anh là nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 6 thế giới, từ năm 2013 đến năm 2017. Còn Bộ Quốc phòng của Anh cho biết, trong giai đoạn từ 2008 đến 2017, nước này là nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới.

Nếu kế hoạch nêu trên được triển khai, các căn cứ quân sự tại Châu Á sẽ là “nơi trưng bày” nhiều khí tài quân sự của Anh và những hợp đồng bán vũ khí sẽ là cú hích lớn cho nền kinh tế của xứ sở sương mù hậu Brexit. Theo báo cáo của Bộ quốc phòng Anh, vào năm 2017, Anh đã thu về 11,3 tỷ USD từ việc bán khí tài quân sự cho nước ngoài. Nhìn vào lịch sử 10 năm bán vũ khí của Anh có thể thấy các khách hàng của nước này phần lớn là những quốc gia bên ngoài Liên minh Châu Âu. Trong đó, các khách hàng lớn bao gồm Saudi Arabia, Kuwait, Oman, Ấn Độ, Brazil và Mỹ.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, một khi kế hoạch của Anh được triển khai, sự xuất hiện của các tàu khu trục Anh tại những các căn cứ quân sự của nước này ở Châu Á sẽ giúp việc bán vũ khí được đẩy mạnh hơn. Và nước nào sẽ là đối thủ cạnh tranh với Anh trên thị trường xuất khẩu tàu khu trục? Đó là Trung Quốc. Quân đội Trung Quốc vừa cho biết, Tập đoàn đóng tàu quốc doanh Trung Quốc (CSSC) đã bắt đầu đóng tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường cho Pakistan theo một thỏa thuận mua bán vũ khí quy mô lớn giữa hai nước.

Thách thức Trung Quốc

Theo giới quan sát, nếu được triển khai, kế hoạch mở căn cứ quân sự có thể sẽ “phủ bóng đen” lên mối quan hệ giữa với các nước láng giềng châu Á, đồng thời có nguy cơ gây leo thang căng thẳng giữa Bắc Kinh và London. Chính phủ Trung Quốc ngang nhiên cho rằng các khu vực rộng lớn ở Biển Đông đã trở thành một phần lãnh thổ của nước này "từ thời xa xưa". Yêu sách đường 9 đoạn phi lý mà Trung Quốc đưa ra kéo dài hơn 1.000 km từ điểm cực nam của nước này, chiếm gần trọn . Tuy nhiên, hầu hết các quốc gia đều coi tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc là không có căn cứ, trái với luật pháp quốc tế. Quan điểm này cũng nhận được sự ủng hộ của tòa án quốc tế vào năm 2016.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh an ninh châu Á hay Đối thoại Shangri-La diễn ra tại Singapore tháng 6/2018, ông Williamson nói rằng, Anh sẽ thể hiện sự ủng hộ đối với việc vận hành các hệ thống căn cứ vào luật lệ tại các vùng biển ở Châu Á bằng cách điều tàu chiến đến đây. “Tôi phải nói rõ rằng, các quốc gia cần phải chơi theo luật và sẽ phải gánh chịu hậu quả nếu họ không làm như vậy”, ông Williamson nhấn mạnh. Hai tháng sau đó, Anh đã điều Tàu chiến đổ bộ HMS Albion đi qua khu vực gần quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông, động thái mà Trung Quốc cho là “hành vi khiêu khích”.

Theo cựu Ngoại trưởng Anh Boris Johnson, Hải quân Hoàng gia Anh dự kiến sẽ triển khai tàu sân bay HMS Queen Elizabeth và một con tàu sân bay khác cùng họ với con tàu này, hiện đang được đóng là HMS Prince of Wales tới Biển Đông vào năm 2020. Do vậy, việc lập căn cứ quân sự tại Châu Á, địa điểm dự kiến là nơi neo đậu cho các tàu chiến nặng khoảng 65.000 tấn, sẽ hỗ trợ đáng kể cho những nỗ lực này.

Mỹ sẽ ủng hộ Anh?

Việc điều tàu chiến hiện diện tại Biển Đông là một phần trong chính sách của Hải quân Mỹ. Washington cũng đang khuyến khích các nước đồng minh tham hoạt động này và san sẻ bớt gánh nặng về quân sự. Vì vậy kế hoạch của Anh xây mới hay mở rộng căn cứ quân sự tại Châu Á chắc chắn sẽ được Mỹ - đồng minh số 1 của nước này ủng hộ.

Ông Ni Lexiong, chuyên gia hải quân tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Thượng Hải, cho biết kế hoạch này là cho thấy Anh và các đồng minh khác của Mỹ ngày càng gắn kết trong cách tiếp cận cứng rắn của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Trung Quốc.

“Đây là bước đi bổ sung quan trọng cho chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ. Điều này sẽ khiến Washington hài lòng”, ông Ni Lexiong nói. Theo thỏa thuận Thỏa thuận phòng thủ năm quốc gia đã được ký kết, có rất nhiều công việc cần phải được thực hiện. Trước đó vào năm 1971, Anh đã ký kết Thỏa thuận phòng thủ năm quốc gia (Five Power Defense Arrangement - FPDA) – một thỏa thuận bao gồm cả Singapore, Australia, New Zealand và Malaysia. Tháng 10/2018, nhóm 5 quốc gia này đã tiến hành tập trận quân sự tại Biển Đông, với mục đích đảm bảo an ninh khu vực và hỗ trợ cứu nạn khi có thiên tai.

Trung Quốc sẽ phản ứng thế nào?

Mối quan hệ giữa Anh và Trung Quốc đã trở nên nguội lạnh, khi London bắt đầu thách thức các yêu sách của Bắc Kinh trên Biển Đông. Một số nhà phân tích cho rằng, nếu Anh theo đuổi kế hoạch xây dựng căn cứ quân sự tại Châu Á, Trung Quốc chắc chắn sẽ phản đối gay gắt.

Trong cuộc gặp Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt tại trụ sở Liên Hợp Quốc vào tháng 9/2018, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã hối thúc Anh không “đơn phương bênh vực một phía” trong vấn đề Biển Đông.

Tuy nhiên, đến tháng 10/2018, khi trả lời phỏng vấn tờ Tạp chí Tài chính, Đô đốc Sir Philip Jones người đứng đầu lực lượng Hải quân Hoàng gia Anh tuyên bố, Anh sẽ ủng hộ các đồng minh trong khu vực Á Châu-Thái Bình Dương và sẽ có phản ứng nếu Trung Quốc vi phạm luật hàng hải quốc tế./.

Hồng Anh/VOV.VN
Theo CNN

Nguồn VOV: http://vov.vn/the-gioi/quan-sat/lap-can-cu-quan-su-tai-chau-a-anh-muon-ran-de-trung-quoc-859883.vov