Lắp camera tại các cơ sở giáo dục mầm non (Kỳ cuối: Giải pháp nâng cao công tác quản lý)

Đã có không ít bảo mẫu, giáo viên tại một số cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) trên cả nước vướng vòng lao lý vì hành vi bạo hành trẻ em, vậy nhưng đáng tiếc thời gian gần đây trường hợp bạo hành con trẻ vẫn xảy ra. Trước thực trạng này, TP Đà Nẵng nói chung và Sở GD-ĐT TP nói riêng đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao công tác quản lý GDMN.

Đã có không ít bảo mẫu, giáo viên tại một số cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) trên cả nước vướng vòng lao lý vì hành vi bạo hành trẻ em, vậy nhưng đáng tiếc thời gian gần đây trường hợp bạo hành con trẻ vẫn xảy ra. Trước thực trạng này, TP Đà Nẵng nói chung và Sở GD-ĐT TP nói riêng đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao công tác quản lý GDMN.

Cần cho trẻ thấy được "mỗi ngày đến trường là một ngày vui".

Cần cho trẻ thấy được "mỗi ngày đến trường là một ngày vui".

Theo số liệu thống kê, năm học 2017-2018, trên địa bàn TP Đà Nẵng có 209 trường mầm non (trong đó trường công lập: 71 trường, trường dân lập: 1 trường và trường tư thục: 137 trường); trường mầm non ngoài công lập chiếm tỷ lệ 63% (so với năm học 2016-2017 tăng 24 trường mầm non - 2 công lập và 22 trường tư thục). Nhóm lớp độc lập tư thục (NLĐLTT) là 1.088 nhóm lớp, trong đó từ 8-50 trẻ: 665 nhóm, 7 trẻ trở xuống: 423 nhóm (so với năm học 2016-2017 giảm 19 NLĐLTT - nhóm 8-50 trẻ giảm 12 nhóm, nhóm dưới 7 trẻ giảm 7 nhóm). Tổng số nhóm trẻ, nhà trẻ và mẫu giáo trong các cơ sở GDMN là 2.917, trong đó: Nhà trẻ: 988 nhóm; Mẫu giáo: 1.929 lớp.

Trước tình trạng bạo hành trẻ em xảy ra tại cơ sở GDMN trên địa bàn TP khiến dư luận bức xúc, Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng đã có công văn yêu cầu tổng kiểm tra và lắp đặt hệ thống camera tại các vị trí của tất cả cơ sở GDMN trên địa bàn. Trên thực tế, việc lắp camera tại các trường mầm non và nhóm, lớp độc lập tư thục trên địa bàn TP Đà Nẵng đã được thực hiện cách đây 2 năm. Đến thời điểm hiện nay, có khoảng 85% trường mầm non và 20% nhóm, lớp độc lập tư thục có camera. Các nhà quản lý giáo dục khẳng định, việc lắp camera ở các cơ sở GDMN là cần thiết vì nó thể hiện tính công khai, minh bạch trong giáo dục, góp phần xây dựng môi trường chăm sóc trẻ an toàn, lành mạnh, nâng cao lương tâm trách nhiệm đạo đức nghề nghiệp của giáo viên mầm non; giúp các nhà quản lí theo dõi được các hoạt động giáo dục tại cơ sở và có biện pháp xử lý ngăn chặn, uốn nắn kịp thời.

Tuy nhiên, cần thẳng thắn thừa nhận rằng, thực ra camera chỉ là một phương tiện để quản lí, theo dõi. Việc giáo dục trẻ còn phụ thuộc vào sự quản lí chặt chẽ từ các cấp, vào lương tâm đạo đức nghề nghiệp của người giáo viên, vào trình độ sư phạm, năng lực chuyên môn nghiệp vụ của các cô giáo, vào sự kiểm tra giám sát thường xuyên, đột xuất của các cấp và đặc biệt là xử lí nghiêm những sai phạm.

Để kế hoạch lắp đặt hệ thống camera tại các cơ sở GDMN trên địa bàn thực sự mang lại hiệu quả, ngành GD đã có thêm những giải pháp dài hơi, đồng thời có những chế tài xử lý mạnh tay đối với cơ sở sai phạm. Theo bà Đặng Thị Cẩm Tú- Trưởng phòng GDMN - Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, để làm tốt công tác quản lý GDMN nói chung và giáo dục ngoài công lập nói riêng, Sở GD-ĐT thực hiện nhiều giải pháp. Cụ thể, sáng 23-5-2018, tại buổi làm việc giữa Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng và Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) TP, qua đề nghị của Giám đốc Sở GD-ĐT, ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo Hội LHPN xây dựng kế hoạch giám sát nhóm trẻ tại các khu dân cư trình UBND TP xem xét và phê duyệt. Trong đó nêu rõ, năm học 2019-2020, thực hiện thí điểm việc thu nhận trẻ dưới 18 tháng tuổi vào các trường mầm non công lập trên địa bàn TP. Sở GD-ĐT phối hợp với các ban ngành tham mưu UBND TP cần có cơ chế, chiến lược lâu dài, bền vững trong việc phát triển quy mô mạng lưới trường mầm non công lập và tư thục, hạn chế phát triển nhóm, lớp độc lập tư thục; phối hợp với các ban, ngành và tổ chức đoàn thể liên quan tổ chức thường xuyên kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật tại các cơ sở GDMN trên địa bàn để phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý triệt để các hành vi bạo hành, xâm hại trẻ em.

Đối với UBND xã, phường, công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông báo đến các tổ dân phố, thôn về các cơ sở được cấp phép thành lập, chưa được cấp phép hoặc bị đình chỉ hoạt động trên địa bàn để phụ huynh biết, lựa chọn trường, lớp yên tâm gửi con trẻ. Thiết lập đường dây nóng trên cổng thông tin điện tử của Phòng GD-ĐT để kịp thời tiếp nhận thông tin phản ánh của nhân dân, cha mẹ trẻ về thái độ, hành vi không đúng chuẩn mực sư phạm của đội ngũ quản lý, giáo viên, nhân viên đối với trẻ và các vi phạm khác. Quán triệt đến tất cả đội ngũ quản lý, giáo viên, nhân viên, chủ nhóm, lớp độc lập tư thục về quyền hạn, nghĩa vụ và trách nhiệm của từng nhà giáo gắn với nhiệm vụ giáo dục được phân công phụ trách. Tăng cường nền nếp, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm trong các cơ sở GDMN, nâng cao ý thức trách nhiệm và lương tâm đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ quản lý, giáo viên, nhân viên trong chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ. Phát huy vai trò của trường mầm non công lập trong công tác bồi dưỡng, tư vấn giúp đỡ, nâng cao kiến thức, nghiệp vụ sư phạm và đạo đức nghề nghiệp cho các chủ nhóm, lớp và giáo viên mầm non.

Trong quá trình kiểm tra các nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo nếu phát hiện các cá nhân hoặc tổ chức nào lợi dụng danh nghĩa, sử dụng cơ sở của nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập để tiến hành các hoạt động trái với pháp luật và thực hiện các hành vi thương mại hóa hoạt động giáo dục, vụ lợi, không đúng với mục tiêu đề án hoạt động của cơ sở GDMN thì tham mưu UBND quận, huyện, phối hợp các cơ quan chức năng tiến hành xử phạt theo đúng quy định.

Trở lại với câu chuyện "dạy và học", với cương vị là đơn vị quản lý, bà Tú chia sẻ thêm: Cha mẹ trẻ nên gửi con đến các cơ sở được cấp phép thành lập, có uy tín và phù hợp với thu nhập kinh tế của gia đình. Phụ huynh cần quan tâm và theo dõi những biểu hiện của con mình khi về nhà. Cần thường xuyên liên lạc với cô giáo để thực hiện phương pháp chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ theo khoa học cùng nhà trường và gia đình đạt hiệu quả hơn. Đối với giáo viên cần đặt niềm tin vào nghề mầm non mình đã chọn; cần có tình thương yêu trẻ, tận tụy với nghề nghiệp, nắm vững kiến thức về tâm lý học lứa tuổi mầm non, các kiến thức về giáo dục học, các phương pháp nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ mang tính đặc trưng của bậc học, có ý thức thường xuyên tự trau dồi học tập và rèn luyện kỹ năng thực hành về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm mầm non.

Có thể thấy, việc giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện các phẩm chất và năng lực nhằm giúp trẻ phát triển nhân cách một cách toàn diện là quá trình lâu dài, liên tục, diễn ra ở nhiều môi trường khác nhau, liên quan rất nhiều đến các mối quan hệ... Vì thế, việc giáo dục trẻ em luôn luôn đòi hỏi sự phối hợp, kết hợp chặt chẽ của xã hội, gia đình, chứ không chỉ có riêng cô giáo và riêng ngành giáo dục.

TRANG TRẦN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/137_190950_lap-camera-tai-cac-co-so-giao-duc-mam-non-ky-cuoi-.aspx