Lão sướng

Khi những cánh hoa đào còn đang chúm chím xinh xinh đậu trên cành cây, lão Sướng xếp ếp công việc đồng áng cho gọn để lên thành phố. Mấy hôm nay, các nhà xung quanh nhà lão cũng đã lên thành phố mua hoa đào về chơi Tết. Năm nay, lão cũng muốn có được cành đào trong nhà chơi mấy ngày Tết cho bõ công lão vất vả quanh năm suốt tháng. Mấy năm nay mưa thuận gió hòa nhà nông được mùa nên có vẻ súng sính, dư dả, có tiền cũng muốn nở mày mở mặt với thiên hạ. Làng đào được mùa phất lên như diều, tha hồ quát giá. Những cành đào mấy năm trước, đáng giá vài ba chục nghìn, năm nay giá lên đến vài ba trăm. Có những cây đào thế, mấy kẻ giàu có, thích lối trưởng giả học làm sang, mua vài ba chục triệu, thậm chí có cây lên đến vài ba trăm triệu. Đắt, nhưng ai cũng hỉ hả. Nhà nông vẫn thế. Mời nhau ăn cỗ, đánh nhau chia gạo. Giá cả hạt lúa củ khoai cao thì nhà nông cũng muốn chia sẻ với kẻ trồng cây, tỉa lá. Người phơi mông cho nắng, kẻ bán mặt cho giời. Tôi có, anh có và chị cũng có.

Minh họa: Việt Thắng.

Từ sáng sớm, lão bắt xe lên thành phố. Lão lượn hết vườn hoa này đến chợ hoa nọ. Lão ngắm hoa, đếm cánh. Lão ngó gốc liếc cành. Lão thấy cây nào cũng đẹp và hoa nở đều đẹp. Cái sắc màu hồng hồng như môi con gái làm lão chả phân biệt được cây nào đẹp, cành nào đang vào độ hàm tiếu lặng lẽ chờ chút mưa xuân bay phây phây mà bung cánh khoe dáng. Có cây lão thích thì khi nghe chủ nhà phát giá, lão vã mồ hôi. Nếu lão không phải là lão nông tri điền, ăn sáu, bảy bát cơm chưa no thì có lẽ lão đã lăn quay vì choáng. Rồi lão gặp ở chợ hoa một người trung niên, dáng cũng thô thô như lão. Cái bộ quần áo cũng nhàu nhĩ, màu nước dưa và loang lổ vệt mồ hôi của năm tháng còn lại làm chỗ bạc chỗ sẫm. Nhất là lão thấy cái ông bán đào này cũng chẳng như người khác, chèo kéo, khen hoa của mình là nhất còn hoa của người khác đều là thứ bỏ đi. Khi lão hỏi giá, người bán hoa cũng nói nhát gừng, túc ta túc tắc. Cũng cành hoa như thế, có người nói cao gấp cả chục lần. Người bán hoa nói giá, lão trả thử một câu thì người trung niên đã bán. Lão chặc lưỡi, mua lấy cành đào về cắm Tết. Cứ đào là được. Cành đào cắm trong bình hoa rồi thì dẫu có xấu đẹp, nhà lão vẫn có cành đào. Lão Sướng vác cành đào nghênh ngang đi dọc phố. Bụng lão nghĩ. Năm nay nhà lão cũng có đào. Lão có quyền vênh mặt với những ai hay coi thường lão nghèo là lên mặt. Thiên hạ nhìn ba ngày Tết. Cả năm đói no mấy ai biết. Bụng lão sướng rung lên. Mấy cái cơ bụng nhồi lên nhồi xuống như bị bắt chuột nổi u nổi cục. Lão tên là Sướng, vất vả cả đời đến bây giờ mới được sướng.

- Có mắt không đấy mà đi đứng thế hả?

Giật mình, lão đứng khựng lại. Lão nhìn kỹ vào cái mặt vừa mới phát ra tiếng quát. Cái mặt tròn tròn, dèn dẹt, loang loáng mỡ. Hai má nhiều mỡ nổi u ép vào cánh mũi còn nhỏ tin hin như lỗ con cun cút mà bọn trẻ hay chơi trò lấy nõn tre chọc xuống câu.

Lão nghĩ. Ừ, cái má này phì nhiêu như cánh ruộng bãi nhà lão mới được chia vậy. Ruộng bãi nhà lão phì nhiêu là nhờ hàng năm lũ đưa về hàng mét phù sa. Lẫn trong lớp phù sa ấy là biết bao nhiêu cỏ rác, xác súc vật mà sau này thành chất mùn cho cây. Nghĩ được vậy thì lão đã tự chất vấn cái đầu của mình. Chết. Chết. Ai lại đi ví cái má của con người với cánh bãi nhà mình. Nghĩ thế phải tội chết. Ở đời lão sợ nhất là mắc tội với ai đó. Ai làm ác được chứ lão thì chịu.

Để tránh việc liên tưởng phải tội, lão nhìn xuống cổ người mà lão vừa nghĩ xấu. Ối giời ơi! Lão không thể không liên tưởng tới cái cổ con trâu mộng mà lão Sung hàng xóm đang ra sức chăm bẵm để đưa đi hội thi sắp tới. Cái cổ nần nẫn những thịt. Mà sao cái người này thịt cổ nhiều đến thế. Lão há hốc miệng ra. Rất nhanh, lão nhớ ra quanh năm suốt tháng hút thuốc lào, chắc răng lão cáu bẩn và nhiều bớn lắm, có khi lại còn mùi hôi thối cũng nên. Lão ngậm vội miệng lại. Sao dạo này, nhìn thấy cái gì là lão hay liên tưởng để xem nó giống cái gì thế. Hay là lão đã đến tuổi đốc chứng. Không, lão chưa muốn thế đâu. Đang gặp thời gặp vận có chút sung sướng, lão phải sống thêm để hưởng đã. Chết ở tuổi này, phí lắm. Phủi phui cái mồm. Phủi phui cái mồm. Lão nghĩ thầm.

Không dám nhìn vào người đối diện vì lão lại sợ có liên tưởng xấu. Lão cúi xuống dợm bước định đi.

- Này. Làm gãy cả cây đào của người ta lại định bỏ đi sao?

Sững lại. Lão hoa mắt. Giời đất ơi! Cây đào mới đẹp làm sao. Cả đời lão sống bằng này tuổi đầu, chưa bao giờ được thấy cây đào đẹp đến thế. Nếu có nó được một lần, lão chết cũng còn sướng. Cây đào có cả thế trực thế hoành, có cành chiếu thủy, ngũ long chầu nguyệt. Tuyệt. Lão nhìn kỹ. Một nhánh đào nhỏ, gãy lủng lẳng mắc trên cành. Cái nhánh nhỏ có dăm ba nụ hoa nhỏ bằng đầu tăm. Lão biết nói gì đây. Cách tốt nhất là ngậm miệng. Các cụ xưa vẫn dạy: Ngậm miệng ăn tiền mà.

- Có tiền đền không? Không có hả?

Lão lấy đâu ra tiền để đền cây đào giá trị bằng cả cơ ngơi nhà lão. Có giết lão cũng chịu. Cành đào lão mua được đây cũng ngốn của lão ba bốn tạ thóc chứ có ít ỏi gì.

Thấy lão vẫn im lặng, một người đi từ trong sân của ngôi nhà mà theo lão đoán là của người có cây đào mà lão vừa làm gãy cái nhánh nhỏ. Người đó cười cười, nhỏ nhẹ.

- Không tiền thì để cành đào của lão lại.

Lão phải để cành đào lại. Lão có nghe nhầm không? Để có được nó, suốt một năm qua lão đã phải bán mặt cho đất, bán lưng cho giời, mồ hôi vắt ra thành nước, nhịn cả chén rượu tối tối giãn lưng giãn cốt. Mụ vợ lão, nước mắt ngắn nước mắt dài khi lão bắt phải mang mấy tạ thóc đi bán. Giá bán thóc còn bị bọn buôn bắt chẹt bằng một nửa giá ngày thường. Đứa con lão chấp nhận năm nay vẫn mặc bộ quần áo cũ, Tết không mua sắm mới.

Vẫn cái giọng nhỏ nhẹ nhưng tiếng rít gió từ trong vòm họng thì sắc như cật nứa xát vào nhau.

- Có đền không hả?

Tay người đó đưa về sau như muốn rút cái gì. Lão đã nghe nói dạo này trên thành phố hay xử nhau bằng đao búa lắm. Hai người đi xe máy va quệt nhẹ mà cũng rút ngay dao ra đâm nhau chết. Có người bán hàng rong, nghe khách gọi, gánh vội chạy sang, dây quang lỡ chạm vào áo cô gái ngồi sau xe máy. Ấy thế là, cậu thanh niên dựng xe, túm tóc đánh người bán hàng rong đến đi viện. Lão nghe nhiều chuyện đến ù tai, da sởn gai ốc.

- Có đền không hả?

Tiếng hỏi lần này có cả âm khí của xác chết.

Lão đặt vội cành đào đang vác trên vai nhẹ nhàng xuống vỉa hè. Cứ thế lão bước lùi, bước lùi xa dần, xa dần cành đào. Lão lùi đến khi, lưng lão chạm cái vật rắn, sù sì. Giật mình, lão tưởng có người chặn phía sau. Quay lại. Thì ra là cái gốc cây. Toát mồ hôi hột. Giơ tay quệt ngang mặt, lão chạy. Lão chạy như ngày còn bé qua cánh mả bị ma đuổi.

- Tuyệt vời. Nhánh đào gẫy gắn hờ vào thế mà được cả cành đào vài ba trăm. Em chịu anh.

- Chuyện vặt. Các chú còn phải học anh nhiều. Mà chú diễn cũng giỏi lắm. Nào vào nhà làm ly rồi mang cành đào ra chợ. Ta lại bán.

Lão cứ chạy. Lão chạy mà không biết chạy đi đâu. Hình như có tiếng chân của ai luỵch uỵch phía sau. Lão cứ chạy như thế cho đến khi lão mệt quá, vớ được cái gốc cây, lão ngồi bệt xuống.

- Ông chạy đi đâu mà khiếp thế? Làm tôi đuổi theo mệt bở cả hơi tai.

Lão Sướng đưa mắt nhìn. Cái ông trung niên bán hoa cho lão hồi nãy. Mà sao cái ông này lại chạy theo lão thế không biết. Không lẽ ông ta cũng chạy theo đòi lại cành đào?

- Thế ông chạy theo tôi có việc gì?

- Cành đào của ông bị chúng nó lấy mất rồi đúng không?

- Sao ông biết?

- Tôi thấy ông chạy, lại không thấy có cành đào tôi vừa bán nên tôi đoán thế. Tôi chạy theo để bảo ông. Thôi đừng chạy nữa, vào nhà tôi. Tôi cắt cho cành đào khác mà đem về chơi Tết.

- Thế mà tôi cứ nghĩ chúng nó vẫn còn đuổi phía sau. Sao ông không nói sớm để tôi không phải chạy?

- Thì ông cũng có đứng lại nghe tôi nói đâu. Làm tôi chạy theo cũng mệt đứt hơi đây này. Nào, đứng lên, đi về nhà tôi cắt cho cành khác.

Người bán hoa cúi xuống, nắm tay, kéo lão đứng lên. Bóng hai người dìu nhau đi giữa những sắc hoa loang loáng trong phố chợ.

Truyện ngắn của Lù Pò Khương

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/lao-suong/