Lão ông miền Tây ăn chay nuôi chục tấn cá sông như... thú cưng

Ở TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang có người đàn ông bỗng nhiên bỏ công sức ra dụ cá vào đống chà để… xem chơi. Không ngờ cá thiên nhiên kéo đến cả đàn, rồi thân thiện với chủ như thú cưng.

Ông Cường đang cho cá ăn như chơi với thú cưng. Ảnh: Thanh Vĩnh

Mấy ngày gần đây, người dân sống quanh vùng TP.Châu Đốc, tỉnh An Giang, từng đoàn tìm đến nhà ông Phạm Văn Cường (64 tuổi, ngụ khóm Vĩnh Chánh 1, P.Vĩnh Nguơn) để chiêm ngưỡng đàn cá kỳ lạ. Cá thiên nhiên, nhưng thân thiện như cá nuôi trong lồng bè. Chưa nơi đâu có được đàn cá ngộ nghĩnh như thế này.

Cưng cá nên cá kéo đến ở cùng

Ông Cường kể, vợ chồng ông có bốn người con. Trước kia, ông làm nghề chở cát đá mướn để san lấp công trình. Nghề này giúp ông nuôi các con ăn học khôn lớn.. Sau khi cảm thấy sức khỏe kém dần, ông lên bờ lập trại cưa để kinh doanh đồ gỗ.

Làm hàng rào đống chà tốn hơn 100 triệu đồng. Ảnh: Thanh Vĩnh

Nghề này cũng thuận nên ông kiếm được bộn tiền, mua hơn 3 héc-ta đất ruộng. Năm 2004, sau khi xây căn nhà rộng, ông chất đống chà (vây tứ phía bằng cọc tre, rồi chất nhánh tre, cành cây ở giữa để cá vào ở) chỗ phần đất còn lại cạnh sông Châu Đốc. Trên bề mặt đống chà, ông cất lên căn nhà cây lá để trưa chiều ra đây hóng gió. Diện tích đống chà rộng chừng 500 m2 mặt nước.

Hàng ngày, ông thảy thức ăn xuống đống chà để nhử cá thiên nhiên vào ngắm, vui thú điền viên. Tuy nhiên, 2 năm đầu cá vào khá ít. Thêm vào đó, đống chà của ông bị dân xuyệt điện bắt lén, nên cá vào chẳng được bao nhiêu.

Ông Cường cho biết, thấy mục đích nhử cá vào ngắm của mình không đạt, ông dám bỏ ra hơn 100 triệu đồng để xây hàng rào quanh đống chà, nhằm bảo vệ đàn cá. Ông mua nào là tre, chà, trụ bằng cây sao đá… để rào chắn. Ngoài ra, toàn bộ dây niềng hàng rào đều bằng sắt, nhằm chống dân bên ngoài đánh bắt cá trong đống chà. Và những năm sau đó, cá kéo đến đống chà của ông ở nhiều dần.

Người dân đến chiêm ngưỡng đàn cá lạ . Ảnh Thanh Vĩnh

Theo ông Cường, hiện ông thấy được trong đống chà chiếm đa phần là cá tra. Còn các loại khác như cá chài, cá thác lác cườm, cá chép, cá chim trắng, mè vinh… cũng đều có mặt. Ước tính đàn cá trong đống chà hiện lên hơn 10 tấn. Bởi khi ông cho ăn, cá tra nổi dày mặt nước. Trong đó, hầu hết cá tra đều đạt trọng lượng 5-7 kg/con. Con nào nhỏ cũng đạt 500 gam.

Khi ông Cường cho đàn cá thiên nhiên trong đống chà ăn, bầy cá nhảy lên giành thức ăn trắng xóa mặt nước, trông rất thú vị. Ông đứng dưới nước, tay vốc thức ăn đưa cho đàn cá. Chúng bơi đến vây lấy ông như người bạn thân. Ông Cường vuốt đầu, bợ mình cá rất dễ dàng và đầy thân mật.

“Tính ra tui nuôi đàn cá này đã 14 năm, nhưng chưa bao giờ tui bắt con cá nào trong đống chà lên làm thịt. Từ khi đi làm từ thiện là tui đã xác định nghỉ làm ăn, về nhà vui thú tuổi già bằng cách ngắm cá. Hàng ngày tui đi làm việc thiện. Trưa chiều về nhà tui ra đống chà ngắm cá làm thú vui. Hai năm đầu khi tui chất đống chà, bị người ta xuyệt điện nên cá ít vào. Mấy năm sau đó, tui rào đống chà chắc chắn thì cá vào nhiều. Tui cưng cá nên cá đến đây ở với tui, vui lắm! Gần đây, người ta mới phát hiện và đến xem đàn cá” - ông Cường chia sẻ.

Trường chay nên… mầu nhiệm?

Anh Phan Thanh Bùi (40 tuổi, ngụ khóm Vĩnh Chánh 2, P.Vĩnh Nguơn, TP.Châu Đốc) cho biết hiện ông Cường làm Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo P.Vĩnh Nguơn. Anh là người làm chung nên biết ông Cường rất rành. Năm 1985 là ông Cường đã ăn chay. Do vậy, ông Cường không ăn thịt, cá.

Năm 1999, các con ông Cường đều làm ăn khấm khá nên họ xuất tiền ra để vợ chồng ông Cường đi làm việc thiện như xây cầu, cất nhà, chuyển bệnh miễn phí… Từ năm 2004, ông Cường nghỉ hẳn việc làm ruộng để làm từ thiện và vui thú điền viên bằng cách ngắm cá thiên nhiên ở đống chà.

Anh Bùi kể, ông Cường bỏ mồi dụ toàn cá thiên nhiên vào, chứ không hề thả con cá nào vào đống chà của mình. Anh cũng hay đến đây xem đàn cá làm thú vui, nên gần đây anh chứng kiến mỗi ngày có 2-3 đoàn người đến tham quan, chiêm ngưỡng đàn cá của ông Cường.

Cá to và mập ú. Ảnh: Thanh Vĩnh

So với cá ngoài sông, anh cảm thấy đàn cá này “có phước”. Bởi chúng được ông Cường cho ăn mỗi ngày và bảo vệ an toàn. Thay vì những con cá sống bên ngoài hàng ngày đối mặt với mối nguy bị đánh bắt bằng xuyệt điện và dần cạn kiệt.

“Chuyện này tui chưa biết phải nói thế nào. Nói là đất lành chim đậu hay nước tốt cá đến? Nhưng phải nhìn thấy một điều là ông Cường có duyên với con cá nên chúng mới đến nhiều như vậy. Điều đặc biệt ở đây tui thấy là cũng có nhiều người chất chà dụ cá, nhưng chẳng ai có được đàn cá nhiều như ông Cường. Giống như có sự mầu nhiệm gì đó. Đàn cá này của ông Cường rất được người dân lẫn cán bộ thích thú. Có người nói ông Cường nuôi cá làm… thú cưng, ngộ thiệt” - anh Bùi tâm sự.

Dớn giăng đầy nhưng cá chỉ ở đống chà. Ảnh: Thanh Vĩnh

Ông Cường cho biết thêm, do đàn cá ông dụ được vào đống chà hiện nay quá nhiều nên ông chỉ cho chúng ăn cầm chừng. Ông thì làm việc thiện, từ nguồn tiền đóng góp của các con. Bản thân vợ chồng ông không còn làm ra tiền. Do vậy, hiện mỗi ngày ông chỉ cho cá ăn 1 bao thức ăn loại 25 kg/bao, tiêu tốn 280.000 đồng. Thay vì cá nuôi thông thường phải cho ăn 5-7 bao mới đủ.

Ba năm nay, cá thiên nhiên vào ở trong đống chà của ông tăng đột biến. Sở dĩ ông biết được cá vào thêm là nhờ ông rất rành đàn cá mình nuôi dưỡng. Cá đến ở trước thì đã lớn và đuôi ngắn. Còn cá mới vào ở thì ốm, nhỏ và đuôi dài hơn. Bởi sống bên ngoài môi trường tự nhiên chúng bị thiếu thức ăn, còn bị đánh bắt.

Mặc dù lượng cá vào chà ngày một dày và thức ăn vẫn duy trì ở mức 1 bao/ngày, nhưng đàn cá trong đống chà của ông Cường nhìn thấy được con nào cũng mập ú. Ông Cường giải thích, sở dĩ cá mập được là nhờ ăn thêm rong bèo, côn trùng bám ở rễ và ngọn của đám lục bình dày đặc trong đống chà.

Mấy ngày gần đây, thấy nhiều người hiếu kỳ đến xem đàn cá thiên nhiên kỳ thú này, thì có người đã mở lời rủ ông khai thác du lịch. Họ cho rằng, đống chà của ông mà mở điểm tham quan thì… khỏi chê. Tuy nhiên ông Cường đã từ chối lời mời này.

Ông Cường hóng gió trên đống chà. Ảnh: Thanh Vĩnh

“Tôi thấy một điều hết sức đặc biệt là giống như đàn cá hiểu được lòng người nên kéo đến đống chà này ngày càng đông. Với tôi thì cá rất thân thiện. Chung quanh đống chà của tôi có nhiều người đặt dớn nhưng chưa thấy con cá nào trong đống chà chạy dớn. Chúng rất khôn và như biết được đống chà của tôi là nơi trú ẩn an toàn” - ông Cường thổ lộ.

Anh Phan Thanh Bùi (ngụ khóm Vĩnh Chánh 2, P.Vĩnh Nguơn) bộc bạch: “Mục đích chính của ông Cường là nhử cá vào để ngắm chứ đâu bắt ăn thịt hay kinh doanh, nhưng lại sẵn sàng tốn kém. Do đó, đây là việc làm rất tốt, nhằm kêu gọi ý thức bảo vệ nguồn cá thiên nhiên. Chứ mỗi năm con ổng bỏ tiền túi ra hơn 300 triệu đồng đi cứu trợ trong tỉnh và tận các tỉnh miền Trung, thì đâu cần tiền mà khai thác du lịch. Tôi ngưỡng mộ ổng về việc làm đầy tính nhân đạo này”.

Thanh Vĩnh

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/phong-su-ky-su-c-96/lao-ong-mien-tay-an-chay-nuoi-chuc-tan-ca-song-nhu-thu-cung-99292.html