Lão nông 'tiếp lửa' tuyên truyền bằng dân ca

Đến xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, hỏi ông Thôi 'dân ca' thì ai cũng biết và sẵn lòng chỉ đường đến nhà ông. Ông đón chúng tôi theo cách riêng của mình và cũng rất ấn tượng bằng vài câu dân ca hò vè do ông ngẫu hứng sáng tác: 'Chú ơi quê chú ở đâu/Đến đây chú có nhu cầu gì không?/Tôi đây vui vẻ sẵn lòng/Giúp chú thỏa nguyện ước mong của mình'... Ông là lão nông dân Nguyễn Đình Thôi, năm nay đã ngoài 75 tuổi, hiện sinh sống tại xóm Dưới, tổ dân cư số 3, thôn Tịch Tây, xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành.

Lão nông Nguyễn Đình Thôi viết kịch bản dân ca. Ảnh: Lâm Đăng Khoa

Lão nông Nguyễn Đình Thôi viết kịch bản dân ca. Ảnh: Lâm Đăng Khoa

Ngồi nhâm nhi nước chè, tán chuyện với ông, tôi mới hiểu, dân ca hò vè đã ngấm vào máu thịt ông từ rất lâu rồi. Ông kể, ông vốn yêu thích và đam mê dân ca, hò vè từ nhỏ. Những làn điệu dân ca thấm vào tâm hồn ông từ điệu hát của bà, của mẹ. Lớn lên, khi các bạn cùng làng mê trò chạy chơi đuổi bắt thì ông lại đắm mình trong những câu hò, điệu lý. Mỗi khi làng có gánh hát thì thể nào ông cũng trốn cha, trốn mẹ xem cho bằng được... Nhưng rồi chiến tranh, loạn lạc, li tán, ông đành gác lại niềm đam mê của mình. Sau ngày quê hương được hoàn toàn giải phóng, cuộc sống của người dân còn khó khăn, người ta nghĩ nhiều đến cái ăn, cái mặc hằng ngày hơn là chú tâm phục hồi, sưu tầm những làn điệu dân ca, hò vè... Trăn trở trước nguy cơ mai một của những làn điệu dân ca, hò vè, đồng thời để thỏa niềm đam mê thuở trước, ông đã cất công sưu tầm, tập hợp những làn điệu dân ca, câu hò, điệu lý trong nhân dân và lưu giữ một cách cẩn thận.

Để gìn giữ và phổ biến rộng rãi trong nhân dân, ông Thôi đã cải biên các làn điệu dân ca, hò vè thành những kịch bản sân khấu hóa hoặc lồng ghép vào một số tiết mục văn nghệ để biểu diễn ở thôn, ở xã. Cách làm của ông đem lại hiệu quả rất tích cực, nhân dân rất “khoái” và hồ hởi tiếp nhận những vở kịch do ông viết kịch bản.

Dần dần, tiếng lành đồn xa, ông liên tiếp nhận được nhiều “đơn đặt hàng” của thôn, của các đoàn thể xã Tam Nghĩa như Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ... để phục vụ cho mục đích tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Những lời ca, điệu hát, làn điệu dân ca, hò vè được ông Thôi cải biên và lồng ghép một cách tài tình vào các kịch bản, các hoạt cảnh để tuyên truyền về chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa của khu dân cư, an toàn giao thông... Hay thể hiện niềm tự hào và tình yêu quê hương, đất nước; phản ánh những mặt tiêu cực của cuộc sống thường nhật trong quan hệ hàng xóm láng giềng, trong đời sống gia đình, phê phán những thói hư tật xấu, tệ nạn xã hội, hay biểu dương những việc làm tốt của bà con lối xóm...

Kịch bản dân ca do ông cải biên, dàn dựng rất phong phú và thường đề cập thẳng đến vấn đề “nóng” cần tuyên truyền, phổ biến ở ngay tiêu đề như các kịch bản: “Tiêu chí đầu tiên” (trong xây dựng nông thôn mới), “Về thăm quê nhà”, “Chỉ tại cây xoài”, “Phòng chống ma túy”, “Dân số - Kế hoạch hóa gia đình”, “Bảo vệ môi trường”... Ông cũng đã nhiều lần viết kịch bản cho đội văn nghệ không chuyên của xã Tam Nghĩa, thậm chí cả xã lân cận như Tam Giang để tham dự các liên hoan, hội diễn cấp huyện do ngành văn hóa tổ chức.

Những lời ca, làn điệu do ông Thôi cải biên rất bình dị, dân dã, dễ nhớ, dễ thuộc và phản ánh một cách chân thực, sinh động cuộc sống thường ngày nên rất được nhân dân trong vùng yêu thích và được lưu truyền rộng rãi. Các làn điệu ông Thôi thường sử dụng để viết thành kịch bản và được thực hành rộng rãi trong nhân dân như: Lý ba miền, lô tô, xuân nữ, hò khoan, đối đáp, nói lối, dân ca khu V, dân ca Nam bộ... Ông nói, chính vì tính bình dân, đại chúng nên diễn viên trong các vở diễn của ông cũng rất dân dã, toàn “cây nhà lá vườn”, cả ngày đi làm ruộng, tối về tập tành dăm ba bữa là có thể lên sân khấu diễn ngon lành. Cũng có khi thiếu người nên ông đành “ôm” một vai, vừa viết kịch bản, vừa làm diễn viên kiêm luôn vai trò đạo diễn.

Ông tự hào giới thiệu cho tôi những hình ảnh, giấy khen, giấy chứng nhận treo đầy trên tường. Ông nói, mỗi bức ảnh gắn liền với một kịch bản do ông đầu tư viết và dàn dựng. Tôi cũng nhận thấy hình ảnh của ông trong các bức ảnh, khi thì là một bác nông dân, khi là một ông hàng xóm tốt bụng, khi là bác trưởng thôn vui tính... Ông bảo, không gì thú vị hơn khi chính bản thân mình trải nghiệm những vai diễn do chính mình xây dựng. Bởi vậy, khi diễn, ông sống cùng với tâm trạng của nhân vật và những làn điệu dân ca mượt từ trong tâm thức được ông cất lên rất “ngọt” và thường được đông đảo người xem vỗ tay tán thưởng. Bên cạnh đó, những đóng góp của ông bằng việc đưa dân ca, hò vè lồng ghép vào các kịch bản tuyên truyền đã được các cấp chính quyền ghi nhận. Bằng chứng là ông đã nhận được rất nhiều giấy chứng nhận, giấy khen của địa phương và của ngành văn hóa huyện Núi Thành...

Hằng ngày, sau những lúc nông nhàn, ông Thôi vẫn thường xuyên thực hành, luyện tập dân ca, hò vè và truyền dạy niềm đam mê cho lớp trẻ thông qua những kịch bản mà ông cải biên. Việc ông sưu tầm, tập hợp, gìn giữ và phát huy giá trị của các làn điệu dân ca, hò vè đã phần nào góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân quê ông, qua đó, giá trị của di sản văn hóa phi vật thể này được phổ biến, lưu truyền và gìn giữ. Đồng thời, với việc lồng ghép, truyền tải nội dung tuyên truyền qua dân ca, hò vè, đã đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước... đến với mọi đối tượng, mọi lứa tuổi; tạo tinh thần lạc quan, yêu đời, hăng say lao động, xây dựng xóm làng văn minh, đoàn kết, tương thân tương ái... tạo nét đẹp cho một vùng quê thanh bình.

Lâm Đăng Khoa

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/lao-nong-tiep-lua-tuyen-truyen-bang-dan-ca-post433434.html