Lão nông dành nửa đời người sưu tầm ảnh, làm phòng lưu niệm Bác Hồ

Ông Trần Văn Cao (xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) dành hơn nửa thời gian cuộc đời của mình để lưu giữ, sưu tầm hàng trăm bức ảnh về Bác Hồ. Không chỉ là không gian lưu giữ hình ảnh về Bác, đây còn là không gian để giáo dục nhiều thế hệ về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh qua từng câu chuyện lịch sử giản dị của Bác.

Hà Nội có nhiều "địa chỉ đỏ" gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh như nhà số 48 Hàng Ngang, nhà lưu niệm Bác tại Vạn Phúc, Hà Đông hay đồi thông K9 Ba Vì.

Hà Nội có nhiều "địa chỉ đỏ" gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh như nhà số 48 Hàng Ngang, nhà lưu niệm Bác tại Vạn Phúc, Hà Đông hay đồi thông K9 Ba Vì.

Cách Hà Nội hơn 20km, có một căn phòng nhỏ đang lưu giữ hơn 300 bức ảnh về Bác ít được mọi người biết đến có tên “Phòng lưu niệm ảnh Bác Hồ” của lão nông Trần Văn Cao (85 tuổi, thôn Đại Phẩm, xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ).

Chia sẻ về căn phòng lưu niệm Bác Hồ, ông Trần Văn Cao cho biết, từ khi còn nhỏ, ông đã thấy những hình ảnh này trong nhà. Hàng chục năm trôi qua, ông vẫn lưu giữ đó như một kỷ vật của thế hệ đi trước.

"Sau khi về hưu, tôi trở về làm ruộng, làm nông dân. Có những lúc trong cuộc sống cảm thấy vất vả, tôi lại nghĩ đến Bác, nghĩ đến những gì Bác đã trải qua, khó khăn như nào Bác cũng vượt qua để giải phóng đất nước, vậy thì khó khăn của mình có đáng là gì. Vì thế, đi đâu, làm gì tôi cũng để ý xem nơi nào có ảnh về Bác. Nếu có, tôi cố gắng sưu tầm, xin hoặc nếu không được thì tôi chụp lại bức ảnh đó của Bác Hồ" - ông Cao chia sẻ.

Những bức kí họa tranh bút chì về Bác Hồ do ông Cao thực hiện trong lúc rảnh rỗi được đóng khung nhôm kính treo trên trong phòng lưu niệm.

Toàn bộ 300 bức ảnh về Bác được ông Cao đóng khung, treo leo tường một cách tỉ mỉ. Hình ảnh trong “Phòng lưu niệm Bác Hồ” chia làm 3 phần.

Phần một là giai đoạn cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX khi thực dân Pháp xâm lược. Phần này, ông Cao có nhiều hình ảnh về những năm 1930, Bác thành lập Đảng; năm 1941, chiến tranh thế giới diễn ra, Bác về Việt Bắc xây dựng Đảng, lãnh đạo cách mạng toàn quốc kháng chiến.

Phần hai, hình ảnh tập trung vào nội dung miền Bắc độc lập tự do; Bác Hồ lãnh đạo cuộc chiến tranh 20 năm đánh Mỹ.

Phần ba, nhiều hình ảnh minh họa về việc cả nước học tập, làm theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Mỗi một bức ảnh là một câu chuyện riêng. Có những bức ảnh tự ông sưu tầm, có những bức ông phải đi đến tận nơi để xin hoặc chụp lại.

Hơn 300 bức ảnh này là tâm huyết gần như chiếm hết thời gian nửa cuộc đời của lão nông dân Trần Văn Cao.

Từng tấm ảnh được ông nâng niu, giữ gìn như một kỉ vật quý giá.

Ông Nguyễn Trung Phồn (80 tuổi, xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ) cho biết: "Tôi là người cùng thế hệ với ông Cao, anh em chơi thân với nhau từ khi còn là những đứa trẻ 10 tuổi. Kể từ khi bắt đầu thực hiện ý định về căn phòng lưu niệm Bác Hồ, ông Cao cũng thường chia sẻ với tôi. Mất nhiều thời gian và công sức, ông Cao mới hoàn thành công trình ý nghĩa này. Cá nhân tôi đánh giá đây là việc làm tốt, góp phần giáo dục con cháu, các lớp thế hệ trẻ thêm yêu lịch sử nước nhà, học tập làm theo tấm gương của Bác Hồ"

Trong phòng lưu niệm về Bác Hồ, ngoài 300 bức ảnh về Bác, ông Cao còn lưu giữ một cuốn sổ được ông đặt tựa đề: “Sử Ca - câu chuyện lịch sử Việt Nam - Đảng, Bác Hồ và Cách mạng Việt Nam”. Cuốn “Sử Ca” lưu giữ 1.456 câu thơ lục bát viết về Bác do ông thực hiện trong hơn 10 năm.

“Tôi làm căn phòng này trước là vì tâm niệm của bản thân nhưng sau đó cũng muốn để lại cho con cháu về sau. Bên cạnh đó, tôi muốn nhiều người học tập, noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh” - ông Cao bộc bạch.

Khánh Huy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/lao-nong-danh-nua-doi-nguoi-suu-tam-anh-lam-phong-luu-niem-bac-ho-193104.html