Lão nông 74 tuổi ấp ủ lấy bằng tiến sĩ

Vào năm 2017, lão nông Lương Tuyển (SN 1947, ở thôn Tân Quang, xã Ninh Quang, TX. Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) tốt nghiệp Thạc sĩ Luật Dân sự trường Đại học Luật TPHCM khi đã bước sang tuổi 70. Đến nay, ông vẫn ấp ủ ước mơ học lên Tiến sĩ dù đã 74 tuổi.

Thạc sĩ lớn tuổi nhất trường

Khi chúng tôi ghé nhà ông Lương Tuyển, ấn tượng đầu tiên chính là gian phòng khách nhỏ trưng bày nhiều giấy khen và bằng cấp. Hai tấm bằng cử nhân và một bằng thạc sĩ được ông bỏ vào khung ảnh treo ở vị trí cao nhất trên tường nhà. Bên góc phòng, ông đặt một tủ gỗ, bên trong là nhiều tài liệu, giáo trình có tuổi đời mấy mươi năm được sắp xếp và giữ gìn cẩn thận.

Ông Tuyển mồ côi mẹ lúc 5 tuổi, bố cũng mất khi ông lên 10. Từ đó, ông sống cùng ông bà ngoại, chỉ được học hết lớp 5 vì gia cảnh ông ngoại khó khăn.

Từ quân ngũ trở về sau năm 1975, ông cưới vợ và chuyển lên vùng kinh tế mới thôn Tân Quang (xã Ninh Quang, TX. Ninh Hòa) lập nghiệp. Cuộc sống nơi đây lúc bấy giờ rất khó khăn, nhưng niềm mơ ước được học hành đầy đủ vẫn cứ âm ỉ trong lòng chàng trai cựu chiến binh.

Nghĩ là làm, năm 28 tuổi khi các cán bộ trong thôn, xã đi học bổ túc văn hóa, ông cũng xin đi học bổ túc lớp 10. Ngày đi làm, đêm đi học, mỗi tối ông phải đi bộ hơn 10km đến lớp và khi về nhà cũng đã quá nửa đêm.

“Những người đi học khi ấy đa phần là người có chức vụ, học để bổ túc văn hóa. May mắn có một số cán bộ thấy cực quá không học nổi tôi mới xin vào học được. Lúc đó tôi còn trai trẻ, lại ‘thèm’ được học lắm nên xa xôi, khó nhọc bao nhiêu tôi cũng chịu được”, ông Tuyển kể lại.

Sau nhiều năm đèn sách, ông Tuyển đã có được 2 bằng cử nhân và 1 bằng thạc sĩ

Sau nhiều năm đèn sách, ông Tuyển đã có được 2 bằng cử nhân và 1 bằng thạc sĩ

Tốt nghiệp THPT năm 1988 khi đã 35 tuổi, nhưng ông Tuyển vẫn quyết định đi học chăn nuôi thú y tại trường Trung cấp Nông nghiệp Phú Yên. Ra trường, ông được bầu làm Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp Ninh Quang 1 (gồm 4 thôn) hướng dẫn người dân khai hoang, áp dụng khoa học kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi.

Cuộc sống nhờ vậy mà khấm khá, có của ăn của để. Nhưng việc đồng áng, làm ăn kinh tế ngày càng đòi hỏi kiến thức cao hơn nên ông đăng ký học ngành Quản trị kinh doanh - trường Đại học Mở bán công TPHCM khi đã 50 tuổi. Vừa học vừa làm đến năm 54 tuổi, ông Tuyển lấy bằng cử nhân chuyên ngành Quản trị kinh doanh.

Ông Nguyễn San - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Quang, cho biết: “Nhờ có vốn kiến thức sâu rộng, ông Tuyển đã hướng dẫn bà con áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp và thường xuyên tư vấn hỗ trợ, giải đáp thắc mắc trong việc phát triển kinh tế địa phương”.

Sau đó ít năm, ông Tuyển tiếp tục đăng ký học cử nhân Luật văn bằng 2 tại trường Đại học Luật TPHCM. Thời gian này ông phải vào TPHCM để học, chuyện làm ăn ở nhà thì ông hướng dẫn vợ và các con từ xa.

Tốt nghiệp cử nhân Luật khi đã 63 tuổi, nhưng ông vẫn tiếp tục theo học Thạc sĩ Luật Dân sự trường Đại học Luật TPHCM.

Trời không phụ lòng người, một ông lão dù 70 tuổi đã lấy bằng Thạc sĩ Luật chính quy khiến cả trường Đại học Luật TPHCM khi ấy thán phục. Ngày tốt nghiệp năm 2017, đích thân hiệu trưởng nhà trường đến tôn vinh, tổ chức lễ cho ông Tuyển để ghi nhận học viên lớn tuổi nhất trường lấy bằng thạc sĩ.

Bà Trần Thị Sương luôn là hậu phương vững chắc, quán xuyến công việc nhà giúp chồng yên tâm học hành

Hậu phương vững chắc

Khi ông Tuyển đi học, 4 người con trai của ông cũng lần lượt vào tiểu học và phổ thông. Tuy gia đình còn khó khăn, nhưng vợ ông là bà Trần Thị Sương vẫn luôn ủng hộ chồng đi học. Công việc đồng áng do một tay bà quán xuyến, ông Tuyển hướng dẫn từ xa. Vừa lo cho con cái, vừa lo kinh phí cho chồng đi học, nhiều lúc trong nhà không còn tiền nhưng bà chưa bao giờ than vãn nửa câu. Chính điều đó là nguồn động lực to lớn để ông Tuyển chinh phục giấc mơ học hành của mình.

“Mê học lắm, tôi cảm thấy lúc nào cũng thiếu kiến thức nên cứ đào sâu nghiên cứu. Khi thi tuyển vào thạc sĩ cũng khó khăn lắm, nhiều người rớt nhưng số phận cho tôi đậu. Người ta học 2 năm, nhưng tôi phải 3 năm vì nhiều chứng chỉ khó so với tuổi già của tôi”, ông Tuyển chia sẻ.

Đi học khi tuổi đã cao có nhiều bất lợi, nhưng may mắn của ông Tuyển được học với những người trẻ năng động và sáng tạo. Trong môi trường đó, ông thấy mình trẻ ra khi được nhiều sinh viên trẻ tận tình giúp đỡ trong việc học cũng như hướng dẫn ông tiếp cận với công nghệ. Nhiều lúc ông cũng chạnh lòng vì có tuổi rồi nên làm gì cũng chậm, thi lại nhiều lần cũng có lúc làm ông nản chí.

“Có lần làm luận án tốt nghiệp rất căng thẳng, một người bạn lớn tuổi cùng lớp bỏ ngang làm ông cũng nản chí. Nhưng ông bảo ông nghĩ tới gia đình luôn ủng hộ nên không thể bỏ được. Rồi mấy tháng sau chồng tôi đem tấm bằng thạc sĩ về, lúc đó tôi mừng hết sức”, bà Sương nói.

Nhờ có hậu phương vững chắc, ông vừa học vừa vận dụng được những kiến thức đó áp dụng vào thực tế và hướng dẫn vợ con làm kinh tế từ xa. Đến nay, vợ chồng ông có được một cơ ngơi khá giả với diện 4ha đất trồng cây ăn quả và cây lâu năm, 2ha đất trồng lúa với thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm.

Hiện ông Tuyển đang làm Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp 2 Ninh Quang. Đời sống gia đình đã ổn định, nhưng ông vẫn ấp ủ ước mơ có được tấm bằng tiến sĩ. Ngày đi làm, đêm ông Tuyển vẫn tự học tiếng Anh để theo đuổi ước mơ đó.

Công Hoan-Thục Hiền

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/lao-nong-74-tuoi-ap-u-lay-bang-tien-si-post1411647.tpo