Lão nhà văn Vân Thảo: Vẫn miệt mài gieo chữ

Chuyện bắt đầu từ năm 2010, nhà văn Vân Thảo trình làng tiểu thuyết 'Bí thư Tỉnh ủy' đồng thời với bộ phim truyền hình cùng tên dài 50 tập do ông viết kịch bản được NSƯT Quốc Trọng làm đạo diễn chính thức lên sóng Đài Truyền hình Việt Nam.

“Vậy cụ lấy đâu ra “nguồn cảm hứng” và “sức lực” để vừa viết tiểu thuyết vừa viết kịch bản phim khi đã ở tuổi 74?”. Tôi hỏi nhà văn Vân Thảo như vậy sau khi ông cạn xong chén rượu (nhà văn Vân Thảo có thói quen uống xong 3 chén rượu nhỏ rồi mới thong dong ăn bát cơm).

Nhà văn Vân Thảo nheo nheo mắt, cười hom hóm rồi kể. Thì ra hồi cuối năm 1966, anh trợ lý Phòng Văn nghệ Quân đội tên là Vân Thảo được dự hội nghị học tập nghị quyết, trong hội nghị ấy anh được nghe phổ biến là hiện nay có một đồng chí là lãnh đạo cao nhất ở một tỉnh trung du đang có “hành động đi trái lại con đường tập thể hóa xã hội chủ nghĩa của Đảng. Đưa nông dân trở về con đường làm ăn riêng lẻ của chủ nghĩa tư bản”. Nghe phổ biến vậy, anh sĩ quan trẻ chẳng biểu lộ thái độ “phê phán” mà lại suy nghĩ rất lâu. Anh nghĩ rằng “Mình phải viết một cái gì đó về nhân vật “kỳ lạ” này”.

Nhà văn Vân Thảo.

Quê gốc ở huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị nhưng lại được sinh ra ngay trong Thành cổ nên từ nhỏ cậu bé Phạm Vân Thảo đã quen với “quân phục quân trang”. Cha ông là sĩ quan quân đội Pháp, tháng 8 năm 1945 ông cụ dẫn quân của mình tham gia cướp chính quyền cùng nhân dân vùng Hướng Hóa miền Tây Quảng Trị.

Rồi ông cụ trở thành Đại đội trưởng Vệ quốc đoàn chiến đấu mấy năm nơi chiến trường “Bình Trị Thiên khói lửa” và hy sinh năm 1949. Chắc vì những điều đó mà năm 1952, khi mới 16 tuổi, Vân Thảo trốn nhà lên Chiến khu Ba Lòng đi bộ đội. Từ ngày tập kết và sống trên đất Bắc, anh bộ đội Vân Thảo “bén duyên” với văn nghệ.

Đầu tiên là anh trở thành diễn viên thanh nhạc của Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị vào năm 1957. Nhà văn Vân Thảo nói vui: “Đó là lần đầu tiên mình tới Thủ đô”. Nghiệp “ca sĩ” những tưởng sẽ theo mãi, nhưng rồi 7 năm sau, “bỗng một ngày đẹp giời” anh “lính hát” Vân Thảo được mời tham gia viết kịch bản, viết lời và chính anh trực tiếp hát những lời ca của mình trong bộ phim nhạc vũ kịch “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh”. Hình như từ đây, nghiệp đàn ca sáo nhị của Vân Thảo có sự dần “chuyển” sang nghiệp văn chương chữ nghĩa.

Nhà văn Vân Thảo kể: Sau hai lần đi chiến trường (1967 – 1968 vào Trị Thiên Huế và 1970 – 1971 vào tới Quảng Nam) thì ông được biệt phái rồi sang hẳn làm trợ lý văn nghệ của Bộ Tư lệnh Đặc công. Chính tại đây, năm 1974, truyện ngắn “Con chim trắng” ra đời, đó là tác phẩm văn xuôi đầu tay của ông, mở ra giai đoạn sáng tác văn học của một nhà văn sau này.

Tiếp đó là cuốn tiểu thuyết “Những người báo bão” viết năm 1975, được in năm 1983 với số lượng “có nằm mơ cũng không dám nghĩ”, nó được phát hành với 130.000 bản. Và tiểu thuyết thứ 2 là “Đêm màu tím” được in năm 1987 cũng với số lượng “nằm mơ” là 132.000 bản. “Cực khủng - Tôi thốt lên - Thảo nào em nghe trẻ con nó đồn “Bí thư Tỉnh ủy” nhuận bút cả tiểu thuyết (được in 3 lần với 7.000 bản) lẫn kịch bản phim, “cụ” nhận tới vài trăm triệu. Đấy là em còn chưa tính tiền giải thưởng “Cánh diều vàng” dành cho tác giả kịch bản”. Nhà văn Vân Thảo lại nheo mắt cười không giấu giếm: “Mình không có mã số thuế nên họ thu thuế thu nhập 60 triệu”.

Những năm làm trợ lý văn nghệ Binh chủng Đặc công là những năm Vân Thảo không những viết hăng say mà làm việc cũng rất hăng hái. Ông đề xuất với cấp trên và là người trực tiếp tổ chức các trại viết, mở các lớp sáng tác văn học cho cán bộ, chiến sĩ trong binh chủng nhằm khuếch trương tinh thần bộ đội, tạo không khí vui tươi phấn chấn cho anh em sau những ngày tháng huấn luyện chiến đấu vất vả.

Qua đó đã phát hiện ra “anh lính chiếu bóng” Hứa Vĩnh Sước và anh lính mới Lê Quang Vinh. Hai anh lính trẻ này làm thơ “hay đáo để” nên ông trợ lý văn nghệ binh chủng hết lòng khích lệ. Hứa Vĩnh Sước sau đi học Khóa 2 Trường Viết văn Nguyễn Du và trở thành nhà thơ Y Phương nổi tiếng. Còn Lê Quang Vinh khi học xong Khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội cũng thành nhà thơ Vĩnh Quang Lê nổi danh trong làng văn.

“Cụ là cụ rất mát tay làm bà đỡ cho những tác giả trẻ đấy” - Tôi nói vậy khi vừa bước vào phòng ông để tặng ông cuốn tiểu thuyết “Chim sẻ ri trên đồng nước” của tôi do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân mới in. Nhà văn Vân Thảo ngừng tay gõ máy tính, ông nghiêng đầu, nheo nheo mắt, cười hom hóm chừng như có ý bảo chờ mình tí chút, mình đang dở tay. Kinh, ngoài tám mươi rồi (chính xác là ông đã 82 tuổi) mà ngồi ngày này qua ngày khác gõ máy tính cứ gọi là “cách cách”.

Ông gõ cho bằng xong tác phẩm mới “giải lao” dăm bữa nửa tháng rồi lại ngồi gõ tiếp. Từ khi được nghỉ hưu năm 1989 thì hình như ông Trung tá trợ lý văn nghệ, nhà văn Vân Thảo mới “được đà” viết bền. Chẳng thấy ông phàn nàn mỏi lưng hay nghe ông kêu ca mỏi mắt gì cả. Chẳng khác gì những nhà văn trẻ, mọi trang viết hoàn chỉnh, mọi bản thảo phang phác ông đều làm ngay trên máy tính. Mà làm rất “ngon lành” nữa.

Nhà văn Vân Thảo viết văn đã lâu nhưng ông viết chắc chắn và viết những điều ông ấp ủ kỹ càng nên có cảm giác chầm chậm. Đấy, như “Bí thư Tỉnh ủy” đấy, chuyện biết từ năm 1966 mà mãi năm 2010 mới “sinh hạ”. Đấy, viết văn gần nửa thế kỷ mà chỉ “khiêm nhường” với chưa đầy 10 đầu sách.

Trong nghiệp của mình, nhà văn Vân Thảo đã có những bước “chuyển” mà mỗi bước chuyển là mỗi bước nhận được những đánh giá tích cực. Đầu tiên như đã nói là “chuyển” từ văn nghệ sang văn chương. Rồi đề tài sáng tác nữa, ban đầu ông viết về những người chiến sĩ đặc công, chiến sĩ biệt động chiến đấu mưu trí sang đề tài viết về nông nghiệp nông thôn.

Đến dự trại sáng tác Đại Lải lần này, nhà văn Vân Thảo dự định sẽ hoàn thành tiểu thuyết “Gối đầu lên sóng”, cuốn tiểu thuyết thứ 7 của ông. Nhà văn Vân Thảo “bật mí” cho tôi biết “Gối lên đầu sóng” ông viết về một người từ bàn tay trắng nhờ ham học hỏi, nhờ phấn đấu bền bỉ mà trở thành một người thành đạt. “Ôi trời - Tôi ngạc nhiên - Cụ bắt đầu chuyển sang đề tài doanh nghiệp doanh nhân”.

Nhà văn Vân Thảo cười hom hóm, ông hay cười như vậy mỗi khi nghe mọi người kể chuyện vui vui bên bàn trà, ông chăm chú lắng nghe, thi thoảng lắm mới góp đôi ba câu. Còn lại ông chỉ cười hom hóm làm người kể chuyện thấy yên tâm. Chẳng thấy ông “nhẩy vào” góp chuyện hay “ào ào” tranh luận. Từ tốn, thân thiện và chậm rãi y như cách ông viết văn vậy.

“Nhưng cụ lại có duyên với phim truyền hình. Đặc biệt là hợp với phim có đề tài nông thôn nông nghiệp” - Nghe tôi nói vậy nhà văn Vân Thảo cũng không trả lời. Mà trả lời sao nhỉ? Nói “ừ” thì sợ người ta nói mình không khiêm tốn. Mà nói “no” thì e người ta lại trách mình khiêm tốn quá. Chẳng thà cứ như không nghe thấy thì hơn. Cứ cần mẫn gõ chữ trên máy tính xem ra còn được việc.

Từ mới đầu là tham gia viết một phần kịch bản bộ phim nhựa “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh”, nhà văn Vân Thảo tiến tới viết toàn bộ kịch bản cho bộ phim “Những chiến sĩ thầm lặng”, nhưng cũng phải “đợi” đúng 20 năm sau ông mới viết. Rồi lại phải “chờ thêm” 8 năm nữa khi bộ phim truyền hình “Ngọn sóng đầu đời” được sản xuất và được ví như là “phát súng mở màn” cho loạt 5 bộ phim truyền hình do ông viết kịch bản.

Sự “chuyển” từ viết văn sang viết kịch bản phim truyền hình thêm một lần cho thấy khả năng dồi dào của lão nhà văn tuổi “cổ lai hy” này. Tôi có cảm tưởng như ông chưa muốn dừng lại. Tôi lơ mơ đoán rồi “có một ngày” lại thấy nhà văn Vân Thảo “chuyển” sang một điều nào đấy. Kịch bản cho sân khấu chẳng hạn. Mà kịch bản sân khấu nhà văn Vân Thảo cũng đã tới “sát gần” với nó khi ông đã có vở sân khấu truyền hình mang tên “Ngã ba định mệnh” được viết từ mãi tận năm 2000 kia.

Rót thêm chén rượu Vodka Nga nhãn Cá Sấu đưa mời nhà văn Vân Thảo, gọi là chén rượu chia tay trại viết, tôi chân tình “Chúc cụ còn cuốc còn cày mà gieo chữ nghĩa trên cánh đồng văn chương”. Ông nhà văn, mà nhẽ ra phải gọi là cụ nhà văn mới đúng, lại cười hom hóm. Nụ cười thấy tươi lên những dư lượng tràn trề.

Nguyễn Trọng Văn

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/lao-nha-van-van-thao-van-miet-mai-gieo-chu-508817/