Lão ngư già đan thúng chai bên bờ biển được 'khách VIP' biết đến

Lão trầm ngâm nhìn xa xa ra những con sóng dập dềnh ngoài biển, nơi nhiều chiếc thuyền thúng đang chao mình trên mặt nước cuối năm. Những con thuyền thúng ấy có một phần bàn tay của lão. Lão là người đan thúng chai còn sót lại của Đà Nẵng.

Người đan thúng ở làng chài

Đã 78 tuổi, lão ngư già Phan Liêm vẫn chắc tay chày, nhanh tay đan và ánh mắt quắc thước, giọng nói chắc nịch sang sảng đúng chất người miền biển, dù làng chài năm cũ đã thành phố từ lâu.

Ánh mắt ông Phan Liêm ánh lên niềm tin vào những chiếc thúng chai sẽ trường tồn

Làng chài cũ của lão ngư Phan Liêm nay đã thành tổ 22, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, người dân làng chài cũ cũng chẳng còn mấy người theo nghề khi hơi thở của phố thị đã lan ra, biến nơi này thành khu du lịch nức tiếng. Còn lão, vẫn cặm cụi với nghề đan thúng chai gần 40 năm qua. Và lão, trở thành người đan thuyền thúng còn lại của xứ này.

Cha lão, một ngư dân nặng lòng với biển, học nghề đan thúng chai ở Duy Xuyên (Quảng Nam) rồi mang về cắc củm hằng ngày. Khi ấy, làng chài này vẫn ngày ngày giong buồm ra khơi. Cha mất, lão giữ nghề và theo gần 40 năm qua. Một mình vật vã, cặm cụi, sống chết với nghề. Chừng ấy năm cầm đục cầm dao theo nghề, lão thuộc từng mắt tre, từng nhịp đục, từng gai lạt, từng lỗ thủng trên mỗi chiếc thuyền thúng.

Lão bảo, nghề này làm không khó, nhưng phải có tâm, phải chịu khổ, phải cẩn thận tỷ mỷ, và đặc biệt là tìm thấy niềm vui với nghề. Như lão, nếu không có những điều ấy, có lẽ lão đã chẳng theo được nghề, giữ được nghề đến bây giờ.

Hơn một phần ba thế kỷ theo nghề, có nhắm mắt trong giấc ngủ nhọc nhằn thì lão cũng có thể đọc vanh vách cách loại thuyền thúng, kể đầy đủ các công đoạn làm thuyền, nhắc chi tiết các loại tre trúc, các loại dầu rái, các chất phụ gia, đến cả các nan tre, mắt lỗ, vành cạp… Tất cả đều đã như hơi thở, như máu thịt, như tâm tình của lão.

Lão ngư già Phan Liêm trong một công đoạn làm thúng chai

Nói chuyện bên bãi biển dựng tạm chiếc chòi nhỏ làm nơi đóng thuyền, lão bảo, với lão mỗi chiếc thuyền cũng như đứa con của mình vậy. Lão dồn hết vào đó tâm sự, nỗi niềm, tình cảm. Lão nâng niu từng nhát đục, cẩn trọng trong cả việc lựa từng thân tre, tỉ mẩn trong từng nhát dao vót tre, chẻ lạt, trong từng thước tấc uốn vành, tạo hình.

Với lão, mỗi chiếc thuyền không chỉ là một sản phẩm thủ công được tạo ra từ bàn tay lành nghề của lão, mà còn là nơi lão gửi gắm tất cả nỗi niềm vào những chủ nhân sau này dập dìu trên biển cả trên những chiếc thuyền thúng này.

Chiếc thuyền lão đang làm, chắc mất 4-5 ngày, có nhiều loại lão làm tới cả 10 ngày, có biệt có những loại lớn, đòi hỏi cầu kỳ thì lão làm cả tháng mới xong. Với lão, thời gian nhanh hay chậm chẳng phải vấn đề. Lão làm và đó là niềm vui của lão. Nên với mỗi sản phẩm, lão đều làm đến khi ưng ý mới thôi.

Nhìn lão khéo léo chau chuốt từng sợi nan, chắc nịch từng nhát chày để đan chiếc thuyền thúng còn dang dở, tôi thấy trong mắt lão niềm tự hào và sự say mê đến đáng nể. Xấp xỉ cái tuổi bát niên, với nhiều người khác có lẽ đang ngày ngày ngồi ngóng ngoài hiên và hoài tưởng về quá vãng, còn lão vẫn cặm cụi bên những chiếc thuyền thúng cổ lỗ sĩ.

Thúng chai lên bờ, ra hải ngoại

Mỗi chiếc thúng lão đan, giá thấp thì vài trăm ngàn, giá cao có khi lên tới cả chục triệu. Và tất nhiên, mỗi chiếc thúng đều là hơi thở của lão, đều là những “kiệt tác” của lão. Lão cười nắc nỏm khi nói về điều đó.

Thi thoảng, những đoàn khách nước ngoài ghé đến nơi lão làm thúng. Trầm trồ, xuýt xoa, khâm phục! Lão thì cứ hiền lành cặm cụi làm, thi thoảng hướng dẫn cho những người khách nước ngoài ấy một vài công đoạn. Khách nước ngoài biết đến lão vì thúng chai của lão xuất đi khắp nơi rồi.

Từ Nhật Bản, Mỹ, Úc, Newzeland, Thái Lan… đến hàng chục nơi trong nước, và ngay cả nhiều quán cà phê ở phố biển Đà Nẵng này cũng đặt hàng của lão, vừa để tạo nét mới cho không gian, lại vừa níu giữ giá trị làng biển. Và lão, cũng có cách giữ thương hiệu của mình với dòng chữ “Thung chai by Phan Liem”, như một cách đảm bảo cho mình, cho khách, cho cả những chiếc thuyền thúng được làm ra từ bàn tay lành nghề và trái tim tâm huyết ấy.

Vợ ông Phan Liêm một đời tần tảo theo chồng

Gần 40 năm đan thúng chai, lão ngư già làng biển đã biến chiếc thúng cũ xưa, chân phương thành phương tiện chuyên chở không chỉ hàng hóa của ngư dân, mà còn là văn hóa của một làng chài ven biển, là hồn cốt vùng miền. Nhà lão 4 đời theo nghề, có lúc lên lúc xuống theo thời cuộc, nhưng chưa bao giờ lão bỏ. Giờ, ba người con trai của lão là các anh Phan Minh, Phan Ánh, Phan Hữu Tiến cũng nối nghiệp của lão.

Nhìn ra mặt biển dập dềnh sóng, lão trầm ngâm nở nụ cười mãn nguyện. Lão chỉ vào ngực mình, nơi có trái tim vẫn đang đập nóng hổi từng ngày, rồi lão chỉ ra bên ngoài chiếc chòi nhỏ, nơi những chiếc thúng chai đang phơi nắng và những người con của lão đang cặm cụi, lão bảo: “Trái tim tui còn đập, thúng chai còn. Mấy đứa con tui còn, thúng chai còn! Chắc chắn!”.

Còn vợ lão, bà Lê Thị Chơi cũng đã ở cái tuổi thất thập, lặng lẽ nhìn lão vui sướng với niềm tin của mình. Người đàn bà làng biển một đời theo chồng, ắt hẳn cũng mang chung một nỗi niềm với lão.

Tôi nhìn trong mắt lão, ánh mắt ánh lên niềm tự hào. Tin vào niềm tin của lão. Mùa xuân này, niềm tin ấy đầy thêm…

Những chiếc thúng chai đã hoàn thành của ông Liêm

Theo TIÊU DAO – HOÀNG VỸ (NNVN)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nong-thon-moi/lao-ngu-gia-dan-thung-chai-ben-bo-bien-duoc-khach-vip-biet-den-853407.html