Lão khổ

Nếu chọn một nghệ sĩ thuộc dạng 'lão khổ' bậc nhất nhì thời nay, thì thoạt qua chắc không ai xứng hơn Trần Hạnh. Ông lão nghệ sĩ vừa từ biệt cõi trần gian ở tuổi 93, mà báo chí thay nhau khắc họa, rằng người cuối cùng cũng chia tay 'cõi khổ'...

Ừ, thì hoàn cảnh mồ côi cha từ nhỏ, bươn chải mưu sinh đủ nghề trước khi chạm ngõ sân khấu. Trường lớp nghệ thuật học cũng dở dang, tự rèn là chính. Rồi nhà chật vợ ốm con đau, vừa đi diễn vừa kỳ cụi ngồi bán quán cho đến tận cuối đời... Rồi mãi đến năm kia, khi đã tròn 90 tuổi mới lập cập lên sân khấu nhận danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân dạng “đặc cách” sau nhiều lần “trượt”. Cho dù nghệ sĩ ấy từng giành được nhiều giải thưởng cao quý. Như tấm Huy chương vàng toàn quốc với vai Nguyễn Trãi trong vở kịch thơ “Lam Sơn tụ nghĩa” từ năm 1962, khi nhiều Nghệ sĩ nhân dân hiện nay còn chưa ra đời.

Nhưng thực sự Trần Hạnh có “khổ” không? Khi 90 tuổi mới...bỏ thuốc lá, tuổi tác ấy, sức khỏe, sự minh mẫn ấy ai bằng? Khi có gia đình, nhà cửa yên ấm, con cháu kính trọng thương yêu. Có sự nghiệp nổi bật, gần suốt cuộc đời thăng hoa với tình yêu nghệ thuật, nhận được rất nhiều tình cảm của bao thế hệ khán giả. Vậy có “khổ” không?

Dù không làm đạo diễn, nhưng khán giả lẫn báo chí vẫn thường có thói quen “bắt chết” một diễn viên vào cái khuôn mặc định, xuất phát từ diễn xuất, gương mặt, vóc dáng. Như có những diễn viên suốt đời mang “cái án” đểu/ác/xấu, người suốt đời được định dạng hiền lành, ngu ngơ. Còn với Trần Hạnh, là “lão khổ”. Đức hạnh hiền lành, khiêm nhường của lão nghệ sĩ, cũng được cho là “khổ”.

Khuôn mẫu ấy âu cũng là chuyện thường ngày trong giới nghệ thuật, nghệ sĩ không chỉ ở xứ ta. Đáng nói là có những thứ khuôn mẫu kỳ khôi vẫn đem áp dụng để xét vinh danh các nghệ sĩ nổi tiếng. Nếu không có chỉ đạo “vượt rào” của cấp trên, hẳn sự vinh danh danh hiệu, giải thưởng dành cho những tên tuổi lớn như Phạm Tuyên, Trần Hạnh, Xuân Quỳnh, Thu Bồn, Minh Vương, Thanh Tuấn,... sẽ không thể có. Ngay như mấy chữ “xét đặc cách” mà cơ quan quản lý văn hóa cũng như báo chí sử dụng trong những trường hợp này, cũng không phải phép.

Nghèo, khổ, cô đơn, dường như là thuộc tính của người nghệ sĩ? Chúng ta chứng kiến rất nhiều những nghệ sĩ khi về già nghèo khổ, ốm đau bệnh tật không tiền thuốc thang không người chăm sóc, sống nhờ sự chung tay giúp đỡ của mọi người. Câu hỏi vẫn thường đặt ra, là sao những lúc “huy hoàng” họ không tích cóp phòng thân? Câu trả lời vẫn thường nhận được, là tính toán được vậy thì đâu còn là...nghệ sĩ!

Tạ Duy Anh có tiểu thuyết “Lão khổ”. Mới hay mọi nỗi khổ trên đời đều mang những gương mặt khác nhau. Không phải nỗi vật vã với đời sống và lương tri của một lão nông dưới bóng làng quê, mà chính nhà văn mới là “lão khổ” đích thực.

“Khổ” là chất xúc tác lớn lao cho nghệ thuật, mọi giá đều có thể đánh đổi để có được những phút giây thăng hoa sáng tạo. Trân trọng điều đó.

Trí Quân

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/toi-nghi/lao-kho-1802882.tpo