Lào dừng dự án sau vụ vỡ đập: Quyết định đúng!

Trong chưa đầy 1 năm đã có 2 vụ vỡ đập thủy điện tại Lào và buộc phải đặt câu hỏi về số lượng thủy điện đang xây dựng ở đây.

Chính phủ Lào sẽ đình chỉ việc phê duyệt các đập thủy điện mới trong khi thẩm định lại hơn 50 dự án sau sự cố vỡ đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy cuối tháng 7.

Quyết định này đã được các cơ quan chức năng Lào đưa ra sau một cuộc đánh giá quy mô lớn về sự cố vỡ đập khiến 7 ngôi làng ngập trong biển nước, khoảng 6.000 người phải di tản, hơn 30 người được xác nhận đã thiệt mạng và hơn 100 người vẫn còn mất tích.

"Cần thiết, dù muộn"

Trao đổi với báo Đất Việt, ThS. Nguyễn Hữu Thiện - Nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS) đánh giá, quyết định của Chính phủ Lào là một quyết định đúng đắn và "cần thiết, dù là muộn".

Theo ông Nguyễn Hữu Thiện, tháng 9 năm ngoái đập Nam Ao ở Xieng Khuang cũng bị vỡ, tức là, trong chưa đầy một năm có 2 vụ vỡ đập.

Công tác cứu hộ sau khi vỡ đập Xe-Pian Xe-Namnoy.

"Có vẻ sự phát triển thủy điện bằng việc xây dựng rất nhiều đập ở Lào trong những năm gần đây đã vượt khả năng giám sát, kiểm soát về an toàn của các cơ quan chức năng của Lào.

Nó cho thấy có vấn đề từ quy định pháp lý và năng lực, nhân sự để thực thi; độ nhạy trong ứng phó các trường hợp khẩn cấp, thảm họa: về dự đoán các trường hợp khẩn cấp, lập kế hoạch, diễn tập, và thực hiện công tác ứng phó một cách hiệu quả khi thảm họa xảy ra..." - ông Thiện đánh giá.

Vị chuyên gia cho rằng, đây có lẽ là dịp để Lào rà soát và củng cố vấn đề an toàn đập và quy trình cho các trường hợp khẩn cấp để tránh xảy ra những thảm họa tương tự trong tương lai.

Sự kiện vỡ đập vừa qua cho thấy vấn đề an toàn đập là một một mối lo ngại chính đáng. Nó khiến đặt câu hỏi về những dự án đập được xây dựng trên dòng sông MeKong. Một khi thảm họa xảy ra, tầm ảnh hưởng của nó được đánh giả ở quy mô khu vực

Ông nói: "Vì tầm quan trọng của sông Mekong đối với khu vực, chúng ta mong Chính phủ Lào và Campuchia sẽ suy nghĩ lại về quyết định xây dựng tiếp các đập khác trên sông Mekong sau đập Xayaburi và Don Sahong đã khởi công để không tạo thành chuỗi đập trên dòng chính, có thể dẫn đến thảm họa chung".

Ông Thiện cho rằng, các đập thủy điện trong lưu vực sông Mekong hiện nay đang đối mặt với 3 rủi ro vỡ đập: việc thiết kế, xây dựng kém chất lượng, thiếu giám sát chặt chẽ; rủi ro mưa lũ cực đoan trong bối cảnh biến đổi khí hậu; và rủi ro động đất, bao gồm rủi ro có sẵn do các vận động địa chất và động đất kích thích do sức nặng của khối nước trong các hồ chứa gây ra.

Do đó, nếu đập thủy điện được xây thành chuỗi thì một đập phía trên có thể lùa nước xuống, gây vỡ đập kế tiếp, cộng thêm nước, gây vỡ đập dây chuyền.

Vị chuyên gia nhấn mạnh, vỡ Đập Phụ D của dự án thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy chỉ là một đập phụ trong số đập của một công trình trên một nhánh nhỏ đổ ra sông Xekong - sông nhánh của sông Mekong mà tác động đã khủng khiếp đến như vậy.

Thế thì, thử đặt một kịch bản các đập thủy điện trên dòng sông MeKong rơi vào tình huống không thể kiểm soát, ĐBSCL chắc chắn sẽ hứng một "quả bom nước" khổng lồ.

Mô hình mô tả sự cố vỡ đập Xe-Pian Xe-Namnoy.

Cụ thể, đập đáng ngại nhất là đập dự kiến Sambor nằm trên dòng chính, ở cuối cùng trong chuỗi 11 đập ở Hạ lưu vực. Theo thiết kế ban đầu, đập này có chiều ngang 18km chắn ngang toàn bộ dòng sông Mekong, chiều cao 56m, hồ chứa rộng 620km2, tích một khối nước 3.8 tỉ mét khối ở cao trình 40 mét trên mực nước biển. Trong khi đó, ĐBSCL chỉ cao hơn mực nước biển 1 mét.

"Nếu chúng ta hình dung sông Mekong như một cái cây có nhiều nhánh lớn, những nhánh lớn lại phân thành nhiều nhánh nhỏ, thì ĐBSCL nằm ở gốc cây, đập Sambor nằm trên thân cây gần ĐBSCL nhất, phía trên thân cây còn 10 đập nữa, và ở các nhánh lớn nhỏ đều có đập.

Như vậy đập Sambor gánh chịu rủi ro của tất cả các đập ở trên. Bất cứ đập nào trong số 11 đập ở trên vỡ, cuối cùng đều gây áp lực với “quả bom nước” Sambor" - ông Thiện giải thích.

Đặc biệt, trong 10 đập trên dòng chính Mekong, đập đáng lo ngại nhất là đập Xayaburi, đã khởi công năm 2011. Đập này nằm chỉ cách 100 km về phía nam của đường đứt gãy địa chất Lai Châu-Điện Biên đang hoạt động.

Các giáo sư của Đại học Chula Lornkon, Thái Lan đã cảnh báo trong 30 năm tới có 30% khả năng xảy ra động đất trung bình và 10% khả năng xảy ra động đất mạnh ở vùng này.

Thực tế năm 2011 đã xảy ra 2 vụ động đất (5.4 và 4.6 độ Richter) ở vùng này và chỉ cách vị trí đập Xayburi 48km.

Một tháng sau đó, một vụ 3.9 độ Richter xảy ra cách vị trí đập 60km.

Năm 2007, một vụ 6.3 độ xảy ra ở Xay Somboun, tỉnh phía bắc Xayaburi. Rất may là lúc đó chưa có đập Xayaburi.

Sau này khi hồ chứa Xayaburi hoàn tất thì sức nặng của khối nước trong hồ chứa đè lên vỏ Trái Đất có thể gây động đất kích thích, tức gia tăng rủi ro.

Một khi đập Xayaburi vỡ thì khối nước sẽ lùa xuống vỡ đập kế tiếp, cộng thêm nước của đập thứ hai, gây vỡ đập dây chuyền và cuối cùng là đến đập Sambor.

"Nếu đập Sambor mà vỡ thì Campuchia và ĐBSCL đều gặp rủi ro khó lường" - ThS. Nguyễn Hữu Thiện nhấn mạnh.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/lao-dung-du-an-sau-vu-vo-dap-quyet-dinh-dung-3363360/