Lao động Việt trước cuộc cách mạng 4.0: Mạnh dạn chuyển đổi để thích ứng

Theo các chuyên gia, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội để Việt Nam tăng năng suất lao động, nhưng sẽ rất khó thành hiện thực nếu ngay từ bây giờ không có những chính sách đồng bộ nhằm cải thiện chất lượng giáo dục, nâng cao chất lượng lao động đáp ứng nhu cầu của thời đại.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

“Đói” kỹ năng

Khi được hỏi chất lượng lao động Việt đang ở đâu, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ, TB - XH) TS. Đào Quang Vinh đã thẳng thắn cho rằng, nhu cầu tuyển dụng vẫn rất lớn, song khả năng đáp ứng được những yêu cầu đặt ra của doanh nghiệp vẫn còn rất khó khăn.

Cũng theo TS. Đào Quang Vinh, về mặt kỹ thuật, các lao động đã qua đào tạo của Việt Nam có thể đáp ứng được yêu cầu. Song, các kỹ năng mềm như làm việc theo nhóm, ngoại ngữ, tư duy phản biện, sáng tạo, tuân thủ công nghệ… vẫn còn khá yếu. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, có những kỹ năng quan trọng về toán học, kỹ thuật, công nghệ và nghiên cứu… các cơ sở giáo dục vẫn chưa thể cập nhật, trang bị đầy đủ cho người học.

Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) 2018 của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) ra mắt ngày 11/4/2018 cũng chỉ ra rằng, sự thiếu hụt kỹ năng lao động nổi lên như một rào cản đối với việc thu hút FDI, và đối với hoạt động kinh doanh nói chung ở Việt Nam.

Tương tự, khảo sát lao động của Ngân hàng Thế giới cho thấy tìm được ứng cử viên cho các vị trí việc làm đòi hỏi tay nghề cao hơn là một thách thức lớn cho hầu hết các doanh nghiệp, khoảng 70 - 80% ứng viên cho các vị trí quản lý và kỹ thuật không đáp ứng yêu cầu.

Thực tế, khi được hỏi hầu hết các doanh nghiệp được khảo sát đều không hài lòng với chất lượng giáo dục và kỹ năng của nhân viên, nhất là kỹ sư và kỹ thuật viên. Đáng lo ngại, không chỉ thiếu về kiến thức chuyên môn, các lao động Việt Nam còn yếu về kỹ năng giải quyết vấn đề, lãnh đạo và giao tiếp. Với thực trạng như vậy, lợi thế về chi phí nhân công thấp tại Việt Nam đang dần mất đi sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, công nghiệp chế biến - chế tạo, ngành chủ lực trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chỉ chiếm 9% tổng số lao động trình độ cao, trong khi với các nước phát triển, tỷ lệ này lên đến 40 - 60%. Đây là một thách thức không nhỏ đối với nền công nghiệp Việt Nam nói riêng và cả nền kinh tế Việt Nam nói chung khi tác động của khoa học công nghệ ngày càng mạnh mẽ.

Cần có chính sách định hướng

Nói về những thách thức lao động Việt gặp phải trước làn sóng 4.0, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, việc người lao động (NLĐ) thiếu kỹ năng công nghệ thông tin (CNTT) không hoàn toàn do lỗi của NLĐ bởi theo thống kê hiện có tới 90% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thuộc các lĩnh vực gia công, lắp ráp, chủ yếu sử dụng lao động là trình độ thấp.

Thực tế, phần nhiều doanh nghiệp Việt đang trong giai đoạn sử dụng công nghệ 2.0, một số đang ở trong giai đoạn giữa 2.0 và 3.0. Đáng chú ý có 95% doanh nghiệp Việt Nam dùng internet nhưng 60% trong số đó gặp khó khăn khi ứng dụng internet vào các hoạt động.

Rõ ràng, những thách thức làn sóng 4.0 khá hiện hữu, vậy làm thế nào để biến những thách thức đó thành cơ hội tăng năng suất lao động? Tại nhiều hội thảo bàn về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm cải thiện năng suất lao động của Việt Nam, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, đến năm 2030, hầu hết các nước trên thế giới đều phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động, nhất là những lao động có tay nghề cao.

Người lao động trong tương lai cần kết hợp được nhiều yếu tố như giao tiếp đa phương tiện, trí tuệ nhân tạo và máy móc điện tử, kết nối quốc tế, phát triển bền vững... Do đó, Việt Nam cần ưu tiên đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục để nâng cao khả năng cho lao động

Tiến sĩ Phạm Quang Ngọc, chuyên gia kinh tế và thị trường lao động nhấn mạnh: Sự dịch chuyển cấu trúc lao động nhờ công nghệ đang ngày càng rõ nét. Để bắt kịp với Cách mạng Công nghiệp 4.0, Chính phủ cần có chính sách khuyến khích, ưu tiên các định hướng về thị trường lao động. Các doanh nghiệp cần triển khai máy móc để tự động hóa trong sản xuất; áp dụng các giải pháp công nghệ nâng cao năng suất.

Đồng quan điểm, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Đào tạo và Cung ứng nguồn nhân lực (Bộ Giáo dục và Đào tạo) PGS.TS. Phạm Văn Sơn cũng cho rằng, hiện nay, nhân lực của Việt Nam có cơ hội rất lớn tham gia vào quá trình phân công lao động trong khu vực và trên thế giới.

Tuy nhiên, để có được điều đó, nhất thiết phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bằng nhiều cách khác nhau, như: Nâng cao trình độ học vấn và kỹ năng lao động, khuyến khích lao động tự học, gắn chiến lược phát triển nguồn nhân lực với phát triển kinh tế xã hội, chú trọng phát triển nhân tài và xây dựng xã hội học tập; cùng với đó, cải thiện thông tin về thị trường lao động, mở rộng hợp tác quốc tế.

Cũng theo ông Sơn, để có thể bắt nhịp được với làn sóng 4.0 ngay từ bây giờ, Việt Nam cần đổi mới hoạt động đào tạo nguồn nhân lực cho tương lai; đồng thời, nghiên cứu tìm cơ chế, chính sách và giải pháp phù hợp để nhanh chóng nâng cao chất lượng nhân lực hiện có.

“Đây thực sự là chiến lược quan trọng và lâu dài để hình thành và phát triển bền vững đội ngũ nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước”, ông Sơn khẳng định.

Theo Bảo Anh/daibieunhandan.vn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu--trao-doi/trao-doi-binh-luan/lao-dong-viet-truoc-cuoc-cach-mang-40-manh-dan-chuyen-doi-de-thich-ung-140181.html