Lao động Việt Nam tại nước ngoài cần có CĐ bảo vệ

Đó là ý kiến của NLĐ VN từng đi xuất khẩu lao động tại Hội thảo tham vấn chính sách 'Vai trò của tổ chức CĐ trong việc hướng tới tuyển dụng công bằng và việc làm bền vững đối với NLĐ đi làm việc ở nước ngoài'.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Trần Văn Lý phát biểu tại hội thảo. Ảnh: V.L

Hội thảo diễn ra sáng 18.6, tại Hà Nội, do Tổng LĐLĐVN phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Quỹ Châu Á (TAF) tổ chức.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Trần Văn Lý dự và phát biểu tại hội thảo. Tham dự hội thảo còn có các ông: Chang-Hee Lee - Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam; Michael R.DiGregorio – Trưởng đại diện của TAF tại VN và nhiều lao động từng đi làm việc tại nước ngoài.

NLĐ gặp nhiều khó khăn

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 500.000 người đang làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng. Riêng năm 2017, đã có khoảng 134.000 người đi làm việc ở nước ngoài. Bình quân mỗi năm NLĐ VN đi làm việc ở nước ngoài gửi về gia đình xấp xỉ 3 tỉ USD. Tuy nhiên, NLĐ VN đi làm việc ở nước ngoài cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, rủi ro tiềm ẩn.

Chia sẻ quá trình lao động vất vả tại nước ngoài, chị Triệu Thị Thiết (Lâm Thao, Phú Thọ) vừa khóc vừa kể, để được đi XKLĐ, gia đình chị đã phải đi vay mượn gần 260 triệu đồng để nộp các khoản phí (trong đó có khoản tiền đặt cọc 3.000USD) cho Cty. Tháng 9.2012, chị Thiết sang Nhật Bản làm thực tập sinh với ngành nghề là đúc nhựa.

“Khi sang nước bạn lao động thì sự thật khác xa với những lời quảng cáo của Cty đưa tôi đi XKLĐ. Lương thực lĩnh của tôi là 26 triệu đồng/tháng, làm 10 tiếng/ngày chứ không như lời của nhân viên Cty là lương 33 triệu đồng/tháng, làm 8 tiếng/ngày. Đặc biệt tôi gặp rất nhiều khó khăn trong giao tiếp và hòa nhập với văn hóa nước sở tại.

Do đó, trong quá trình làm việc, tôi đã bị đổ lỗi. Khi đó, tôi không biết nhờ cậy vào ai, tổ chức nào để giải thích cho chủ sử dụng lao động biết lỗi không phải do tôi và tôi cần được bảo vệ quyền lợi” - chị Thiết cho biết.

Chị Thiết cho rằng tại các nước có đông NLĐ VN đi XKLĐ thì cần có tổ chức CĐ để có thể hỗ trợ, bảo vệ, quyền và lợi ích chính đáng của NLĐ.

Quê Hoằng Hóa (Thanh Hóa), anh Nguyễn Đình Tân phải nộp cho Cty XKLĐ 6.500USD để đi làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc). Thời gian ở xứ người, anh Tân cũng gặp nhiều khó khăn. “Những khó khăn lớn nhất đối với tôi là rào cản ngôn ngữ, môi trường làm việc nóng bức, ồn ào, ký túc xá xuống cấp nên không được sạch sẽ, có tình trạng “ma cũ bắt nạt ma mới”.

Ngoài ra, văn hóa và pháp luật tại Đài Loan có nhiều khác biệt với VN nên rất dễ bị vi phạm pháp luật. Tôi phải làm việc từ 12-14 tiếng/ngày, lương thực lĩnh 15-17 triệu đồng khác với quảng cáo của Cty XKLĐ. Do không có cơ quan đại diện bảo vệ, nên tôi phải cố gắng làm việc để lấy tiền trả nợ khoản vay” - anh Tân cho biết.

Công đoàn tăng cường bảo vệ NLĐ

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Trần Văn Lý cho biết là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của NLĐ, CĐVN rất quan tâm đến việc làm, thu nhập và quyền của NLĐ VN đi làm việc ở nước ngoài.

Trong những năm qua, CĐVN đã tham gia xây dựng chính sách pháp luật như đề xuất sửa đổi Luật NLĐ VN đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; xây dựng các Nghị định 119/NĐ-CP, 95/2013/NĐ-CP, Thông tư 21 của Bộ LĐTBXH về mức tiền trần ký quỹ và Thông tư 22 về hợp đồng mẫu; tổ chức nâng cao nhận thức cho cán bộ CĐ về di cư lao động an toàn; tuyên truyền, cung cấp thông tin, tư vấn, hỗ trợ NLĐ ở các cấp cơ sở.

Tổng LĐLĐVN còn chủ động hợp tác với các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia trong việc hỗ trợ, bảo vệ quyền, lợi ích của NLĐ đi làm việc ở các nước trên.

Là người có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động tư vấn cho NLĐ đi XKLĐ, ông Nguyễn Thành Thật (CĐCS xã Tịnh Kỳ, LĐLĐ TP.Quảng Ngãi) cho biết, khi thực hiện công tác tuyên truyền và tư vấn đối với NLĐ có nhu cầu đi XKLĐ thì các thành phần này không phải là đoàn viên CĐ, nên quá trình tư vấn trực tiếp rất khó trao đổi hai chiều, hơn nữa sẽ gặp khó khăn trong việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, vướng mắc của NLĐ; trong hoạt động bảo vệ quyền, lợi ích cho NLĐ làm việc ở nước ngoài đang thiếu cơ sở pháp luật, điều kiện và phương tiện vật chất trực tiếp can thiệp bảo vệ quyền, lợi ích cho NLĐ khi bị xâm hại.

Để công tác bảo vệ quyền lợi của NLĐ đi XKLĐ được tốt hơn, đại diện Tổng LĐLĐVN đề nghị Quốc hội sớm bổ sung quy định vai trò tham gia trực tiếp của CĐVN trong bảo vệ NLĐ đi làm việc ở nước ngoài; Bộ LĐTBXH, Hiệp hội XKLĐ VN tăng cường hơn nữa, phối hợp, chia sẻ thông tin trong quá trình triển khai thực hiện quản lý hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài, phối hợp kiểm tra, giám sát các DN hoạt động trong lĩnh vực XKLĐ; tổ chức ILO, TAF tiếp tục hỗ trợ hơn nữa các hoạt động của CĐ; Tổng LĐLĐVN sẽ tăng cường nâng cao năng lực cho cán bộ CĐ; tuyên truyền, tư vấn, cung cấp thông tin về XKLĐ cho NLĐ.

VIỆT LÂM

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cong-doan/lao-dong-viet-nam-tai-nuoc-ngoai-can-co-cd-bao-ve-613653.ldo