Lao động Việt Nam có mặt ở hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ

Đây là con số được đưa ra tại báo cáo về tình hình đưa lao động đi nước ngoài làm việc trong 5 tháng đầu năm của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội).

Theo đó, ngành xuất khẩu lao động đã hoàn thành 54,2% kế hoạch năm 2023. Con số này cho thấy dấu hiệu tích cực từ lĩnh vực việc làm ngoài nước.

Nhiều khả quan từ các thị trường

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động,Thương binh và Xã hội) cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2023, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 59.645 người, đạt 54,2% kế hoạch năm 2023. Trong số này, có 20.585 lao động nữ, chiếm tỷ lệ gần 35%. Mục tiêu đặt ra trong năm nay là đưa được 110 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Xuất khẩu lao động trong thời gian tới sẽ tập trung vào việc nâng cao chất lượng nguồn lao động. Nguồn: ITN

Xuất khẩu lao động trong thời gian tới sẽ tập trung vào việc nâng cao chất lượng nguồn lao động. Nguồn: ITN

Cụ thể, Nhật Bản là thị trường lao động hàng đầu thu hút lao động Việt Nam, với 28.513 lao động. Tiếp đó là Đài Loan (Trung Quốc): 26.201 lao động, Hàn Quốc: 1.210 lao động, Trung Quốc: 729 lao động.

Trước đó, theo số liệu từ các doanh nghiệp, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 5 năm 2023 đạt hơn 9.700 người.

Trong năm 2022, có 142 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tập trung chủ yếu vào thị trường của Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc). Năm 2023, ngành lao động đang thí điểm đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ở một số quốc gia phát triển như 6 nước ở khu vực châu Âu và hứa hẹn rất nhiều khả quan. Nhiều thị trường xuất khẩu lao động mới đã được mở ra như Australia, NewZealand, Cộng hòa Liên bang Đức, Cộng hòa Séc, Slovakia, Rumani, Nam Phi, Canad… Đây đều là những thị trường có thu nhập cao và mang lại môi trường làm việc tốt nhất cho người lao động.

Về thu nhập bình quân hiện nay của người lao động, chỉ có 3 quốc gia có thu nhập cao hơn. Theo đó, Đức (khoảng 2.500 EUR), Hàn Quốc (khoảng 1.800 USD), Nhật Bản (khoảng 1.500 USD). Nhưng gần đây, tại Nhật Bản, do tỷ giá đồng yên thấp nên người lao động gặp khó khăn hơn. Còn bình quân, mức thu nhập của người lao động khoảng 600 đến 700 USD/ 1 tháng.

Về chất lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, nhìn chung, các nước tiếp nhận lao động Việt Nam đều đánh giá cơ bản tốt, ý thức trách nhiệm tốt, kỹ năng nghề nghiệp tốt. Và quan trọng hơn là hiệu suất công việc cũng tốt.

Khuyến khích lao động có tay nghề đi xuất khẩu

Theo thống kê, lao động Việt Nam hiện có mặt ở hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ và làm việc trong khoảng 30 ngành, nghề khác nhau, nhưng phần lớn là làm những công việc phổ thông, không cần đến trình độ tay nghề cao. Kết quả điều tra lao động việc làm năm 2021 cũng cho thấy, lao động đi làm việc ở nước ngoài đa phần là thanh niên. Tổng số lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài từ năm 2018 đến 2021 là hơn 250.000 người, thì hơn 47% trong số họ có trình độ học vấn cao nhất là cấp trung học phổ thông, trình độ trung học cơ sở là 23,1%.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Nguyễn Gia Liêm nhìn nhận, hiện nay, do yêu cầu của sự phát triển khoa học công nghệ khiến nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài có trình độ kỹ năng tại các thị trường ngày càng cao. Do đó, việc nâng cao chất lượng nguồn lao động cần được quan tâm hơn nữa, đòi hỏi sự vào cuộc, nỗ lực từ nhiều phía, Nhà nước, doanh nghiệp và chính bản thân người lao động. Theo đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước, đây không phải vấn đề bây giờ mới đặt ra mà từ trước đây đã được đề cập nhiều lần. Tuy nhiên, nếu như trước đây các nước chủ yếu tiếp nhận lao động phổ thông, thì nay có nhu cầu lớn về lao động có trình độ và ngoại ngữ.

Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và nhiều quy định pháp luật đã được ban hành nhằm tăng cường công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, khuyến khích, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Lĩnh vực đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng là một ưu tiên trong mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (sau đây gọi tắt là Chương trình).

Chương trình nêu rõ, tối thiểu 9.500 người lao động thuộc các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được hỗ trợ đào tạo; trong đó, có khoảng 5.700 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (ít nhất 80% hộ gia đình có người đi làm việc ở nước ngoài sẽ thoát nghèo). Hỗ trợ khoảng 1.200 người lao động tham gia các khóa đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo các hiệp định ký giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước tiếp nhận.

Để nâng cao chất lượng nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã thành lập tổ công tác để hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc gắn kết với các doanh nghiệp tuyển chọn, đào tạo lao động đi làm việc ở nước ngoài, cũng như phối hợp với các trung tâm dịch vụ việc làm để tăng chất lượng nguồn lao động đáp ứng được nhu cầu.

Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng cho biết, chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực này đã có, nhưng nhiều năm qua mới tập trung vào hỗ trợ cho người lao động nghèo, yếu thế, người lao động ở vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo chứ chưa có chính sách chung về nâng cao chất lượng cho nhóm lao động đi làm việc ở nước ngoài. Do đó, Cục đang đề xuất để sắp tới sẽ xây dựng đề án làm sao nâng cao chất lượng của nhóm lao động. Đồng thời, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng lưu ý các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài chú trọng đào tạo nâng cao tay nghề, ngoại ngữ, kỹ năng làm việc cho người lao động.

Tùng Dương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/lao-dong-viet-nam-co-mat-o-hon-40-quoc-gia-vung-lanh-tho-i331690/