Lao động thất nghiệp do Covid-19: Cần có sự đầu tư để chuyển đổi việc làm

Tính tới tháng 6-2020, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ở Việt Nam có tới 30,8 triệu lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19. Con số có thể sẽ còn nhiều hơn vào cuối năm.

Làm nhân viên chuyên chế biến xuất ăn cho một công ty liên doanh ở KCN Sài Đồng (Long Biên) đã nhiều năm nên có một số công ty mời chào chị chuyển công việc với mức lương cao hơn chỗ làm cũ rất nhiều nhưng chị Nguyễn Thị T. (Long Biên, Hà Nội) vẫn từ chối.

Bởi lẽ với chị, chỗ làm cũ vốn rất ổn định, thu nhập không cao (tầm 5 triệu/tháng) nhưng chị được hưởng đầy đủ những chế độ bảo hiểm, nghỉ, thai sản… theo quy định của nhà nước.

“Đó là câu chuyện của năm 2019. Thậm chí đến gần cuối năm còn có một cơ quan Nhà nước cũng muốn tôi về làm trong bếp ăn của họ, với mức lương khá hấp dẫn. Một phần vì không muốn chuyển đổi chỗ làm, một phần vì cơ quan kia cũng khá xa nhà tôi nên tôi từ chối.” chị T. cho biết.

Nhưng ai dè đến tháng 4-2020, khi mà Covid-19 diễn biến phức tạp, chị “bỗng dưng” thất nghiệp bởi công ty liên doanh đó muốn khép kín quy trình, không sử dụng bếp ăn nơi chị làm việc nữa.

Lúc đang có việc thì thi nhau gọi mời, nhưng đến khi thất nghiệp thì gõ cửa chỗ nào cũng bị từ chối bởi lý do không cần người. Nhìn quanh quẩn chị biết không chỉ riêng mình chị thất nghiệp. Nhà thì ông chồng và hai đứa con trông cả vào đồng lương đi làm của chị, giờ thất nghiệp thì biết trông đâu.

“Tôi đành lê la quanh các khu vực gần đấy để nhận dọn nhà theo giờ, thế nhưng cũng rất hiếm việc vì Covid-19 người ta ở nhà cũng nhiều, lại hạn chế gặp gỡ nên số tiền kiếm được cũng chẳng là bao. Lại đành phải loay hoay chờ đợi lúc hết dịch, hoặc có cơ may kiếm tìm được công việc khác phù hợp với mình vậy.” Chị T. than.

Cũng giống như chị T. anh Nguyễn H.H (Hà Đông, Hà Nội), đang làm content cho một công ty truyền thông cũng đã bị giảm giờ làm, giảm lương ngay từ đầu tháng 3-2020. Chưa kịp bức xúc thì đến đầu tháng 4-2020, khi Hà Nội có lệnh giãn cách thì anh nhận được thông báo mình trong diện bị tạm ngưng hợp đồng… cho đến khi hết Covid-19.

“Nói là tạm ngưng nhưng mình ngầm hiểu đó là “được cho” nghỉ việc. Cũng cay đắng lắm nhưng biết làm sao được khi mà công ty có đủ lý do để mà cho tạm ngưng một loạt người làm. Đành ngồi nhà chờ thời cho qua giai đoạn khó khăn này để rồi tìm cơ hội khác vậy thôi chứ biết làm sao.” anh H. nói.

Người lao động nên đầu tư cho việc chuyển đổi việc làm

Người lao động nên đầu tư cho việc chuyển đổi việc làm

Thực tế tại các Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho thấy, sau đợt dịch Covid-19 lần thứ nhất, có khá nhiều người lao động tìm đến để học nghề. Không chỉ tìm thấy ở đây những lao động phổ thông, mà thậm chí có cả những lao động cao cấp, những cử nhân, kỹ sư…

Theo một đại diện của Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, thì nhóm ngành nghề được lựa chọn nhiều nhất là nấu ăn, pha chế hay tin học. Lý do họ theo học các ngành nghề này bởi thời gian đào tạo ngắn (3 tháng) và các ngành nghề này ngoài việc dễ tìm kiếm cơ hội hơn còn để phục vụ trong chính cuộc sống hàng ngày trong gia đình.

Về việc thay đổi hoặc học thêm những nghề mới cũng là những giải pháp đang được khích lệ. Ở vấn đề này, ngoài bảo hiểm thất nghiệp, Nhà nước còn có nhiều chính sách hỗ trợ khác. Cụ thể trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động có nhu cầu học nghề thì làm đơn đăng ký, Nhà nước sẽ hỗ trợ tiền trong suốt khóa học.

Việc tiếp tục tìm kiếm cơ hội mới hoặc tự mình thay đổi tư duy, tiếp cận những công việc, ngành nghề mới là việc mà khá nhiều lao động thất nghiệp trong đợt Covid-19 lựa chọn- theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động (Bộ LĐ-TB&XH) đây là một lựa chọn đúng đắn.

Người lao động không nên trông chờ thị trường lao động sẽ trở lại tráng thái như trước đây sau Covid-19, Tiến sỹ Hương phân tích. Có nghĩa, người lao động không nên trông chờ vào việc sẽ quay trở lại nơi làm việc cũ, tiếp tục công việc ở vị trí cũ, bởi nếu doanh nghiệp tiếp tục mở rộng sản xuất cũng sẽ có nhiều thay đổi.

Thế nên theo bà, người lao động muốn tìm được cho mình những cơ hội mới thì phải được đào tạo lại, trau dồi kỹ năng và có sự đầu tư cho việc chuyển đổi việc làm.

Minh Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/lao-dong-that-nghiep-do-covid-19-can-co-su-dau-tu-de-chuyen-doi-viec-lam-207880.html