Lao động phi chính thức: yếu thế và dễ tổn thương

Cả nước có tới 18 triệu người lao động phi chính thức, chiếm tới trên 57% tổng số lao động. Đây là nhóm lao động yếu thế, dễ bị tổn thương và gần như không có khả năng thương lượng trong công việc.

Lao động phi chính thức có lương thấp và dễ bị tổn thương hơn so với khu vực chính thức - Ảnh: Thuỳ Dung

Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo công bố Báo cáo lao động phi chính thức của Việt Nam do Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổ chức Lao động quốc Tế (ILO) tại Việt Nam tổ chức ngày 4-10 tại Hà Nội.

Lao động phi chính thức xuất hiện ngay cả trong các khu vực việc làm chính thức. Trong tổng số hơn 16 triệu người làm công ăn lương thì có khoảng 1/3 là lao động phi chính thức. Nói cách khác, cứ ba người làm công ăn lương trong khu vực chính thức thì có một lao động phi chính thức. Những người này dù làm việc trong các doanh nghiệp, các tổ chức nhà nước nhưng lại không có hợp đồng lao động, không được đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc và không được hưởng nhiều quyền lợi khác.

Con số 18 triệu lao động phi chính thức trên là chưa bao gồm số lao động trong khu vực nông nghiệp. Nếu tính cả con số khoảng 22 triệu lao động nông nghiệp thì tổng số lao động phi chính thức ở Việt Nam có thể lên tới 40 triệu người, chiếm trên 70% tổng lực lượng lao động hiện nay.

Bà Nguyễn Thị Xuân Mai, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, kết quả của cuộc điều tra việc làm đã đưa ra được một số những bằng chứng về xu hướng biến động cũng như những đặc điểm dễ nhận thấy của lao động phi chính thức ở Việt Nam.

Hà Nội và TPHCM là hai thành phố lớn và cũng là hai trung tâm kinh tế-chính trị có số lao động phi chính thức lớn nhất, chiếm trên 20% tổng số lao động phi chính thức của cả nước.

Nghiên cứu cho thấy, khu vực phi chính thức có những đặc điểm dễ nhận thấy như lao động trong khu vực này có việc làm bấp bênh, thiếu ổn định, không có hợp đồng lao động hoặc hợp đồng thỏa thuận miệng, thu nhập thấp, thời gian làm việc dài.

“Đặc biệt, cơ sở sản xuất kinh doanh trong khu vực này thường có quy mô rất nhỏ hoặc siêu nhỏ, không đăng ký kinh doanh, không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, không chi trả các chế độ phụ cấp và các khoản phúc lợi xã hội khác cho người lao động”, bà  Mai nói.

Nữ giới có xu hướng làm các công việc dễ bị tổn thương hơn nam giới. Có 31,8% lao động phi chính thức nam giới được xếp vào nhóm lao động có việc làm dễ bị tổn thương; con số này ở nữ giới lên tới 59,6%.

Tiền lương bình quân của lao động phi chính thức thấp hơn của lao động chính thức ở tất cả các vị thế việc làm. Tiền lương bình quân của nhóm lao động chính thức vào khoảng 6,7 triệu đồng/tháng, trong khi tiền lương bình quân của nhóm lao động phi chính thức chỉ bằng hơn một nửa con số đó (4,4 triệu đồng/tháng).

Ông Chang Hee Lee, Trưởng đại diện Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho rằng, nền kinh tế phi chính thức cũng là thách thức chung của nhiều nước trên thế giới. Để giảm bớt lao động phi chính thức thì phải thúc đẩy việc làm chính thức thông qua việc đưa lao động vào làm tại các công ty, có ký kết hợp đồng, lao động được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…

Theo ông Lee, kết quả điều tra về lao động, việc làm trong năm 2017 sẽ là cơ sở để đưa ra được những phản ứng chính sách phù hợp.

Cuộc điều tra lao động việc làm là cuộc điều tra mẫu do Tổng cục thống kê tiến hành điều tra trên phạm vi 63 tỉnh, thành với quy mô mẫu khoảng 20.000 hộ/tháng và tương ứng với cả năm khoảng 240.000 hộ.

Thuỳ Dung

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/165326/lao-dong-phi-chinh-thuc-yeu-the-va-de-ton-thuong.html