Lao động nữ mang thai, sinh con được hưởng chế độ gì?

Khi mang thai và sinh con, lao động nữ có tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) được hưởng những quyền lợi gì; mức hưởng được tính như thế nào? Để được hưởng các quyền lợi này, người lao động (NLĐ) có cần đáp ứng điều kiện gì không? NGUYỄN THU HÀ (Nghệ An)

Khi mang thai và sinh con, lao động nữ có tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) được hưởng những quyền lợi gì; mức hưởng được tính như thế nào? Để được hưởng các quyền lợi này, người lao động (NLĐ) có cần đáp ứng điều kiện gì không? NGUYỄN THU HÀ (Nghệ An)

Trả lời:

Theo quy định của Luật BHXH, lao động nữ được hưởng chế độ thai sản khi mang thai, sinh con nếu đã đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

NLĐ đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 3 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

NLĐ đủ điều kiện quy định mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định.

* Về chế độ khi khám thai, Điều 32 Luật BHXH quy định:

1. Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 5 lần, mỗi lần 1 ngày; trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 2 ngày cho mỗi lần khám thai.

2. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại điều này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

* Về thời gian hưởng chế độ khi sinh con, Khoản 1 Điều 34 Luật BHXH quy định:

Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 6 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng.

Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng.

Thời gian hưởng chế độ thai sản tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

* Về mức hưởng chế độ thai sản, Điều 39 Luật BHXH quy định:

1. NLĐ hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 32, 33, 34, 35, 36 và 37 của luật này thì mức hưởng chế độ thai sản được tính như sau:

a) Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp NLĐ đóng BHXH chưa đủ 6 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, các khoản 2, 4, 5 và 6 Điều 34, Điều 37 của luật này là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng BHXH;

b) Mức hưởng một ngày đối với trường hợp quy định tại Điều 32 và khoản 2 Điều 34 của luật này được tính bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày.

Thủ tục khám, chữa bệnh BHYT theo quy định mới

Tôi được biết Nhà nước mới có văn bản quy định về khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT). Xin hỏi văn bản này quy định thế nào về thủ tục khám, chữa bệnh thông thường và trong trường hợp chuyển tuyến, khám lại?

TRẦN VĂN MINH (Hải Phòng)

Trả lời:

Ngày 17-10-2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-12-2018).

Về thủ tục khám, chữa bệnh, Điều 15 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định:

Người tham gia BHYT khi đến khám bệnh, chữa bệnh phải xuất trình thẻ BHYT có ảnh; trường hợp thẻ BHYT chưa có ảnh thì phải xuất trình một trong các giấy tờ tùy thân có ảnh do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp, hoặc giấy xác nhận của công an cấp xã, hoặc giấy tờ khác có xác nhận của cơ sở giáo dục nơi quản lý học sinh, sinh viên; các giấy tờ chứng minh nhân thân hợp pháp khác.

Trường hợp chuyển tuyến khám, chữa bệnh, người tham gia BHYT phải xuất trình hồ sơ chuyển tuyến của cơ sở khám, chữa bệnh và giấy chuyển tuyến theo Mẫu số 6, Phụ lục ban hành kèm theo nghị định này. Trường hợp giấy chuyển tuyến có giá trị sử dụng đến hết ngày 31-12, nhưng đợt điều trị chưa kết thúc thì được sử dụng giấy chuyển tuyến đó đến hết đợt điều trị.

Trường hợp khám lại theo yêu cầu điều trị, người tham gia BHYT phải có giấy hẹn khám lại của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo Mẫu số 5, Phụ lục ban hành kèm theo nghị định này.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/38362302-lao-dong-nu-mang-thai-sinh-con-duoc-huong-che-do-gi.html