Lao động người nước ngoài bắt buộc đóng BHXH: Vướng đủ thứ

Nghị định 143/2018/NĐ-CP đã quy định đối tượng bắt buộc phải đóng BHXH đối với lao động người nước ngoài, thế nhưng trên thực tế, doanh nghiệp và cơ quan quản lý vẫn chưa rõ một số đối tượng có thuộc diện phải bắt buộc đóng BHXH hay không.

Đại diện một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nêu ý kiến tại Hội nghị -Ảnh: Lê Hoàng

Thông tin này được ghi nhận tại hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền TPHCM liên quan đến bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam diễn ra tại TPHCM vào ngày 30-11.

Luật BHXH năm 2014 quy định đối với người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam được tham gia BHXH bắt buộc, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Quy định này có hiệu lực từ ngày 1-1-2018.

Và Nghị định số 143/2018/NĐ-CP ngày 15-10-2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật BHXH và Luật An toàn, vệ sinh lao động về BHXH bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam chính thức có hiệu lực từ ngày 1-12-2018. Cụ thể, từ ngày 1-12-2018, người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, trừ trường hợp người lao động di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp hoặc đã đủ tuổi nghỉ hưu như quy định tại khoản 1 Điều 187 của Bộ luật Lao động hiện hành.

Theo đó, người lao động nước ngoài thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có Hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ một năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.

Nếu người lao động nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật của doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam, di chuyển tạm thời trong nội bộ doanh nghiệp sang hiện diện thương mại khác trên lãnh thổ Việt Nam và đã được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng trước đó ít nhất 12 tháng, là không thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc.

Tuy nhiên, tại hội nghị một số ý kiến của doanh nghiệp băn khoăn rằng có nhiều trường hợp lao động người nước ngoài có giấy phép lao động, nhưng không có hợp đồng lao động, và không nhận tiền lương ở công ty tại Việt Nam (họ lãnh lương của tập đoàn mẹ), nhưng người lao động này vẫn nhận tiền trợ cấp tại doanh nghiệp Việt Nam, thì đối tượng lao động này có thuộc diện bắt buộc phải đóng BHXH hay không? Theo lý giải của các doanh nghiệp, phần lớn những người lao động này đến Việt Nam làm việc bằng thư bổ nhiệm của tập đoàn mẹ và lãnh đạo tập đoàn mẹ cũng đưa ra một mức đề xuất phụ cấp cho người lao động này mà phía doanh nghiệp tại Việt Nam phải chi trả.

Dù quy định đối tượng bắt buộc đối với lao động người nước ngoài trong Nghị định 143 đã rõ, nhưng với trường hợp thực tế phát sinh đang diễn ra ở các doanh nghiệp, đại diện của cơ quan quản lý cũng không thể trả lời được mà chỉ ghi nhận báo cáo cấp trên để trả lời cho doanh nghiệp sau.

Chia sẻ với báo chí sau cuộc đối thoại này, bà Nguyễn Thị Thu, Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội TPHCM, cho rằng phản ánh trên của các doanh nghiệp đúng là chưa thể có câu trả lời ngay vì áp vào trường hợp nào cũng bị vướng.

"Những người lao động này nhận trợ cấp lương của doanh nghiệp tại Việt Nam, nhưng lại không ký hợp đồng thỏa thuận lao động, mà theo quy định, không có hợp đồng lao động thì không phải bắt buộc đóng BHXH. Trong khi đó, một khi doanh nghiệp phải trả bất kỳ một khoản lương nào cho người lao động thì doanh nghiệp phải có hợp đồng lao động với người lao động đó", bà Thu nói.

Tuy nhiên, theo phản ánh của đại diện các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại buổi đối thoại, cơ quan thuế địa phương lâu nay vẫn chấp nhận một khoản chi cho người lao động mà không đòi hỏi doanh nghiệp cung cấp hợp đồng lao động với người lao động đó. Bà Thu cho rằng sẽ rà soát lại vấn đề này.

Từ ngày Nghị định 143 có hiệu lực, tức từ ngày 1-12-2018, doanh nghiệp chỉ phải đóng hai khoản, gồm: 3% (tiền lương đóng BHXH) vào quỹ ốm đau và thai sản và 0,5% vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Và từ ngày 1-1-2022 trở đi, doanh nghiệp và người lao động nước ngoài mới bắt đầu đóng thêm lần lượt là 14% và 8% vào quỹ tử tuất và quỹ hưu trí.

Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Nghị định này và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên về cùng một vấn đề, áp dụng quy định của điều ước quốc tế.

Báo cáo về tình hình người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam của Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội cho thấy chỉ trong vòng hơn 10 năm, số lao động người nước ngoài ở Việt Nam tăng từ hơn 12.600 người năm 2004 lên đến hơn 83.500 người năm 2015 và đang có xu hướng tiếp tục tăng lên trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. Trong đó, lao động thuộc diện được cấp phép chiếm tới hơn 93% số lao động nước ngoài đang làm việc ở Việt Nam. TPHCM, Bình Dương, Hà Nội, Đồng Nai… là những địa phương thu hút nhiều lao động người nước ngoài.

Chính vì vậy, các chuyên gia nhận định xu hướng chuyển dịch lao động giữa các quốc gia là vấn đề thực tế, song điều quan trọng nhất là các lao động nước ngoài khi sinh sống và làm việc trên lãnh thổ Việt Nam, cũng như lao động Việt Nam tại nước ngoài, quan trọng nhất là cần tôn trọng, tuân thủ theo quy định của nước sở tại.

Cơ quan Bảo hiểm Xã hội TPHCM cũng lưu ý các doanh nghiệp, quy định trường hợp người lao động nước ngoài di chuyển nội bộ doanh nghiệp không thuộc đối tượng tham gia BHXH chỉ được áp dụng cho các doanh nghiệp có giấy miễn giấy phép lao động thuộc phạm vi 11 ngành dịch vụ trong Biểu cam kết cụ thể về dịch vụ của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) được quy định tại Thông tư 35/TT-BCT ngày 28-12-2016 của Bộ Công Thương.

Lê Hoàng

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/282306/lao-dong-nguoi-nuoc-ngoai-bat-buoc-dong-bhxh-vuong-du-thu.html