Lao động nghề biển - bài toán chưa có lời giải

Sau những ngày nghỉ Tết cổ truyền Đinh Dậu, bước vào thời điểm mở biển đầu năm nay, hàng chục tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân các làng biển TP Tuy Hòa, Phú Yên vẫn không thể xuất bến ra khơi vì thiếu nhân lực đi biển. Nhiều chủ tàu phải bỏ ra vài chục triệu đồng để 'mua bạn' (lao động trên tàu cá) đi làm trên phương tiện của mình, nhưng đến ngày xuất bến, cầm điện thoại gọi họ thì 'thuê bao không liên lạc được?!'.

Ngư dân phường 6, TP Tuy Hòa tập kết lương thực, thực phẩm xuống tàu để chuẩn bị mở biển sau những ngày nghỉ Tết. Ảnh: Phương Oanh

Lận đận mở biển

Tại cảng cá phường 6, TP Tuy Hòa, những ngày đầu xuân, hàng chục chủ tàu đánh bắt cá ngừ đại dương đang trong tình cảnh phờ phạc vì phải chạy dáo dác khắp nơi, tìm kiếm thêm người đi bạn cho phương tiện của mình. Một số chủ tàu sắm chuyến, bơm dầu, đưa đá vào hầm tàu cả tuần lễ, rồi phải dời ngày xuất bến đến "năm lần, bảy lượt" vẫn chưa thể ra khơi vì thiếu lao động.

Anh Trần Ngọc Cường, chủ tàu đánh bắt cá ngừ đại dương PY 96455 TS cho biết, tàu cá của anh làm nghề câu giàn, mỗi chuyến đánh bắt tàu cần đến 9 lao động. Những ngày trước Tết Nguyên đán, anh đã đến gặp gỡ, thống nhất cùng các thuyền viên của mình chọn ngày mùng 6 Tết mở biển. Để anh em toàn tâm, toàn ý đi làm cho mình, giáp Tết, anh đã chạy tiền ứng cho mỗi lao động từ 3 đến 5 triệu đồng, trong đó, 1 triệu anh biếu gia đình, còn lại cho họ mượn thêm, sau này chuyến biển nào được chia nhiều tiền thì trả dần. Mọi người vui vẻ nhất trí và hứa đúng ngày mở biển là xuống tàu.

Tuy vậy, sáng mùng 6 Tết, chỉ 5 người có mặt tại bến, 4 lao động khác đã tắt điện thoại di động. Anh Cường phải thay đổi ngày mở biển đến mùng 9 Tết, nhưng lại thêm một lần nữa phải hoãn và anh chuyển qua ngày 16 tháng Giêng mới xuất bến. "Tôi với người nhà đang lặn lội khắp nơi đi tìm lao động, mong có đủ bạn thuyền để ngày 16 âm lịch nhất định phải xuất bến. Tàu có to cỡ nào, ngư lưới cụ có hiện đại đến mấy nhưng không có lao động, tàu nằm bờ thì cũng bằng không" - Anh Cường mệt mỏi thổ lộ.

Chị Tôn Thị Lệ, vợ của chủ tàu PY 92279 TS cũng cho biết, dù đã quyết định chọn ngày 16 tháng Giêng xuất bến, nhưng vợ chồng chị vẫn chưa dám chắc phương tiện mình sẽ đi biển. Bởi đã thấy cảnh có chủ tàu thuê taxi đến tận nhà đón bạn ra cảng, nhưng nửa đường anh bạn ấy tìm cớ ghé qua chợ mua ít đồ. Khi ra khỏi taxi, người ấy lủi vào chợ, xe ở ngoài chờ mãi không thấy ra.

Hiện, chị Lệ đã bỏ ra hơn 30 triệu đồng để kiếm lao động đi bạn. Ngoài 2 triệu đồng đưa hẳn cho mỗi ngư dân đi bạn, chị còn "bị" họ hỏi mượn thêm mỗi người từ 2 đến 3 triệu đồng. "Mùa biển năm ngoái chỉ đủ bù tổn chứ không dư dả mà tích lũy. Trong nhà không có tiền vẫn phải cố gắng chạy cho ra tiền và cũng phải vui vẻ đưa, để họ không phật lòng mà nhận lời đi bạn" - Chị Lệ chia sẻ. Tuy đã cố gắng làm mọi cách, nhưng chị vẫn chưa yên tâm. Đầu mùa biển năm trước, một anh bạn thuyền đến gặp, nhận lời đi biển cho tàu của chị. Sau khi cầm của chị 2 triệu đồng tiền ứng, anh bạn này lại tiếp tục sang 3 chủ tàu khác để ứng tiền cam kết đi biển. Đến ngày mở biển, cả 4 chủ tàu đều không ai thấy anh bạn này xuất hiện.

"Ghe tui làm nghề câu đèn, mỗi chuyến biển cần 7 đến 8 lao động, người nào việc đó. Nếu thiếu người thì anh em còn lại không thể gánh vác hết công việc. Mình đang rất cần lao động, thấy họ đồng ý đi thì mừng. Thế nhưng, ngày xuất bến, họ không đến đành bó tay. Chừng nào nổ máy, rời bến mới biết là tàu mình thực sự đi biển" - Chị Lệ cám cảnh giãi bày.

Luẩn quẩn trong khó khăn

Theo nhiều ngư dân TP Tuy Hòa, việc người đi bạn trên tàu lừa lấy tiền của chủ tàu cá rồi trốn, không đi biển như cam kết là câu chuyện đã diễn ra khá phổ biến từ nhiều năm nay tại các làng biển ở TP Tuy Hòa. Chủ tàu Trần Văn Cường cho biết, việc cam kết giữa chủ tàu và bạn thuyền lâu nay chủ yếu là trên tinh thần bầu bạn của nghề biển truyền thống. Hiếm hoi, cũng có những tờ giấy cam kết nhưng thực tế, dù có cam kết giấy tờ, bạn thuyền đã lấy tiền mà không đi biển, chủ tàu cũng đành chịu.

"Phí tổn mỗi chuyến biển hơn cả trăm triệu đồng nên khi dầu, đá đã đưa xuống tàu là phải tìm cách làm sao nổ máy, ra khơi đánh bắt. Bám đuổi kiện tụng để lấy lại vài triệu đồng rất mệt mỏi, có khi thiệt hại còn lớn hơn. Chúng tôi cầu hòa cốt mong đủ bạn thuyền, tàu ra khơi an toàn, trở về tàu đầy ắp cá. Nhưng lợi dụng tâm lý này của chủ tàu mà nhiều lao động đã lừa lấy tiền. Anh này lừa được thì anh khác làm theo khiến mùa mở biển nào cũng có hàng trăm chủ tàu lao đao, khốn đốn" - Anh Cường chia sẻ.

Thiếu lao động nghề biển, nhiều tàu cá ở Phú Yên vẫn phải neo tàu nằm bờ. Ảnh: Phương Oanh

Tuy nhiên, với những người lao động, họ cũng có những lý do chính đáng của mình. Từ vùng quê Hòa An, huyện Phú Hòa xuống đầu quân cho một tàu cá ở phường 6, TP Tuy Hòa, ngư dân Trần Văn Việt tâm sự: "Bên cạnh những người lao động lừa tiền hay chỉ biết chạy theo những tàu có thu nhập cao, vẫn còn nhiều người trung thành, nghĩa tình, có trước có sau với các chủ tàu anh em".

Song anh Việt cũng khẳng định, cách đây 10 năm, khi nghề đánh bắt xa bờ ăn nên làm ra, thu nhập của lao động mỗi chuyến biển từ 7 - 10 triệu đồng, nhiều người làm ruộng rẫy cũng đổ về làng biển xin đi làm cho tàu cá. Nay một tháng ra biển về, tàu no cá thì được 5-6 triệu đồng, nếu kém chỉ hơn 1 triệu đồng, thậm chí tàu âm tổn thì chẳng có đồng nào! Trong khi đó, lên bờ đi làm phụ hồ hay lên núi thu hái cà phê thuê, thu nhập tuy không nhiều nhưng ổn định mà ít rủi ro, nguy hiểm.

Ông Phạm Minh Thảo, Chủ tịch UBND phường 6, TP Tuy Hòa cho biết, thực tế tiền thuê mướn, ứng trước để "mua" lao động đi biển đã đội chi phí chuyến biển lên đến trên 30%. Trong khi đó, hiện nay, số lượng tàu cá tăng, nhưng trữ lượng đánh bắt lại sụt giảm, vì thế chuyến biển khó có lãi. Ngược lại, khi chuyến biển không có lãi thì càng không thu hút người đi bạn trên tàu cá.

Cũng theo ông Thảo, hiện nay, sự dịch chuyển lao động từ vùng biển sang các đô thị ngày càng lớn. Tình trạng khan hiếm lao động đi biển đã khiến cho nhiều chủ tàu ở làng biển phường 6 không mạnh dạn mở biển. "Tàu đã đóng, ngư lưới cụ đã sắm, tiền đầu tư vào nghề cả tỷ đồng, nếu để nằm bờ phơi nắng, phơi mưa lâu ngày tàu cá chẳng mấy chốc trở thành đống gỗ mục. Không chỉ ngư dân mà cán bộ địa phương đều rất sốt ruột trước tình cảnh này" - Ông Thảo nói.

Ông Phan Thuẩn, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường 6, TP Tuy Hòa còn cho biết thêm, việc khan hiếm lao động còn khiến chủ tàu "bốc" đại lao động mà không cần biết họ có chuyên môn nghề biển hay có đủ sức khỏe chịu sóng gió? Đã có nhiều thuyền viên ra biển bị tai biến, đột tử hay trong lúc làm việc sơ suất bị rơi xuống biển mất tích! Hệ lụy ấy đã khiến các chủ tàu càng bị cuốn vào sự luẩn quẩn của khó khăn có khi phải bán tàu, bỏ biển. "Giá như Chính phủ có chính sách về hỗ trợ phát triển nhân lực đánh bắt xa bờ, ngư dân có thu nhập ổn định, bà con làng biển mới yên tâm vươn khơi, bám biển "- Ông Thuẩn bày tỏ ước muốn.

Theo ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên, thực tế thiếu hụt lao động nghề biển không có nghĩa ở vùng biển thiếu lao động, mà chính ở chỗ sức hút từ nghề biển đối với người lao động ngày càng giảm sút. Thu nhập ổn định cùng với sự gắn kết chặt chẽ giữa chủ tàu với người lao động mới chính là cách để từng bước giải quyết khan hiếm lao động đi biển. Hiện, một số tổ hợp tác đánh bắt xa bờ ở Phú Yên cũng đã bắt đầu áp dụng mô hình có ký kết hợp đồng lao động, trả một khoản tiền hằng tháng cho nhân công đi bạn trên tàu cá. Thế nhưng, điều này vẫn khó phổ biến, bởi hầu hết các tàu xa bờ là tài sản của từng gia đình, cách quản lý vẫn theo kiểu "chuyến nào ăn chuyến đó". Thế nên, chủ các tàu cá quanh năm loay hoay giải bài toán khó về lao động nghề biển nhưng vẫn chưa có được lời giải khả dĩ hơn cho mình.

Phương Oanh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/lao-dong-nghe-bien-bai-toan-chua-co-loi-giai/