Lao động giá rẻ không còn là thế mạnh của Việt Nam trong kỷ nguyên số

Khoảng 56% lực lượng lao động từ 5 nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, đang đứng trước rủi ro cao bị thay thế bởi công nghệ mới trong 1-2 thập niên tới.

Đây là nhận định được đưa ra trong Hội thảo Năng lực cạnh tranh và Phát triển bao trùm trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ 4 diễn ra sáng nay (17/11) tại Hà Nội.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ đem lại những cơ hội và thách thức cho thị trường lao động Việt Nam (Ảnh minh họa).

Phát biểu tại hội thảo, ông Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, theo ước tính của tổ chức Lao động quốc tế, có khoảng 56% lực lượng lao động của 5 nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, đang đứng trước rủi ro cao bị thay thế bởi công nghệ mới trong 1-2 thập niên tới.

Nếu Việt Nam không đạt được nhiều việc làm và thu nhập cho lực lượng lao động, nhất là lao động trẻ thì sự phân hóa giàu nghèo sẽ càng sâu sắc hơn.

Bên cạnh đó, các liên kết kinh tế đa tầng lớp với các luật chơi mới mà Việt Nam đang tham gia, một mặt mở ra không gian phát triển mới, mặt khác cũng đang đặt ra sức ép cạnh tranh rất lớn đối với các doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung. Do đó, để nâng cao năng lực cạnh tranh và bảo đảm phát triển bao trùm trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng và sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là một yêu cầu cấp thiết đối với cả nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.

Còn theo ông Justin Wood, Giám đốc phụ trách khu vực châu Á Thái Bình Dương của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), kể từ năm 1980 đến nay, Việt Nam đang trong quá trình phát triển từ quốc gia có thu nhập thấp, sang quốc gia có thu nhập trung bình. Nhiệm vụ cần làm trong giai đoạn hiện tại là đưa Việt Nam từ quốc gia có mức thu nhập trung bình lên mức thu nhập cao.

"Đây là điều không hề dễ dàng. Chúng tôi có một thuật ngữ là bẫy của các quốc gia thu nhập trung bình. Các quốc gia này phải đối mặt với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ làm thay đổi tất cả mọi thứ, từ con đường phát triển, cách thức công nghiệp hóa. Một quốc gia truyền thống như Việt Nam vẫn đang tận dụng giá lao động thấp trong khu vực để có thể phát triển và cạnh tranh với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đây không còn là thế mạnh của Việt Nam. Thay vào đó, chúng ta phải tập trung vào chất lượng lao động thay vì giá thành lao động", ông Justin Wood nhấn mạnh.

Đại diện của WEF cũng cho rằng, năng suất lao động cao là chìa khóa để chất lượng đời sống của người lao động được cải thiện.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu và phát biểu tổng kết, chỉ đạo tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra một thế giới siêu kết nối số, đang làm thay đổi sâu rộng cuộc sống, hành vi của mỗi người dân. Tạo điều kiện để tăng năng suất, tạo ra những mô hình kinh doanh mới. Với cách tiếp cận phù hợp, cộng đồng thu nhập thấp cũng có khả năng tham gia và hoàn toàn có cơ hội hưởng lợi trực tiếp từ cuộc cách mạng này mang lại. Lịch sử cũng đã chứng minh có nhiều quốc gia đã trở mình mạnh mẽ và thành công vượt trội trong các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây.

Phó Thủ tướng cho rằng, thế giới siêu kết nối sẽ tạo ra những cơ hội mới cho các cá nhân, gia đình, tổ chức ở mọi vùng miền, từ hải đảo, nông thôn hay thành thị. Lần đầu tiên trong lịch sử, mọi người dân đều có thể khởi nghiệp. Đây thực sự là cơ hội cho sự phát triển bao trùm.

Phó Thủ tướng nhận định, trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0, Việt Nam với thị trường hơn 93 triệu dân, lợi thế dân số trẻ, ngày càng được tiếp cận với giáo dục ưu việt, tỷ lệ tiếp cận internet khá cao, ngoại ngữ đang được cải thiện hoàn toàn có những lợi thế nhất định, để có thể đi nhanh hơn và đuổi kịp các nước phát triển.

Song bên cạnh đó, Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với không ít những thách thức về cạnh tranh và phát triển bao trùm. Những mô hình kinh doanh số đặt ra nhiều vấn đề về cải cách tài chính, công bằng, mà taxi truyền thống và taxi công nghệ là một ví dụ điển hình. Cuộc cách mạng công nghiệp số tạo ra cơ hội cho các cá nhân nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ tụt hậu đối với những cộng đồng thiểu số.

Ngoài ra, bối cảnh mới cũng đòi hỏi người lao động có chất lượng cao, khả năng thích ứng nhanh, năng lực đổi mới sáng tạo. Đây cũng là yêu cầu cấp bách đặt ra đối với hệ thống giáo dục đào tạo và dạy nghề của quốc gia trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0./.

Nguyễn Trang/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/lao-dong-gia-re-khong-con-la-the-manh-cua-viet-nam-trong-ky-nguyen-so-696700.vov