Lao động di cư gặp khó khăn trong tiếp cận an sinh xã hội

Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ phối hợp với Mạng lưới hành động vì lao động di cư (M.net) và AMRC - tổ chức phi chính phủ về các vấn đề lao động châu Á - vừa tổ chức hội thảo Tiếp cận an sinh xã hội của lao động di cư Việt Nam.

Báo cáo tại hội thảo cho thấy lao động di cư hiện nay chiếm 8,4% tổng số lao động trong cả nước, trong đó 3,1% di cư trong huyện, 1,5% di cư giữa các huyện trong tỉnh, 3,8% di cư giữa các tỉnh. Khu vực Đông Nam Bộ có tỉ lệ lao động di cư cao nhất cả nước (20,4%), Bình Dương là tỉnh có tỉ lệ lao động di cư cao nhất (35,8%), tiếp đến là TP HCM (22,6%). Nhiều chuyên gia cho rằng nguyên nhân khiến lao động di cư đến các TP lớn là để tìm việc làm mới, tăng nguồn thu nhập và ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên, người lao động di cư vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận các hệ thống an sinh xã hội, thu nhập không cao, chịu nhiều thiệt thòi về nhà ở, dịch vụ y tế, giáo dục..., nhất là nền kinh tế Việt Nam đang bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, khiến số lao động thiếu việc làm tăng đáng kể.

Đại diện LĐLĐ TP HCM phát biểu tại hội thảo

Đại diện LĐLĐ TP HCM phát biểu tại hội thảo

Qua khảo sát đối với lao động di cư sống ở các quận, huyện tại TP HCM cho thấy chất lượng cuộc sống của người nhập cư còn thấp. Tỉ lệ sở hữu nhà ở thấp chỉ 40%, 60% phải thuê nhà trọ. Đại diện LĐLĐ TP HCM kiến nghị nhà nước cần điều tiết di dân bằng các chính sách liên kết vùng, chính sách phát triển kinh tế - xã hội; cần có quy hoạch vùng, đô thị trọng điểm, liên kết vùng trong phát triển kinh tế.

Tin-ảnh: G.Nam

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/lao-dong-di-cu-gap-kho-khan-trong-tiep-can-an-sinh-xa-hoi-20201028200745794.htm