'Lao động của phạm nhân không phải cưỡng bức'

Lao động của phạm nhân trong trại giam được thực hiện theo Luật Thi hành án hình sự; có sự quản lý của trại giam, không bị chuyển nhượng và đặt dưới quyền sử dụng của tư nhân.

Sáng 8/6, Nghị quyết về việc gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế về Xóa bỏ lao động cưỡng bức chính thức được Quốc hội thông qua với 458/460 đại biểu tán thành.

Trình bày báo cáo giải trình tiếp thu, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho biết các đại biểu Quốc hội đều nhất trí về sự cần thiết gia nhập Công ước số 105 và cho rằng việc gia nhập Công ước phù hợp với đường lối đổi mới, hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước.

Việc gia nhập Công ước số 105 vào thời điểm này được nhận định là thận trọng, phù hợp với quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, vì lợi ích quốc gia, thực hiện chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân, không chấp nhận cưỡng bức bóc lột lao động.

 Báo cáo giải trình, tiếp thu, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho biết các đại biểu Quốc hội đánh giá việc gia nhập Công ước số 105 phù hợp với đường lối đổi mới, hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước. Ảnh: quochoi.vn.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho biết các đại biểu Quốc hội đánh giá việc gia nhập Công ước số 105 phù hợp với đường lối đổi mới, hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước. Ảnh: quochoi.vn.

Ý kiến các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng các nội dung của Công ước không trái với quy định của Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cũng cho biết có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định về lao động của phạm nhân trong trại giam.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội dẫn Công ước số 29 của Tổ chức Lao động quốc tế về lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc cho rằng lao động của phạm nhân là một trong năm trường hợp ngoại lệ không coi là lao động cưỡng bức và theo Công ước số 29, nghĩa vụ lao động của phạm nhân là kết quả, hệ lụy xuất phát từ phán quyết của Tòa án.

Về vấn đề này, theo chuyên gia của Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam, phạm nhân là những người có quyết định thi hành án của Tòa án.

Việc lao động của phạm nhân trong trại giam được thực hiện theo quy định của Luật Thi hành án hình sự và đặt dưới sự giám sát, quản lý của trại giam, đồng thời, họ không bị chuyển nhượng hoặc bị đặt dưới quyền sử dụng của tư nhân. Với 3 điều kiện trên, lao động của phạm nhân là trường hợp ngoại lệ, không bị coi là lao động cưỡng bức theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 2 của Công ước số 29.

Thông qua Nghị quyết này, Quốc hội giao Thủ tướng chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Công ước số 105, phê duyệt và chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan ở Trung ương và địa phương triển khai kế hoạch thực hiện Công ước số 105.

Đồng thời, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tuyên truyền, phổ biến kịp thời, đầy đủ nội dung Công ước số 105 và những nội dung liên quan để tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân.

Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan hoàn thành thủ tục đối ngoại về việc gia nhập Công ước số 105 và thông báo thời điểm Công ước số 105 có hiệu lực đối với Việt Nam.

Hoài Vũ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/lao-dong-cua-pham-nhan-khong-phai-cuong-buc-post1093239.html