Lao đao hủ tiếu gõ

Bao năm tha hương, họ cặm cụi bên xe hủ tiếu, gom từng đồng bạc lẻ để về quê xây dựng nhà cửa và lo cho con ăn học. Giờ, đại dịch Covid-19 khiến nhiều người phải hồi hương với bao nỗi âu lo. Người ở lại thị thành thẫn thờ nhìn phố vắng cùng tiếng thở dài nghe não lòng...

Vừa bán, vừa lo

Phố xá vắng người. Đèn vàng hiu hắt dưới trời khuya. Vợ chồng anh Trần Văn Hoàng và chị Nguyễn Thị Hồng ngồi thu lu trên ghế nhựa cạnh xe hủ tiếu gõ bên đường Hà Huy Giáp, quận 12 (TP.Hồ Chí Minh). Chị Hồng nhìn hàng hóa chẳng vơi được bao nhiêu rồi lặng lẽ cúi đầu giấu nỗi buồn vào lòng. Anh Hoàng đẩy tiếng thở dài qua làn khói thuốc, mắt dõi về quê hương xã Phổ Cường, (TX.Đức Phổ), cách xa cả nghìn cây số. Hơn 20 năm trước, anh chị kết hôn rồi dắt nhau rời làng tìm kế mưu sinh.

Anh Nguyễn Văn Thái bên xe hủ tiếu gõ. Ảnh: NVCC

Tầm 8 giờ sáng, chị Hồng ra chợ mua thực phẩm rồi trở về phòng trọ lúi húi nấu nướng. Sau bữa sáng, anh Hoàng đến các cơ sở sản xuất mua hủ tiếu, mì sợi, giá đỗ... mang đến tận nơi giao cho những người bán hủ tiếu gõ để kiếm thêm thu nhập. Bữa cơm trưa vội vàng và nghỉ ngơi chốc lát, anh chị đẩy xe hủ tiếu ra lề đường bán đến 2 giờ sáng. Nhiều bữa ế ẩm, vợ chồng anh Hoàng nán lại chờ khách đến 4 giờ sáng mới thu dọn trở về phòng trọ với cơ thể rã rời. Đổi lại mỗi bữa nhọc nhằn như thế là khoản tiền hơn 1 triệu đồng để thuê phòng trọ, chi tiêu trong gia đình và lo cho 3 con ăn học nơi thị thành.

Khi dịch Covid-19 tái bùng phát, anh chị luôn theo dõi thông tin với bao nỗi âu lo. Nhiều người mua hủ tiếu, mì sợi, giá sống... của anh Hoàng tạm nghỉ bán về quê tránh dịch. Những người còn lại bán ế ẩm nên mua ít, nhưng anh vẫn mang đến tận nơi để giữ mối dù "tiền lời không đủ đổ xăng xe máy". Xe hủ tiếu của anh chị ngày càng vắng khách vì "họ sợ bị nhiễm bệnh" nên không dám đến ăn.

Rồi giãn cách xã hội nên chỉ bán mang về, khách mua chẳng là bao, thực phẩm còn nhiều dù chỉ sắm bằng 1/3 so với trước. Anh Hoàng bảo, nghỉ bán nhưng chị Hồng vẫn động viên gắng gượng kiếm chút đỉnh trả tiền thuê phòng trọ và lo cho các con. Lòng anh chị rối bời khi con gái lớn sắp vào đại học. "Con bé chăm ngoan và học giỏi lắm nên vợ chồng tôi gắng sức kiếm tiền để lo cho cháu. Khách đến mua tôi sợ lắm, chẳng biết họ có ủ bệnh hay không. Nhiều người giữ ý đứng cách xa cũng đỡ, gặp người đến gần dù đeo khẩu trang nhưng tôi vẫn quay mặt đi chỗ khác, không dám nói thẳng vì sợ họ giận...", chị Hồng bộc bạch. "Tiền thì rất cần nhưng tính mạng quan trọng hơn hết. Nếu dịch diễn biến phức tạp thì chắc cũng phải nghỉ bán, chạy vạy vay mượn để chi tiêu và lo cho con chứ biết sao bây giờ!", anh Hoàng than thở.

Căn phòng nhỏ của anh Nguyễn Văn Thái thuê trọ bên đường Song Hành, huyện Hóc Môn (TP.Hồ Chí Minh) vắng tiếng trẻ thơ cười đùa ngày dịch giã. Nghe tin TP.Hồ Chí Minh xuất hiện ca bệnh, anh Thái đưa vợ cùng con trai đầu lòng vừa qua thôi nôi vượt hơn 210 km bằng xe máy về bên ngoại ở Bình Phước rồi trở lại nơi trọ mưu sinh.

Thuở yên bình, anh Thái cưỡi xe máy đến chợ mua thực phẩm rồi trở về lúi húi chế biến đến 13 giờ. Ăn vội bữa trưa và nghỉ ngơi hơn giờ đồng hồ, anh đẩy xe hủ tiếu ra phía trước bán cho thực khách đến gần 3 giờ sáng hôm sau. Vợ anh Thái chăm con và phụ giúp chồng lúc đông khách bên tiếng ê a của con trẻ. Mỗi bữa như thế vợ chồng anh kiếm được gần 500 nghìn đồng sau khi trừ tiền thuê phòng trọ. Giờ, mình anh bên xe hủ tiếu, nhớ con quặn thắt cõi lòng, nỗi cô đơn khiến ngày dài lê thê. Khách mua mang về quá ít nên chẳng có tiền lời, có bữa còn lỗ vốn. Tiền mua sữa cho con, tiền thuê trọ mỗi tháng 7 triệu đồng quẩn quanh trong tâm trí. Nhớ mẹ mỏi mòn ngóng chờ ở quê nhà Phổ Cường, nhưng chẳng thể về thăm vì phải hạn chế đi lại trong thời gian xảy ra dịch bệnh. Thương con thơ nhưng không thể ở bên để vỗ về nựng nịu. "Chắc phải nghỉ bán và nằm yên trong phòng trọ thôi chứ dịch bệnh lây lan nguy hiểm quá anh à! Không khéo mắc bệnh hay phải đi cách ly thì càng khổ...", anh Thái lo lắng.

Về quê tránh dịch

Dù chưa giãn cách xã hội, nhưng vợ chồng ông Tạ Văn Ngọt, ở thôn Nga Mân, xã Phổ Cường vẫn bắt xe từ TP.Hồ Chí Minh về quê vì "bán quá ế ẩm". Nỗi sợ nhiễm bệnh khiến những thực khách quen thuộc không đến xe hủ tiếu gõ của vợ chồng ông như trước. Khách gọi mang đến tận nhà cũng giảm hẳn bởi cuộc sống của họ cũng khó khăn.

Vì dịch Covid-19 bùng phát ở TP.Hồ Chí Minh, vợ chồng ông Tạ Văn Ngọt đã phải về nhà ở xã Phổ Cường (TX.Đức Phổ) mà lòng nặng trĩu. ẢNH: TRANG THY

Vừa trở về, vợ chồng ông đến ngay Bệnh xá Đặng Thùy Trâm khai báo y tế, rồi ở luôn trong nhà theo khuyến cáo của chính quyền địa phương. "Ngồi không chân tay bứt rứt" nên ông Ngọt vác cuốc ra vườn giẫy cỏ dại và lui cui bên những cây dừa cao quá đầu người. Lát sau, ông vác cuốc vào nhà ngồi thở dốc vì bệnh nặng, phải uống thuốc hằng ngày. "Lớn tuổi lại mắc nhiều bệnh nên chỉ có bán hủ tiếu chứ đâu đủ sức làm những việc nặng nhọc. Ngặt nỗi, dịch bệnh như vậy đành phải về quê chứ ở trong đó bán chẳng được mà không chừng còn bị mắc bệnh thì càng khổ. Giờ chỉ mong mau hết dịch để vào trong đó kiếm tiền chi tiêu hằng ngày và lo cho con bé út là sinh viên vừa học xong năm thứ 2...", ông Ngọt tâm sự.

Ở quê, vợ chồng ông Ngọt có 5 sào ruộng bạc màu, thu nhập chẳng đáng là bao. Vậy nên, ông bàn với vợ giao ruộng cho người thân canh tác rồi rời làng tìm kế mưu sinh. Hằng ngày, ông bà cặm cụi bên xe hủ tiếu gõ từ trưa đến tận đêm khuya. Dẫu vất vả nhưng vợ chồng ông hồ hởi khi bận rộn phục vụ thực khách. Nhìn khách ăn ngon miệng, ông bà tươi cười mãn nguyện. Những lúc vắng khách, lòng dậy lên nỗi nhớ quê nhà da diết. Gần 30 năm cơ cực nơi đất khách, vợ chồng ông dành dụm xây nhà và lo cho 3 con ăn học. "Dịch bệnh phải về thôi chứ biết làm sao được! Về ngoài này nhưng vẫn phải đóng tiền phòng trọ cho chủ nhà mỗi tháng 3 triệu đồng. Năm trước dịch bệnh cũng phải về quê cả nửa năm, chẳng có đồng ra đồng vào nên cuộc sống hết sức khó khăn...", bà Phạm Thị Cúc - vợ ông Ngọt tâm sự.

Hơn tháng trước, anh Nguyễn Quốc Văn đưa vợ từ TP.Thủ Đức (TP.Hồ Chí Minh) về quê nghỉ lễ 30.4 - 1.5 và chuẩn bị sinh con đầu lòng. Thu xếp xong công việc, anh Văn chuẩn bị bắt xe vào lại bán hủ tiếu, thì nhận được tin phát hiện ca bệnh nên phải ở nhà. Hằng ngày, anh Văn luôn theo dõi thông tin tình hình dịch bệnh ở nơi xa quê gần cả nghìn cây số. Nỗi lo "cơm áo gạo tiền" lúc dịch bệnh cùng khoản tiền 4,5 triệu đồng thuê phòng trọ và điểm bán hủ tiếu luôn nặng trĩu trong lòng.

Quê nhà mùa nắng hạn ruộng đồng chẳng thể sạ lúa vì không có nước tưới khiến cuộc sống thêm chơi vơi. "Không phải chỉ riêng tôi, nhiều người bán hủ tiếu và làm những việc khác cũng trở về vì dịch bệnh, dù phải trả tiền thuê phòng trọ. Bởi vì, ở trong đó không làm ăn được lại thêm nguy cơ mắc bệnh nên phải về...", anh Văn tâm sự. "Ở trong đó dịch giã nên nhiều người về quê nhưng ruộng bỏ hoang vì không có nước, cuộc sống tới đây sẽ rất khó khăn. Sợ nắng miết thì giếng nước khô cạn như năm ngoái, hết sức khổ sở", cha anh là ông Nguyễn Mười góp chuyện.

Xã Phổ Cường có hơn 7.000 người tha hương tìm kế mưu sinh ở các tỉnh, thành phố, chiếm gần 46% dân số toàn xã. Trong đó, phần lớn trong số họ bán hủ tiếu gõ với bao nỗi nhọc nhằn. Đại dịch Covid-19 khiến nhiều người rời chốn thị thành với gương mặt buồn thiu. "Hiện giờ có nhiều người về quê và họ chấp hành đến khai báo y tế theo khuyến cáo của xã. Nếu dịch kéo dài thì cuộc sống của họ sẽ gặp nhiều khó khăn vì không có nguồn thu nhập", Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Phổ Cường Bùi Văn Chuyên cho biết.

Ra đi kiếm tiền để cuộc sống đủ đầy trong ngày sum họp bên gia đình là ước mơ của những phận đời tha hương. Nơi xứ lạ, họ luôn mong có dịp quay về xứ sở. Nhưng về quê vào những ngày dịch khiến tâm trạng u buồn, nặng trĩu âu lo.

TRANG THY

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2481/202106/lao-dao-hu-tieu-go-3061456/