Lào Cai: Ven dòng Nậm Con

Suối Nậm Con, xã Thẳm Dương (Văn Bàn, Lào Cai) chảy từ chân núi Pú Hẻo ưu ái cho những thôn, bản nơi đây dòng nước mát, chảy qua khoảng không gian được kết tụ từ lịch sử, văn hóa và thiên nhiên... Dòng Nậm Con đã chứng kiến sự kiên cường của cha ông để gìn giữ từng tấc đất với dấu ấn lịch sử Nà Chuồng. Cũng chính nguồn nước này làm nên 'nữ hoàng đệ nhất nếp' Khẩu Tan Đón gắn với truyền thuyết về tiên giáng trần. Nơi dòng suối chảy qua còn để lại những câu hát then, tiếng đàn tính ngày càng ngân xa...

Câu lạc bộ Tảu tính tích cực lưu giữ văn hóa truyền thống

Vùng đất lịch sử

Đã hơn 70 năm trôi qua kể từ ngày giặc Pháp và tay sai tiến đánh Nà Chuồng, xã Thẳm Dương (Văn Bàn) - một trong những căn cứ của Huyện ủy Văn Bàn thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Câu chuyện về sự chiến đấu kiên cường của quân, dân ta và sự hy sinh anh dũng của đồng chí Nguyễn Nhật Ân, Bí thư Huyện ủy lúc bấy giờ vẫn luôn được thế hệ sau nhớ đến.

Những người trực tiếp tham gia cuộc kháng chiến giờ đây đã không còn, nhưng tôi may mắn được gặp ông Nguyễn Xuân San, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy, người từng trực tiếp gặp nhiều nhân chứng lịch sử. Ông đã đến từng thôn, bản để tìm hiểu, nghiên cứu và góp công lớn trong việc biên soạn cuốn lịch sử đầu tiên của Đảng bộ huyện Văn Bàn, xuất bản năm 1999. Lật giở cuốn lịch sử đã phai màu bởi thời gian, ông San chỉ cho chúng tôi xem những trang viết về trận đánh tại Nà Chuồng.
Tháng 6/1949, tại các vùng đất Dương Quỳ, Minh Lương, Khu du kích Gia Lan, Khánh Yên Thượng… giặc Pháp ráo riết tập trung dân, đốt nhà khiến bà con không còn chỗ ở. Để đối phó với địch, ta vận động Nhân dân làm lán bí mật vào rừng sâu, tổ chức cho bộ đội, du kích đánh địch. Thời điểm đó, cơ quan Huyện ủy được bí mật chuyển lên Nà Chuồng, Dương Quỳ (nay là Bản Thẳm, xã Thẳm Dương). Ông San cho hay: Những chiến sỹ năm xưa kể lại, Nà Chuồng là vùng đất được bao bọc bởi lau sậy um tùm, đường đi hiểm trở, thích hợp trở thành nơi ẩn náu, tránh sự phát hiện của địch.

Tuy nhiên, tháng 11/1949, địch đẩy mạnh các hoạt động quân sự, tăng cường càn quét, cho bọn Việt gian, do thám liên lạc với những tên tay sai chỉ điểm nằm vùng. Chúng sử dụng Việt gian tới các làng, bản tuyên truyền Nhân dân bỏ lán tản cư về với Pháp. Sau đó, chúng bao vây căn cứ của ta thành gọng kìm, chặn đường liên lạc của Huyện ủy với Huyện đội và cho một bộ phận lên đánh Nà Chuồng. Ta bất ngờ không kịp đối phó nên bị thiệt hại nặng, 5 đồng chí hy sinh và 5 đồng chí bị bắt, trong số đó có Bí thư Huyện ủy Nguyễn Nhật Ân. Ông bị bắt và tra tấn, truy bức dã man. Chúng còn giở thủ đoạn bôi nhọ, đồng thời cho loa tuyên truyền, ly gián ông với cán bộ và Nhân dân, sau đó giết hại.

Tuy phong trào cách mạng có lúc thăng, lúc trầm nhưng sau những tổn thất đó, cán bộ, đảng viên của Đảng bộ huyện ngày càng trưởng thành, phát triển. Nà Chuồng ngày nay chính là khu nhà văn hóa Bản Thẳm, địa điểm đang được Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Văn Bàn khảo sát, tìm hiểu và đề xuất xây dựng thành di tích lịch sử của địa phương.

“Nữ hoàng đệ nhất nếp”

Khẩu Tan Đón là sản phẩm gạo đầu tiên được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý

Rời câu chuyện lịch sử, hương thơm của xôi nếp đưa bước chân chúng tôi đến nhà chị Hoàng Thị Minh. Bên bếp lửa nhà sàn, thưởng thức món xôi Khẩu Tan Đón với những hạt nếp căng ngậy, dẻo thơm, chúng tôi còn được nghe các cụ bà người Thái kể về nguồn gốc giống nếp quý gắn với truyền thuyết về bà tiên huyền bí. Vì thương người Thái quanh năm chăm chỉ mà cuộc sống vẫn khó khăn, bà tiên đã xuất hiện ban cho giống thóc quý, rồi dặn họ phải tìm được mảnh đất phù hợp cho hạt nảy mầm. Sau bao năm thử trồng, đánh đổi nhiều vụ hạt lép, lúa không trổ bông, cuối cùng, cộng đồng người Thái ở đây cũng tìm ra “mảnh ruộng vàng” bên dòng Nậm Con. Nhờ nguồn nước tưới chảy từ núi Pú Hẻo nên nếp trồng ở Thẳm Dương có vị thơm ngon đặc trưng khác lạ, xứng danh “nữ hoàng đệ nhất nếp”. Sau khi trồng thành công giống nếp thơm, mỗi vụ thu hoạch, người Thái lại tổ chức làm cốm, đồ xôi để tỏ lòng biết ơn tiên bà và tổ tiên đã ban cho “hạt vàng”.

Khẩu Tan Đón là loại gạo nếp trắng, hạt tròn với chất lượng dẻo, thơm và hàm lượng dinh dưỡng cao. Trước kia, Khẩu Tan Đón trồng rất ít, mỗi gia đình chỉ cấy thêm một ruộng nhỏ để lấy gạo phục vụ ngày lễ, tết hoặc gia đình có việc hiếu, hỷ. Năm 2011, tỉnh đã xây dựng mô hình trồng nếp Khẩu Tan Đón Thẳm Dương với quy mô 35 ha, nằm trong dự án sản xuất lúa chất lượng cao nhằm phát triển diện tích, tập trung theo chuỗi giá trị hàng hóa. Mô hình thu hút được sự vào cuộc của các doanh nghiệp trong khâu liên kết tiêu thụ sản phẩm. Tháng 4/2018, Khẩu Tan Đón Thẳm Dương trở thành sản phẩm gạo đầu tiên của địa phương được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý.

Anh Dương Văn Chính, Giám đốc Hợp tác xã Thống Nhất, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Bản Thẳm cho hay: Hiện nay, Khẩu Tan Đón được trồng nhiều ở Bản Thẳm, Bản Ngoang, Bản Bô với tổng diện tích 100 ha, năng suất đạt trên 40 tạ/ha, người dân bán ra thị trường với giá 35.000 đồng/kg. Sản phẩm được đóng bao bì, có thương hiệu riêng. Chính quyền và người dân mong muốn gạo đặc sản sẽ được nhiều người biết đến, góp phần giúp người dân phát triển kinh tế.

Ngân vang điệu hát then, tiếng đàn tính

Quanh bếp lửa hồng, bên mái nhà sàn, từng nốt trầm, bổng thánh thót của đàn tính vang lên. Những nghệ sỹ không chuyên trong Câu lạc bộ Tảu tính của thôn quây quần bên nhau, người đàn tính, người hát then cùng ngân vang các giai điệu của những bài hát dân gian.Từ một nhóm gồm 5 thành viên có cùng đam mê hát và đánh đàn, đến nay Câu lạc bộ Tảu tính đã quy tụ 30 thành viên. Ông Lương Văn Tiến, Chủ nhiệm Câu lạc bộ chia sẻ: Khi mới tập trung bà con có cùng sở thích, chúng tôi không nghĩ sẽ thu hút được nhiều thành viên như hiện tại. Tháng 8/2019, câu lạc bộ chính thức được thành lập, đây cũng là câu lạc bộ tảu tính duy nhất ở Thẳm Dương. Chúng tôi đang tích cực thu hút thêm nhiều thành viên trẻ tuổi tham gia.

Say sưa với tảu tính trên tay, ông Hoàng Văn Phính năm nay 70 tuổi, thành viên nhiều tuổi nhất của câu lạc bộ nhớ lại chuyện xưa: Ngày còn trẻ, chàng trai nào đánh tảu tính giỏi thì sẽ được nhiều cô gái yêu mến. Người con trai khi đi chơi phải mang theo đàn, khi đến nhà cô gái mà mình thích sẽ mang đàn ra gảy, coi như lời mời cô gái đi chơi. Nếu cô gái ưng thuận sẽ men theo tiếng đàn ra ngồi trò chuyện với chàng trai.
Ngày nay, tảu tính không chỉ để giao duyên giữa các nghệ sỹ không chuyên trong câu lạc bộ, mà còn thường được biểu diễn tại các ngày lễ, Tết hoặc những dịp trong thôn có gia đình vào nhà mới, mừng mùa màng bội thu... Mỗi tháng sinh hoạt một lần, các thành viên của câu lạc bộ ôn lại những bài hát cũ, sáng tác bài mới với nội dung ca ngợi quê hương, đất nước, hát giao duyên, tâm tình…

Bên bếp lửa nhà sàn, được thưởng thức món xôi “nữ hoàng đệ nhất nếp”, được lắng nghe lịch sử cách mạng của Bản Thẳm, chúng tôi bắt đầu nghiêng say cùng điệu then, tiếng tảu tính của những nông dân cần cù, chất phác và cảm nhận hơi thở mùa xuân trong cuộc sống bình yên trên mảnh đất bên dòng Nậm Con.

Hoàng Thu

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/lao-cai-82502