Lào Cai: Tội phạm mua bán người còn diễn biến phức tạp

Theo thống kê của tỉnh công an tỉnh Lao Cai, từ năm 2012 đến năm 2017, tỉnh đã tiếp nhận 661 nạn nhân bị mua bán trở về, trong đó hơn 80% nạn nhân là đồng bào dân tộc thiểu số. Các nạn nhân khi trở về đều gặp các vấn đề về tâm lý và sức khỏe, một số nạn nhân có biểu hiện tâm thần, một số mang thai ngoài ý muốn, không có tiền bạc hay giấy tờ tùy thân, do đó tỉnh Lào Cai đã thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân.

Lào Cai là tỉnh có nhiều dân tộc cùng chung sống, trong đó dân tộc Kinh chiếm khoảng 35%, còn lại là các dân tộc thiểu số. Với gần 200 km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Trung Quốc; nơi có cửa khẩu quốc tế và cửa khẩu song phương, với nhiều đường mòn, lối mở thuận tiện cho việc đi lại thăm thân, buôn bán. Những yếu tố đó vô tình biến vùng đất này thành điểm nóng về nạn buôn bán người, khiến tình hình tội phạm buôn bán người tại đây trở nên hết sức phức tạp.

Nạn nhân được hỗ trợ dạy nghề từ Nhà nhân ái

Nạn nhân được hỗ trợ dạy nghề từ Nhà nhân ái

Tội phạm chủ yếu là đối tượng lưu manh chuyên nghiệp, có tiền án, tiền sự về tội mua bán người bất chấp pháp luật và đạo lý, thường không có nghề nghiệp ổn định, hoặc những người đã từng bị mua bán ra nước ngoài làm gái bán dâm lợi dụng sự kém hiểu biết, thiếu thông tin của nạn nhân hoặc sự quản lý lỏng lẻo của gia đình, nhà trường, hoàn cảnh gia đình, kinh tế khó khăn và thông qua các trang mạng xã hội hoặc những mối quan hệ sẵn có để tiếp cận, rủ rê, dụ dỗ, lôi kéo nạn nhân.

Theo thông tin từ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lào Cai, từ năm 2012 đến năm 2017, tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận 661 nạn nhân bị mua bán trở về, trong đó số nạn nhân trong tỉnh là 306, số còn lại thuộc các tỉnh thành trong cả nước, nạn nhân là trẻ em có 127 người, đặc biệt có 2 nạn nhân thuộc Nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

Tính riêng 10 tháng năm 2018, tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận 59 nạn nhân bị mua bán trở về, trong đó có 10 nạn nhân của tỉnh Lào Cai, 49 nạn nhân có hộ khẩu tại các tỉnh thành khác trong cả nước; nạn nhân là trẻ em có 16 người, hơn 80% nạn nhân là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Mông, người Dao và người Thái... Nạn nhân bị bán với nhiều mục đích khác nhau như làm vợ hoặc làm con nuôi, bị bán vào các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội, bị ép hoạt động mại dâm; cưỡng bức lao động, cho vay nặng lãi, đẻ thuê, bán nội tạng…

Mới đây, với chiêu bài dụ dỗ đi làm thuê lương cao, Tráng Seo Chu (19 tuổi, trú tại xã Cốc Ly, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) đã lừa hai phụ nữ người dân tộc để đem sang Trung Quốc bán, nhưng đã bị Đồn biên phòng Bản Lầu (Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai) kịp thời phát hiện và bắt giữ vào ngày 6/9/2018. Bước đầu, Chu khai nhận đã từng sang Trung Quốc làm thuê, được một người Trung Quốc tên Sử "đặt" về Việt Nam tìm phụ nữ mang sang Trung Quốc bán. Mỗi phụ nữ đưa trót lọt sang Trung Quốc, Sử trả cho Chu 135 triệu đồng.

Đối tượng Tráng Seo Chu bị bắt giữ

Theo đánh giá của cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai, đa số các nạn nhân khi trở về đều gặp các vấn đề về tâm lý và sức khỏe, một số nạn nhân có biểu hiện tâm thần, một số mang thai ngoài ý muốn, không có tiền bạc hay giấy tờ tùy thân, do đó tỉnh Lào cai đã thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân một cách nhanh chóng và kịp thời, đảm bảo các nhu cầu thiết yếu cho nạn nhân như: ăn, ở, mặc; đảm bảo an toàn, chăm sóc sức khỏe, phục hồi tâm lý, hỗ trợ học văn hóa, học nghề và giới thiệu việc làm ... để tránh bị tái mua bán trở lại.

Để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm buôn bán người đang diễn ra hết sức phức tạp, trong những năm qua, công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về trên địa bàn tỉnh Lào Cai được triển khai mạnh mẽ với nhiều chuyển biến tích cực và dần đi vào chiều sâu, hướng tới từng đối tượng, đến từng thôn bản trên địa bàn toàn tỉnh.

Các lực lượng chức năng của tỉnh Lào Cai, đặc biệt là lực lượng Bộ đội Biên phòng và Công an tỉnh đã đẩy mạnh công tác phòng, chống tội phạm mua bán người, chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, công tác hợp tác quốc tế với nước láng giềng trong trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong việc điều tra và giải cứu nạn nhân.

Sở LĐ-TB&XH chỉ đạo Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tổ chức các buổi truyền thông phòng chống mua bán người tại các chợ phiên, các trường học trên địa bàn tỉnh, các buổi truyền thông đã thu hút sự tham gia của nhiều học sinh và người dân đi chợ phiên tham gia, qua đó đã cung cấp các kiến thức, kỹ năng phòng tránh bị mua bán, kỹ năng đi làm ăn xa an toàn… Từ 2015 - 2018 đã tổ chức gần 70 buổi truyền thông tại các chợ phiên và trường học.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, tỉnh đã đẩy mạnh công tác hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng thông qua các cơ sở hỗ trợ nạn nhân như Trung tâm Công tác XH, Nhà Nhân Ái, nhằm đấu tranh, phòng ngừa với tội phạm buôn người, cũng như giúp nạn nhân tái hòa nhập. Sau gần 9 năm triển khai hoạt động, Nhà Nhân Ái đã tiếp nhận và hỗ trợ cho 195 nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập gia đình, cộng đồng an toàn.

Chu Lương

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/lao-cai-toi-pham-mua-ban-nguoi-con-dien-bien-phuc-tap-d87884.html