Lào Cai: Tốc độ giảm nghèo nhanh, dẫn đầu các tỉnh miền núi phía bắc

Theo đánh giá của Tỉnh ủy Lào Cai, nhiệm kỳ 2015 - 2020, công tác giảm nghèo được các cấp ủy đảng, chính quyền thực hiện quyết liệt và đạt kết quả cao. Tốc độ giảm nghèo nhanh, dẫn đầu các tỉnh trong khu vực miền núi phía bắc.

Theo đó, triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 5,17%/năm, đạt 147,7% so với mục tiêu Ðại hội, đến năm 2020 chỉ còn 8,46%. Xếp hạng nghèo của cả nước, năm 2016 Lào Cai từ tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo xếp thứ sáu, đến năm 2020 xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố, tăng lên 5 bậc.

Lào Cai xây dựng nhiều mô hình giảm nghèo.

Lào Cai xây dựng nhiều mô hình giảm nghèo.

Về bài học kinh nhiệm triển khai công tác giảm nghèo ở Lào Cai, đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, do đặc điểm là tỉnh miền núi, khó khăn nên công tác giảm nghèo được Ðảng bộ tỉnh xác định là nhiệm vụ chính trị trọng yếu. Ðể triển khai đồng bộ, hiệu quả, nhiệm kỳ vừa qua, Ðảng bộ Lào Cai triển khai sớm việc xây dựng các đề án, chương trình trước đại hội, liên quan đến công tác giảm nghèo. Với ưu điểm chuẩn bị công phu, bàn bạc kỹ lưỡng lại sớm về thời gian nên nhiều chương trình, đề án, nghị quyết đạt chất lượng và mang tính khả thi cao.

Thí dụ, trong sản xuất nông nghiệp, từ việc khảo sát kỹ lưỡng thực tế tại các thôn, bản biên giới cho thấy nhiều vùng, khu có những loại cây trồng, vật nuôi đặc sản; cái chính là biết khai thác và mở rộng sản xuất thành hàng hóa. Do vậy, trong các nghị quyết về nông nghiệp, nông thôn, Tỉnh ủy đặt trọng tâm vào các giải pháp nhằm thay đổi nhận thức, tư duy của bà con từ sản xuất tự cung tự cấp sang tập trung, quy mô lớn

Thấy rõ vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ, tỉnh ủy Lào Cai trong triển khai công tác giảm nghèo đã tăng cường chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số. Lào Cai có 25 dân tộc chung sống, chiếm 66% số dân toàn tỉnh; trong đó, dân tộc Mông chiếm 25%, dân tộc Tày chiếm 15%, dân tộc Dao chiếm 14%. Nhiệm kỳ qua, Tỉnh ủy có nhiều giải pháp như chủ động tạo nguồn ngay tại địa phương; đổi mới công tác đào tạo gắn với tuyển dụng, bổ nhiệm; xây dựng chế độ, chính sách ưu đãi để thu hút cán bộ người dân tộc thiểu số giỏi…

Nhiều cán bộ đã phát huy tốt năng lực, sở trường cũng như lợi thế của mình trong triển khai các chủ trương, nghị quyết đến với đồng bào. Đội ngũ cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số là cánh tay đắc lực của các cấp ủy, chính quyền trong triển khai nghị quyết. Do đặc điểm gắn bó và gần gũi với nhân dân, hiểu rõ phong tục, tập quán, nên việc hướng dẫn, vận động nhân dân đạt hiệu quả cao.

Với mục tiêu gắn kết chặt chẽ chính sách kinh tế với chính sách xã hội, phát triển kinh tế với nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, được biết giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu đưa Lào Cai trở thành tỉnh phát triển của vùng trung du, miền núi phía bắc. Ðể chuẩn bị các điều kiện, đảng bộ các cấp trong tỉnh đã tiến hành đại hội để đề ra giải pháp thực hiện cũng như bầu chọn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chủ chốt. Kết quả cho thấy không những chất lượng đội ngũ cấp ủy cơ sở được nâng cao mà cấp trên cơ sở cũng có nhiều đổi mới. Cụ thể, tỷ lệ cấp ủy viên trẻ đạt 17,8% (dưới 40 tuổi), nữ đạt 15,5%, cán bộ là người dân tộc thiểu số đạt 25,4%...

Thực tiễn Lào Cai cho thấy, để xóa đói, giảm nghèo nhanh, bền vững, xây dựng và phát huy nguồn lực con người, trước hết nguồn lực lãnh đạo quản lý, là động lực quan trọng, có ý nghĩa quyết định. Ðây cũng là nền tảng bảo đảm Ðảng bộ tỉnh Lào Cai triển khai các nhiệm vụ đề ra, làm tốt công tác xóa nghèo bền vững, nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh trong nhiệm kỳ mới.

X.MAI

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/lao-cai-toc-do-giam-ngheo-nhanh-dan-dau-cac-tinh-mien-nui-phia-bac-2020120315005669.htm