Lào Cai tập trung đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số

* Quảng Nam thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ môi trường Những năm qua, tỉnh Lào Cai tập trung chỉ đạo, huy động các nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bố trí hiệu quả các nguồn vốn đầu tư; việc hỗ trợ thực hiện theo hướng phối hợp, khuyến khích bà con tự vươn lên.

Đồng thời, với thực hiện tốt các chủ trương, chính sách chung của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, tỉnh Lào Cai đã ban hành hơn 20 chính sách đặc thù về công tác dân tộc. Mỗi năm, tỉnh dành từ 65% đến 70% nguồn vốn lồng ghép trong các chương trình để đầu tư cho vùng nông thôn, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Đã có hơn 6.500 lượt hộ nghèo toàn tỉnh được vay vốn phát triển sản xuất; gần 38 nghìn người dân tộc thiểu số được đào tạo nghề và hơn 60% trong số đó đã có việc làm. Tỷ lệ giảm nghèo bình quân hằng năm của tỉnh đạt gần 6%, các huyện nghèo giảm bình quân hơn 7%/năm. Tỉnh đang tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị định 05 của Chính phủ về công tác dân tộc; chủ trì hoặc phối hợp các ngành để đưa ra các ý kiến đóng góp nhằm sửa đổi, bổ sung các chính sách dân tộc sát với thực tế; tăng cường các nguồn lực thu hút đầu tư cho phát triển miền núi, gắn với quốc phòng, an ninh biên giới. Lào Cai hiện có hơn 30% số cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số...; đồng thời quan tâm chuẩn bị nguồn cán bộ là người dân tộc thiểu số thông qua việc đầu tư hệ thống trường, lớp ở vùng cao, chế độ cử tuyển và đào tạo nghề cho bà con.

* Tỉnh ủy Quảng Nam đang triển khai nhiều giải pháp về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn. Theo đó, tỉnh coi trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường; tăng cường công tác quản lý nhà nước, tiếp tục kiện toàn bộ máy và nâng cao năng lực quản lý môi trường các cấp. Đồng thời, chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong quá trình thu hút các dự án đầu tư trên địa bàn (đối với các dự án nhạy cảm về môi trường, các dự án an sinh xã hội phải có ý kiến Ban Thường vụ cấp ủy cùng cấp); xem xét, cân nhắc kỹ đối với các dự án tiềm ẩn nguy cơ tác động lớn đến môi trường.

Hiện, tỉnh đang triển khai kế hoạch tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm về bảo vệ môi trường, trước mắt tập trung vào các công trình có lưu lượng nước thải từ 200 m3/ngày đêm trở lên và xả thải ra sông, biển; rà soát, đánh giá lại hiệu quả của 16 dự án thủy điện vừa và nhỏ chưa được triển khai thực hiện, xem xét loại bỏ các dự án có quy mô công suất thấp dưới 5 MW, nhất là loại bỏ các dự án có sử dụng diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Đối với các dự án thủy điện đã hoạt động và đang xây dựng, tăng cường công tác quản lý, vận hành hồ chứa bảo đảm an toàn, thực hiện các thủ tục hồ sơ pháp lý liên quan trước khi được cơ quan phê duyệt cho phép tích nước hồ chứa. Thông qua hợp tác quốc tế, tỉnh tranh thủ các nguồn tài trợ để đầu tư các công trình bảo vệ môi trường trên địa bàn … Quảng Nam đã và đang triển khai các giải pháp cho mục tiêu đến năm 2020, tỉnh đạt tỷ lệ che phủ rừng là 52%; các cụm công nghiệp đều có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc đề án bảo vệ môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt; toàn bộ dân số đô thị và 95% dân số nông thôn trong tỉnh được sử dụng nước hợp vệ sinh…

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/31443502-lao-cai-tap-trung-dau-tu-phat-trien-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so.html