Lào Cai: Say mê với văn hóa dân tộc Tày

Ông Tạ Minh Khuê, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Văn Bàn (Lào Cai), năm nay đã gần 60 tuổi. Lần gặp nào, ông cũng kể về văn hóa dân tộc Tày với sự say sưa và đầy nhiệt huyết như chính mình là người bản địa. Điều đó đã thôi thúc tôi nhất định phải tìm hiểu kỹ về ông. Vẫn hình ảnh giản dị, áo sơ mi trắng, quần âu đen như mọi khi, ông bảo: Gần 60 tuổi rồi, dạo này chân bác hay đau mỏi, không đi cơ sở được nhiều, sức khỏe không còn tốt, nhưng nói chuyện về văn hóa dân tộc Tày bao lâu bác cũng sẵn sàng.

Ông Khuê dẫn đầu đoàn khảo sát di tích chiến thắng lịch sử đèo Khau Co

Có duyên với văn hóa dân tộc Tày

Không nhiều người biết rằng, ông Khuê vốn là thầy giáo dạy môn Toán, người con quê hương Thái Bình lên miền núi lập nghiệp. Năm 1980, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Hoàng Liên Sơn, chuyên ngành sư phạm Toán, ông về dạy học tại Trường Phổ thông cơ sở Dương Quỳ.

Từ khi mới tốt nghiệp, nhận việc tại Dương Quỳ, ông đã được nghe nhiều bạn bè “dọa”: “Ở vùng này có nhiều người Tày sinh sống, người dân tộc biết bỏ bùa, người miền xuôi lên đó ở dễ bị người bản địa ghét lắm”. Lời “dọa” của bạn khiến ông khá dè dặt khi mới về công tác. Người dân biết tiếng phổ thông không nhiều, giao tiếp còn khoảng cách, thế nhưng ở lâu với dân, ông mới hiểu, người bản địa có tính cộng đồng rất cao và rất mến khách.

Người Tày quý giáo viên, nhà có đồ ngon đều mang biếu thầy cô giáo. Hiểu được tấm lòng của bà con, khi đó ông được hưởng chế độ cán bộ, nên thường xuyên được cấp muối, mỳ chính hay bánh xà phòng, ông mang đến nhà dân, cùng bà con chia sẻ sử dụng. Từ đó, ông thường xuyên đến thăm nhà học sinh, ăn cùng dân, tìm hiểu về phong tục, tập quán của bà con.

Ông thấy các cô gái, chàng trai dân tộc Tày rất thích ngồi thâu đêm hát đối. Tìm hiểu kỹ ông mới biết đó là điệu hát then, hát nôm, những điệu hát đặc trưng của dân tộc Tày. Không học được hát, không nói được tiếng Tày, nhưng ông nghe được và hiểu rõ lời. Sau giờ lên lớp, thầy giáo Khuê đi chơi cùng thanh niên trong bản, đó cũng là những người bạn phiên dịch giúp ông giao tiếp với các cụ cao tuổi trong làng. Được mời đến dự những đám ma chay, cưới hỏi, từ sự tò mò, ông dần hiểu biết về văn hóa dân tộc Tày.

Thầy giáo đưa lớp học đến thôn, bản

Từ năm 1980 đến năm 1993, ông liên tục giữ vai trò là hiệu trưởng các trường học ở các xã, thị trấn. Đến năm 1993, ông về công tác tại Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Bàn, giữ chức Phó trưởng phòng, rồi Trưởng phòng.

Hơn 30 năm công tác trong ngành giáo dục, không chỉ yêu quý học sinh, ông còn vận dụng những hiểu biết của mình về văn hóa dân tộc Tày vào công tác quản lý giáo dục. Bởi tính cộng đồng của người Tày, nên người dân thích sống tập trung thành nhóm, dưới chân đồi, nơi có khe suối chảy qua. Lúc bấy giờ, các trường học chỉ tập trung ở trung tâm xã, con em đến trường xa, vất vả nên nhiều học sinh nghỉ hoặc bỏ học, thầy cô vận động vất vả nhưng tỷ lệ chuyên cần vẫn không cao.

Hiểu được điều đó, năm 1993, thầy giáo Tạ Minh Khuê đã đề xuất mở các lớp phân hiệu ở những thôn, bản xa, tập trung con em thành một điểm, mỗi phân hiệu 1 - 2 lớp học. Thầy cô giáo sẽ trực tiếp cắm bản, cùng sinh sống và dạy con em học tập. Nhờ có tham mưu của thầy mà chất lượng học, tỷ lệ chuyên cần chuyển biến tích cực và được ghi nhận.

Những năm đó, hầu hết bà con trên 45 tuổi mù chữ, số người nói được tiếng phổ thông cũng rất ít. Ông nhìn thấy khí thế, khát vọng học tập của bà con, vậy là lớp học có 2 đối tượng được mở, xóa mù chữ cho cha mẹ và phổ cập giáo dục cho con em. Đến năm 1998, huyện Văn Bàn cùng với thị xã Cam Đường được công nhận phổ cập giáo dục tiểu học. Năm 2004, Văn Bàn được công nhận phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Ông Khuê tâm sự: Người xưa có câu “phép vua thua lệ làng”, tập quán của người dân là vậy, mình không thể ép học sinh và bà con bỏ nhà cửa, ruộng nương để ra trung tâm học được. Học sinh không đến với mình thì mình đem lớp học đến cho các em. Thầy cô giáo, bà con và học sinh hiểu nhau sẽ dễ làm việc hơn, áp dụng đúng tập quán của địa phương, bà con sẽ tin tưởng và nghe theo…

Trăn trở công tác quản lý văn hóa

Năm 2013, ông Khuê chuyển công tác, giữ chức Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Văn Bàn. Không được đào tạo bài bản về công tác quản lý văn hóa, nhưng những hiểu biết về văn hóa dân tộc Tày đã giúp ông hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Ông tích cực tham mưu, nghiên cứu, phối hợp với cán bộ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch khôi phục nhiều nét văn hóa độc đáo của dân tộc Tày, như tục cúng làng, hát nôm, hát then. Những chuyến nghiên cứu các địa danh lịch sử cần được khôi phục, như di tích lịch sử đồn Khau Co, địa điểm chiến thắng đồn Coóc, Trấn Hà, di tích lịch sử đền Ken… đều không bao giờ vắng ông. Những tích xưa về con người, vùng đất của đồng bào Tày Văn Bàn, bất cứ ai hỏi đến đều được ông kể lại vanh vách.

Có sẵn vốn hiểu biết văn hóa dân tộc từ ngày còn làm công tác giáo dục, lại nhận được sự yêu mến của bà con, nên công việc quản lý văn hóa không quá khó khăn đối với ông. Ông có thêm nhiều cơ hội để nghiên cứu với điều mình say mê, càng ngày ông càng thân thiết và gần gũi với đồng bào hơn.

Dù đã gần 60 tuổi, nhưng trong công tác nghiên cứu văn hóa, ông vẫn luôn kết hợp quảng bá văn hóa qua mạng xã hội. Facebook của ông như cuốn sách nhỏ, ghi lại sinh động các chuyến nghiên cứu, những câu hát, điệu múa của đồng bào Tày. Ông chia sẻ: Giới trẻ hiện nay sử dụng mạng xã hội rất đông, là người quản lý và bảo tồn, quảng bá văn hóa, mình phải hiểu và theo thời thế để tránh bị lạc hậu. Quảng bá qua mạng xã hội cũng thu hút được lớp trẻ theo dõi, mong rằng những nét văn hóa độc đáo sẽ không bị mai một và pha lẫn.

Ông Khuê cũng trăn trở, ước muốn của bản thân trước khi nghỉ hưu là có thể đưa được con em của địa phương, người đồng bào vào làm công tác quản lý văn hóa ngay từ cấp xã. Quản lý văn hóa không phải là sự quản lý cơ học, việc được đào tạo tại trường học mới chỉ là lý thuyết. “Tôi mong con em dân tộc trở thành người quản lý để công tác bảo tồn văn hóa được tốt hơn. Hiện nay, đội ngũ quản lý văn hóa vẫn còn mang tính cơ học, nhiều cán bộ giữ chức nhưng làm việc không có sự say mê, tìm tòi khám phá” - ông Khuê tâm sự.

Hòng Thu

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/say-me-voi-van-hoa-dan-toc-tay-78720