Lào Cai: Phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường

Trên địa bàn tỉnh Lào Cai hiện có 4 khu công nghiệp (KCN) với 173 dự án đang hoạt động và đăng ký đầu tư vì vậy việc ban hành và thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường đối với khu công nghiệp, khu chế xuất và cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh là hết sức cần thiết.

Đoàn công tác của tỉnh tiến hành kiểm tra việc thực hiện chính sách bảo vệ môi trường tại một số nhà máy trong KCN Tằng Loỏng

Đoàn công tác của tỉnh tiến hành kiểm tra việc thực hiện chính sách bảo vệ môi trường tại một số nhà máy trong KCN Tằng Loỏng

Thực trạng còn nhiều khó khăn

Ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất công nghiệp tại Lào Cai hiện vẫn đang là đề tài nhận được sự quan tâm rất nhiều từ dư luận. Thực tế trong vài năm trở lại đây, dù đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong cơ cấu kinh tế địa phương, nhưng hoạt động sản xuất công nghiệp cũng để lại nhiều tác động tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống, sức khỏe và sản xuất của không ít hộ dân.

Đặc biệt là ô nhiễm môi trường tại khu công nghiệp Tằng Loỏng đặt ra cho tỉnh Lào Cai không ít thách thức.

Theo số liệu thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 3 KCN và 1 khu thương mại, công nghiệp (KTMCN). Tổng lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường (CTRCNTT) phát sinh trên toàn tỉnh khoảng 9.414,2 tấn/ngày đêm, tập trung chủ yếu tại KCN Tằng Loỏng, thành phần CTR chủ yếu xỉ thải, xỉ than, bùn thải; GISP phát sinh trong quá trình sản xuất phốt pho; DAP; DCP; luyện đồng…

Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh hiện chưa có khu xử lý chất thải tập trung, CTRCNTT do các chủ đầu tư phát sinh chất thải tự thu gom xử lý; Việc xử lý trên thực tế hiệu quả chưa cao. Đối với nước thải công nghiệp, tổng lượng nước thải phát sinh tại 4 KCN là 7.377m3/ngày đêm. Tổng lượng nước thải được thu gom, xử lý qua hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt khoảng 50% tổng lượng phát sinh.

Khí thải phát sinh từ hoạt động giao thông và các hoạt động sản xuất công nghiệp đặc biệt là công nghiệp hóa chất, sản xuất phân bón và sản xuất thép (chủ yếu tập trung tại KCN Tằng Loỏng) là nguồn gây ô nhiễm không khí chính ở Lào Cai. Theo điều tra thống kê, hiện nay, tổng lượng khí thải phát sinh tại các nhà máy trong KCN Tằng Loỏng khoảng 1,7 triệu m3/giờ, thành phần khí thải chủ yếu SO2, NOx, hơi axít.

Về cơ bản các doanh nghiệp đã đầu tư hệ thống xử lý khí thải, một số nhà máy sản xuất phốt pho vàng cải tạo, nâng cấp hệ thống thu khí tại bể tôi xỉ và bể khúc lưu… Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động vẫn còn một số nhà máy để xảy ra sự cố, rò rỉ khí thải gây tác động cộng hưởng làm ảnh hưởng đến cây cối, hoa màu của người dân sống xung quanh khu vực. Theo báo cáo từ năm 2014 đến nay đã đã có 24 cơ sở vi phạm về môi trường và bị xử phạt với tổng số tiền trên 5 tỷ đồng.

Quyết tâm thực hiện chủ trương phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường

Theo quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ, có 12 nhà máy trong KCN Tằng Loỏng thuộc đối tượng phải lắp đặt quan trắc tự động đối với khí thải. UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện, đến nay đã có một số đơn vị lắp đặt thiết bị quan trắc tự động kết nối với Sở Tài nguyên và Môi trường, số còn lại đang triển khai.

Chủ trương của tỉnh là: “Phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường”. Nhằm hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng ô nhiễm môi trường trong sản xuất công nghiệp, tỉnh Lào Cai đã ban hành nhiều chương trình, nghị quyết nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường.

Chi nhánh Luyện đồng Lào Cai – Vimicolà điểm sáng của Tập đoàn TKV và tỉnh Lào Cai về công tác bảo vệ môi trường

Trong thời gian qua, tỉnh đã thắt chặt các hoạt động đầu tư trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng về bảo vệ môi trường cho các khu công nghiệp (nhà máy xử lý nước thải khu công nghiệp Tằng Loỏng giai đoạn 1 với công suất 3.000 m3 và đang tiếp tục đầu tư giai đoạn 2, công suất gần 5.000 m3 ); đầu tư trang thiết bị, tiếp nhận số liệu quan trắc tự động liên tục khí thải của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp Tằng Loỏng; xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý nguồn thải trên địa bàn tỉnh; chú trọng thẩm định công nghệ sản xuất, công nghệ xử lý nước thải theo hướng công nghệ sạch, công nghệ thân thiện với môi trường, yêu cầu các doanh nghiệp phát sinh lượng chất thải lớn phải đầu tư hệ thống quan trắc tự động truyền số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường; tăng cường các hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát các doanh nghiệp trong khu công nghiệp Tằng Loỏng. Trong thời gian tới tỉnh Lào Cai sẽ tiếp tục đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các KCN còn lại.

Việc đầu tư xây dựng các công trình bảo vệ môi trường, kiểm soát môi trường như công trình thu gom, thoát nước, xử lý nước thải tập trung, hệ thống quan trắc môi trường… đã và đang được các nhà máy quan tâm đầu tư.

Điển hình như Chi nhánh Luyện đồng Lào Cai – Vimico, đây là doanh nghiệp trực thuộc Tổng công ty Khoáng sản – TKV – CTCP, Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam. Hàng năm, Chi nhánh sản xuất và tiêu thụ trên 11.000 tấn đồng kim loại Cathode, hàm lượng đồng > 99,95%, trên 450kg vàng thỏi, 470 kg bạc thỏi đáp ứng yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của thị trường trong và ngoài nước.

Trải qua 12 năm xây dựng và phát triển ổn định với nhiều thành tích trong sản xuất kinh doanh, Chi nhánh còn là điểm sáng của Tập đoàn TKV và tỉnh Lào Cai về công tác bảo vệ môi trường với hàng loạt công trình tiêu biểu giảm thiểu ô nhiễm môi trường như: Bảo vệ môi trường đối với bùn nước sau tuyển nổi;Đối với nước thải sinh hoạt , nước mưa rửa trôi qua mặt bằng nhà máy và nước thải công nghiệp.

Phần lớn lượng nước được thu gom qua trạm xử lý nước rồi tuần hoàn tái sử dụng; Đầu tư hệ thống quan trắc khí thải tự động với tổng giá trị 4,694 tỷ đồng; Xử lý đuôi xỉ tuyển và Chất thải rắn thông thường…..

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp tại KCN cũng đã đầu tư lắp đặt xong hệ thống trạm quan trắc tự động, do đó các cơ quan chức năng có thể kiểm soát chặt chẽ việc xả thải của các nhà máy.

Đặc biệt, tỉnh Lào Cai đã bám sát các quy định của Trung ương, chỉ đạo ban hành kịp thời các quy định của địa phương, đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ môi trường và giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trong các khu, cụm công nghiệp.

Hiện, toàn tỉnh Lào Cai có 9/12 dự án, công trình bảo vệ môi trường với tổng kinh phí đầu tư cho nhiệm vụ bảo vệ môi trường trên 43 tỷ đồng, trong đó đầu tư cho KCN gần 10 tỷ đồng. Đặc biệt, tỉnh Lào Cai đã phê duyệt Đề án về việc tăng cường công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020.

Để thực hiện hiệu quả chủ trương của tỉnh về phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường, tỉnh Lào Cai đã đưa ra nhiều biện pháp mạnh, khẳng định thông điệp không đánh đổi môi trường lấy sự phát triển, nhưng việc giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường nói chung và tại các khu công nghiệp nói riêng vẫn là một cuộc chiến lâu dài, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhất là cách hành xử có trách nhiệm của các đơn vị sản xuất công nghiệp trên địa bàn.

Thu Thủy

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/nhip-song-hom-nay/lao-cai-phat-trien-kinh-te-phai-di-doi-voi-bao-ve-moi-truong-473253.html