Lào Cai: Lao động tự do gánh chịu nhiều rủi ro

Để kiếm được đồng tiền, những lao động tự do ở tỉnh Lào Cai sẵn sàng nhận những phần việc nặng nhọc. Trong quá trình lao động, do không hiểu biết về an toàn lao động (ATLĐ), nhiều người trong số họ đã phải trả giá bằng mạng sống của mình. Số tiền bồi thường cho gia đình họ cũng không đáng là bao.

Vụ sạt lở vùi lấp 4 CNLĐ ở Lào Cai hôm 14.4. Ảnh: PV

Vụ sạt lở vùi lấp 4 CNLĐ ở Lào Cai hôm 14.4. Ảnh: PV

Trả giá bằng mạng sống

Trung tuần tháng 4, tại số nhà 083, đường Điện Biên (phường Duyên Hải, TP.Lào Cai) đã xảy ra vụ sạt lở vùi lấp 4 CNLĐ. Trong đó, một người bị thương, ba người tử nạn. Tất cả trong số họ đều là những lao động tự do, nhận khoán việc xây bờ kè với chủ nhà. Ông Phạm Tuấn Cường - Bí thư Đảng ủy phường Duyên Hải (TP.Lào Cai) - cho biết, mục đích làm kè để tránh sạt lở phía sau nhà là việc chính đáng. Tuy vậy, do không có các biện pháp đảm bảo ATLĐ nên vụ việc xảy ra rất đáng tiếc. Đây là bài học cho những chủ thuê mướn lao động tự do bên ngoài, triển khai công trình không có hướng dẫn của cán bộ chuyên môn.

Một số cửu vạn rất lo lắng khi nghe tin về những tai nạn lao động trên địa bàn tỉnh Lào Cai nhưng theo họ làm bốc vác hay các công việc lao động chân tay khác thì khó khỏi sơ sẩy. Do đó, nhiều người trong số họ mong muốn được đóng BHXH, BHYT… để an tâm làm việc.

Trước đó trong tháng 3, tại Lào Cai cũng xảy ra một vụ tai nạn thương tâm khiến 9 cửu vạn tử vong trên sông Hồng. Theo đó, Cty TNHH thương mại và dịch vụ Bắc Sông Hồng (trụ sở tại số 036 đường Khánh Yên, phường Phố Mới, TP.Lào Cai) đã thuê mướn số lao động này. Sau khi tìm kiếm các nạn nhân, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp đã hỗ trợ gia đình những lao động thiệt mạng này khoảng 60 triệu đồng/trường hợp. Tuy nhiên, trong những vụ tai nạn lao động trên, thiệt thòi nhất chính là những đứa trẻ, gia đình nạn nhân khi mất đi lao động chính trong nhà.

Làm sao để quản lý?

Lào Cai hiện đang trong đà phát triển với tốc độ khá nhanh trong khu vực Tây Bắc. Đặc biệt Lào Cai là tỉnh có cửa khẩu, vì vậy lượng lớn lao động từ các tỉnh lân cận đổ về đây. Tuy nhiên, đó cũng là lý do khiến quản lý lao động tự do trên địa bàn gặp nhiều khó khăn.

Trước thực trạng trên, đặc biệt là liên tiếp các vụ tai nạn lao động chết người xảy ra, ông Đinh Văn Thơ - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Lào Cai - cho biết, tỉnh đã có kế hoạch rà soát bến bãi yêu cầu người lao động tự do phải đăng ký lao động, đặc biệt các chủ bốc xếp, vận chuyển hàng hóa phải đăng ký để quản lý, kiểm soát đảm bảo cơ sở vật chất, đảm bảo ATLĐ, đủ điều kiện mới cho phép hoạt động.

Ngoài ra, ông Thơ cho rằng hiện nay, việc hiểu biết pháp luật của lao động tự do còn yếu, thiếu và hạn chế. Vì vậy, cần tuyên truyền cho người lao động khi đi làm việc trong hay ngoài tỉnh phải có hợp đồng, thỏa thuận cam kết nội dung trách nhiệm cụ thể. Có các hình thức tuyên truyền bằng tờ rơi, qua loa đài, báo, để họ hiểu và có thể tự bảo vệ mình.

Còn theo Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Lào Cai Nguyễn Hữu Long, cũng như tỉnh, thành khác, lao động tự do tại Lào Cai thỏa thuận hợp đồng bằng miệng với người sử dụng lao động làm một công việc nhất định, hết giờ thì được thanh toán tiền công. Vì vậy, để quản lý số lao động này, LĐLĐ tỉnh mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước về lao động như Sở LĐTBXH, Phòng LĐTBXH, các cơ quan quản lý về biên giới như biên phòng, hải quan và công an tăng cường kiểm tra nhất là các đơn vị, doanh nghiệp có sử dụng lao động, làm sao giảm thiểu nhất số lao động không được ký hợp đồng.

Qua đó, có kiểm tra, có uốn nắn, yêu cầu các công ty, doanh nghiệp đảm bảo các yêu cầu cần thiết về bảo hộ lao động cho người lao động khi thuê mướn họ. Có như vậy sẽ tránh được điều đáng tiếc xảy ra khi người lao động thực thi nhiệm vụ dễ mất ATLĐ.

VŨ HẢI

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cong-doan/lao-cai-lao-dong-tu-do-ganh-chiu-nhieu-rui-ro-605185.ldo